Bản tin pháp luật số 4/2021

Đăng lúc: 00:00:00 12/05/2021 (GMT+7)

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của pháp luật, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa tổng hợp một số văn bản pháp luật mới ban hành có liên quan đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp như sau:

 MỘT SỐ VĂN BẢN PHÁP LUẬT MỚI BAN HÀNH LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG CỦA DOANH NGHIỆP (Từ 12/04/2021 đến 11/05/2021)

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của pháp luật, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa tổng hợp một số văn bản pháp luật mới ban hành có liên quan đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp như sau:

1.       Ngày 01/4/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 47/2021/NĐ-CP về việc quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp 2020.

Cụ thể, Nghị định 47 quy định chi tiết về doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp nhà nước, nhóm công ty, doanh nghiệp QP-AN và công bố thông tin doanh nghiệp nhà nước.Trong đó, quy định việc sở hữu chéo giữa các công ty trong nhóm công ty như sau:

- Việc góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp khác hoặc để thành lập doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 3 Điều 195 Luật doanh nghiệp bao gồm trường hợp sau:

+ Cùng góp vốn để thành lập doanh nghiệp mới.

+ Cùng mua phần vốn góp, mua cổ phần của doanh nghiệp đã thành lập.

+ Cùng nhận chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp của các thành viên, cổ đông của doanh nghiệp đã thành lập.

- Doanh nghiệp có sở hữu ít nhất 65% vốn Nhà nước theo khoản 3 Điều 195 Luật Doanh nghiệp là doanh nghiệp nhà nước nắm giữ từ 65% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên.

Nghị định 47/2021/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày ký; thay thế và bãi bỏ Quyết định 35/2013/QĐ-TTg , Nghị định 81/2015/NĐ-CP , Nghị định 93/2015/NĐ-CP và Nghị định 96/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

2.       Bộ KH&ĐT ban hành Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT quy định mẫu văn bản, báo cáo liên quan đến hoạt động đầu tư tại Việt Nam, đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài và xúc tiến đầu tư.

Theo đó, các biểu mẫu được ban hành mới theo quy định tại Luật đầu tư 2020 và Nghị định 31/2021/NĐ-CP, đơn cử một số mẫu áp dụng đối với nhà đầu tư như:

Mẫu A.I.1: Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư theo Điểm a khoản 1 Điều 33 Luật đầu tư, khoản 1 Điều 36 Nghị định 31/2021;

Mẫu A.I.2: Đề xuất dự án đầu tư (Dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập) theo Điểm b khoản 2 Điều 33 Luật đầu tư;

Mẫu A.I.3: Đề xuất dự án đầu tư (Dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư do nhà đầu tư đề xuất) theo Điểm d khoản 1 Điều 33 Luật đầu tư;

Mẫu A.I.4: Đề xuất dự án đầu tư (Dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư) theo Khoản 1 Điều 36 Nghị định 31/2021;

Mẫu A.I.5: Văn bản đề nghị chấp thuận nhà đầu tư theo Khoản 3 Điều 29 Luật đầu tư, các khoản 1 và 2 Điều 30 Nghị định 31/2021;

Mẫu A.I.6: Văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo các khoản 2 và 4 Điều 35 Nghị định 31/2021;…

Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT có hiệu lực thi hành từ 09/4/2021, thay thế Thông tư 16/2015/TT-BKHĐT và Thông tư 03/2018/TT-BKHĐT.

3.       Bộ Tài chính ban hành Thông tư 26/2021/TT-BTC về hướng dẫn công tác kế toán khi thực hiện chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) thành công ty cổ phần (CTCP).

Theo đó, khi ĐVSNCL chuyển đổi phải lập báo cáo tình hình tài chính dựa trên khuôn mẫu doanh nghiệp tại 2 thời điểm:

- Thời điểm xác định giá trị ĐVSNCL sau khi đã hạch toán đầy đủ các nghiệp vụ phát sinh liên quan đến xử lý tài chính để xác định giá trị đơn vị theo quy định.

- Tại thời điểm chính thức chuyển thành CTCP sau khi đã hạch toán kết quả xử lý tài chính tại thời điểm chính thức chuyển đổi thành CTCP theo quy định làm căn cứ bàn giao sang CTCP. Các bước thực hiện lập báo cáo tình hình tài chính bao gồm:

+ Thực hiện các bước khóa sổ kế toán theo quy định của chế độ kế toán hành chính sự nghiệp.

+ Lập báo cáo tình hình tài chính theo mẫu B01/BCTC quy định tại chế độ kế toán hành chính sự nghiệp.

+ Phân tích số liệu chi tiết căn cứ sổ sách kế toán, văn bản xác định lại giá trị tài sản để chuyển đổi, hồ sơ về kết quả xác định giá trị ĐVSNCL và các tài liệu có liên quan khác.

+ Lập bảng chuyển đổi số liệu theo quy định tại Thông tư này.

+ Căn cứ số liệu Bảng chuyển đổi số liệu và hướng dẫn lập các chi tiêu chi tiết trên Báo cáo tình hình tài chính theo khuôn mẫu doanh nghiệp thực hiện tổng hợp chỉ tiêu theo hướng dẫn tại Phụ lục 02.

Thông tư 26/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/6/2021.

4.       Bổ sung quy định về các trường hợp không thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu

Đây là nội dung tại Nghị định 18/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 134/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.Theo đó, bổ sung quy định về các trường hợp không thu thuế xuất, nhập khẩu (XNK) như sau:

- Không thu thuế đối với hàng hóa thuộc đối tượng hoàn thuế nhưng chưa nộp thuế theo quy định như:

+ Hoàn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu phải tái nhập;+ Hoàn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu phải tái xuất;

+ Hoàn thuế đối với máy móc, thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận chuyển của các tổ chức, cá nhân được phép tạm nhập, tái xuất;

+ Hoàn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất, kinh doanh nhưng đã xuất khẩu sản phẩm;

+ Hoàn thuế đối với trường hợp người nộp thuế đã nộp thuế XNK nhưng không có hàng hóa XNK hoặc XNK ít hơn so với hàng hóa XNK đã nộp thuế; không hoàn thuế đối với trường hợp có số tiền thuế tối thiểu.

- Không thu thuế đối với hàng hóa không phải nộp thuế XNK quy định về:

+ Hoàn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu phải tái nhập;

+ Hoàn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu phải tái xuất.

Người nộp thuế nộp hồ sơ không thu thuế cho cơ quan hải quan nơi làm thủ tục XNK hàng hóa tại thời điểm làm thủ tục hải quan hoặc sau khi hàng hóa đã thông quan.

Nghị định 18/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ 25/4/2021 và bãi bỏ các Thông tư 90/2011/TT-BTCThông tư 201/2012/TT-BTCThông tư 81/2013/TT-BTC và Thông tư 116/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính.

5.       Chính sách về tiền lương, BHXH cho NLĐ tại doanh nghiệp Quốc phòng -An ninh

Chính phủ ban hành Nghị định 47/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Doanh nghiệp.

Theo đó, NLĐ làm việc tại doanh nghiệp quốc phòng, an ninh được áp dụng chế độ, chính sách đơn cử như sau:

- Tiền lương của lao động là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan được tính phù hợp với quy định về chế độ, chính sách của pháp luật và dựa vào kết quả sản xuất kinh doanh.

- Khi làm nhiệm vụ QP-AN, NLĐ bị thương hoặc bị chết mà đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì được xem xét, xác nhận là người có công theo quy định của pháp luật về người có công;

- NLĐ bị tai nạn lao động thì xét hưởng chế độ tai nạn lao động theo quy định của pháp luật về lao động.

- Nhà nước đảm bảo kinh phí trả lương, đóng BHXH cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong thời gian chuẩn bị nghỉ hưu;

Nghị định 47/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/4/2021.

6.       Mức thu phí, miễn thu phí trong chăn nuôi từ ngày 17/5/2021

Bộ Tài chính ban hành Thông tư 24/2021/TT-BTC về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong chăn nuôi.

Theo đó, mức thu phí trong chăn nuôi được quy định tại Biểu mức thu phí trong chăn nuôi ban hành kèm theo Thông tư 24, áp dụng như sau:

- Áp dụng mức thu bằng 50% mức thu phí tại Biểu mức thu phí kể từ ngày 17/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021.

- Áp dụng mức thu phí tại Biểu mức thu phí kể từ ngày 01/01/2022 trở đi.- Miễn thu phí đối với các đối tượng là:

+ Cá nhân thuộc hộ nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng;

+ Tổ chức, cá nhân ở các xã có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn khi đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện nội dung thu phí quy định tại Biểu mức thu phí.

Thông tư 24/2021/TT-BTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17/5/2021.

7.       Công bố 104 TTHC mới và bãi bỏ 184 TTHC trong lĩnh vực chứng khoán

Bộ Tài chính ban hành Quyết định 12/QĐ-BTC công bố thủ tục hành chính mới/bị bãi bỏ trong lĩnh vực chứng khoán.

Theo đó, Bộ Tài chính công bố 184 thủ tục bị bãi bỏ, đồng thời công bố 104 thủ tục hành chính mới; đơn cử như sau:

- Đăng ký chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của công ty cổ phần;- Đăng ký chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng của công ty đại chúng;

- Đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ của công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán;

- Đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi các khoản nợ của công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán.

Quyết định 12/QĐ-BTC có hiệu lực từ ngày 07/01/2021.

8.       Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ban hành Quyết định 426/QĐ-BKHĐT thủ tục hành chính (TTHC) mới, sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài.

Theo đó, công bố 02 TTHC mới lĩnh vực đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài, cụ thể:

- Điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài đối với dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài của Quốc hội;

- Hiệu đính Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.

Ngoài ra, Quyết định 426 còn sửa đổi, bổ sung 09 TTHC, đơn cử như:

- Cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài đối với dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài của Quốc hội;

- Cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài đối với dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài của Thủ tướng Chính phủ;

- Cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài;

- Chấm dứt hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài;

- Thông báo kéo dài thời hạn chuyển lợi nhuận của dự án đầu tư ra nước ngoài về nước;…

Quyết định 426/QĐ-BKHĐT có hiệu lực từ ngày 14/4/2021 thay thế Quyết định 1711/QĐ-BKHĐT ngày 14/11/2018 và Quyết định 1967/QĐ-BKHĐT ngày 13/12/2019.

9.       Các đối tượng được gia hạn thời hạn nộp thuế 2021

Ngày 19/4/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 52/2021/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuê đất trong năm 2021. Theo đó, các đối tượng được gia hạn như:

- Doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất trong các ngành kinh tế:

+ Hoạt động xuất bản; điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc;

+ Khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên (không gia hạn đối với thuế TNDN của dầu thô, condensate, khí thiên nhiên thu theo hiệp định, hợp đồng);

+ Sản xuất đồ uống; in, sao chép bản ghi các loại; sản xuất mô tô, xe máy;

+ Thoát nước và xử lý nước thải…

- Doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động kinh doanh trong các ngành kinh tế:

+ Hoạt động phát thanh, truyền hình; lập trình máy vi tính, dịch vụ tư vấn và các hoạt động khác liên quan đến máy vi tính; hoạt động dịch vụ thông tin;

+ Hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai khoáng…

Nghị định 52/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 19/4/2021.

10.   Bộ Tài chính ban hành Thông tư 28/2021/TT-BTC ngày 07/4/2021 về tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 12 (Tiêu chuẩn thẩm định giá doanh nghiệp)

Theo đó, hướng dẫn xác định giá trị thương hiệu của đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần như sau:

Khi áp dụng phương pháp tài sản theo quy định tại Điều 23 Nghị định 150/2020/NĐ-CP ngày 25/12/2020:

Giá trị thương hiệu của đơn vị sự nghiệp công lập được xác định theo phương pháp xác định giá trị tài sản vô hình không xác định được nêu tại tiết a điểm 5.5 mục 5 Phần II của Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 12.

Đây là phương pháp ước tính tổng giá trị các tài sản vô hình của doanh nghiệp cần thẩm định giá thông qua việc ước tính giá trị của từng tài sản vô hình có thể xác định và giá trị của tài sản vô hình không xác định được (các tài sản vô hình còn lại).Chỉ tiêu về thu nhập của đơn vị sự nghiệp công lập được xác định theo pháp luật về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Thông tư 28/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/7/2021 và thay thế Thông tư 122/2017/TT-BTC ngày 15/11/2017.

11.  Quy định chung về xử lý tài sản bảo đảm

Đây là nội dung tại Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ có hiệu lực từ ngày 15/5/2021, thay thế Nghị định 163/2006/NĐ-CP và Nghị định 11/2012/NĐ-CP

Theo đó, việc xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) được quy định như sau:

- Việc xử lý TSBĐ phải được thực hiện đúng với thỏa thuận của các bên, quy định của Nghị định 21/2021 và pháp luật liên quan. Trường hợp TSBĐ là quyền khai thác khoáng sản, quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên khác thì việc xử lý TSBĐ phải phù hợp theo quy định của pháp luật về khoáng sản, pháp luật về tài nguyên thiên nhiên khác và pháp luật có liên quan.

- Bên nhận bảo đảm thực hiện việc xử lý TSBĐ trên cơ sở thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm thì không cần có văn bản ủy quyền hoặc văn bản đồng ý của bên bảo đảm.

- Trường hợp Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan quy định tài sản đang dùng để bảo đảm phải xử lý để bên bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác thì tài sản này được xử lý theo quy định đó.

- Việc bên nhận bảo đảm xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ không phải là hoạt động kinh doanh tài sản của bên nhận bảo đảm.

12. Hướng dẫn ghi nhãn giống cây trồng lâm nghiệp

Theo Nghị định 27/2021/NĐ-CP thì việc ghi nhãn giống cây trồng lâm nghiệp được thực hiện theo quy định tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP về ghi nhãn hàng hóa và nội dung ghi nhãn như sau:

+ Đối với hạt giống: Tên loài cây (tên khoa học); khối lượng hạt; ngày, tháng, năm chế biến xong; thời hạn sử dụng; nơi thu hái; phương pháp bảo quản; tên, địa chỉ của cơ sở sản xuất;

+ Đối với bình mô: Tên loài cây (tên khoa học); tên giống; mã số giống được công nhận; lô sản xuất: Ngày, tháng, năm; tên, địa chỉ của cơ sở sản xuất; thời hạn cấy cây (từ ngày xuất giống đến ngày cuối cùng được phép sử dụng);

+ Đối với các loại giống khác không ghi nhãn nhưng phải có hồ sơ theo quy định tại Điều 18 Nghị định 27/2021/NĐ-CP.Nghị định 27/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/5/2021.

VCCI Thanh Hóa tổng hợp

Bản tin pháp luật số 04.doc