Bản tin pháp luật tháng 11
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của pháp luật, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa tổng hợp một số văn bản pháp luật mới ban hành có liên quan đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp như sau:
MỘT SỐ VĂN BẢN PHÁP LUẬT MỚI BAN HÀNH LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG CỦA DOANH NGHIỆP (Từ 11/10/2020 đến 11/11/2020)
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của pháp luật, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa tổng hợp một số văn bản pháp luật mới ban hành có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như sau:
1. BHXH Việt Nam ban hành Công văn 2950/BHXH-BT hướng dẫn bổ sung cách kê khai cột (25), cột (26), cột (27) tại Mẫu D02-LT ban hành kèm theo Quyết định 1040/QĐ-BHXH ngày 18/8/2020 như sau:
- Cột (25):
+ Trường hợp NLĐ tăng mới hoặc bắt đầu chuyển đến làm việc tại đơn vị thì ghi tháng, năm NLĐ bắt đầu tăng mới hoặc chuyển đến làm việc;
+ Trường hợp NLĐ điều chỉnh mức đóng (tăng, giảm lương, các khoản phụ cấp,...) thì ghi tháng, năm NLĐ bắt đầu điều chỉnh;
+ Trường hợp NLĐ truy đóng BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ, BNN) thì ghi thời điểm tháng, năm bắt đầu truy đóng.
- Cột (26):
+ Với NLĐ tăng mới hoặc bắt đầu chuyển đến làm việc tại đơn vị và trường hợp NLĐ điều chỉnh mức đóng thì bỏ trống cột này;
+ Với NLĐ truy đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN (truy đóng cộng nối thời gian; truy đóng, truy giảm tiền lương làm căn cứ đóng) chỉ đến tháng trước tháng lập Mẫu D02-LT thì ghi tháng, năm kết thúc truy đóng.
- Cột (27):
+ Ghi số; ngày, tháng, năm của HĐLĐ, HĐLV (ghi rõ thời hạn HĐLV từ ngày, tháng, năm đến ngày, tháng, năm) hoặc quyết định (tuyển dụng, tiếp nhận); tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương...
+ Trường hợp NLĐ truy đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN thì ghi chú cụ thể.
+ Ghi đối tượng được hưởng quyền lợi BHYT cao hơn nếu có giấy tờ chứng minh như: người có công, cựu chiến binh...
2. Nghị định 122/2020/NĐ-CP về phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia BHXH, đăng ký sử dụng hóa đơn doanh nghiệp. Theo đó, quy trình phối hợp, liên thông giữa cơ quan đăng ký kinh doanh (ĐKKD) và cơ quan BHXH được quy định như sau:
- Sau khi được cấp đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện (VPĐD), cơ quan ĐKKD chia sẻ cho cơ quan BHXH các thông tin sau:
+ Thông tin về Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, VPĐD.
+ Thông tin về tổng số lao động dự kiến, ngành, nghề kinh doanh, phương thức đóng BHXH của doanh nghiệp, chi nhánh, VPĐD.
- Khi có sự thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, chi nhánh, VPĐD cơ quan ĐKKD chia sẻ thông tin về Giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, VPĐD cho cơ quan BHXH.
- Mã số doanh nghiệp, mã số chi nhánh, văn phòng đại diện được sử dụng làm mã số đơn vị tham gia BHXH.
- Khi doanh nghiệp, chi nhánh, VPĐD đóng BHXH, cơ quan BHXH chia sẻ thông tin về số lượng lao động đóng BHXH cho cơ quan ĐKKD để thực hiện quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập.
Nghị định 122/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/10/2020
3. Thông tư 39/2020/TT-BGDĐT về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo từ xa trình độ đại học. Theo đó, quy định 11 tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo từ xa trình độ đại học gồm:
- Tiêu chuẩn 1: Mục tiêu và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo.
- Tiêu chuẩn 2: Bản mô tả, cấu trúc, nội dung chương trình đào tạo.
- Tiêu chuẩn 3: Hoạt động dạy và học.
- Tiêu chuẩn 4: Hoạt động kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học.
- Tiêu chuẩn 5: Đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, trợ giảng.
- Tiêu chuẩn 6: Đội ngũ nhân viên.
- Tiêu chuẩn 7: Người học và hoạt động hỗ trợ người học.
- Tiêu chuẩn 8: Cơ sở hạ tầng công nghệ, trang thiết bị và học liệu.
- Tiêu chuẩn 9: Quản lý triển khai chương trình đào tạo.
- Tiêu chuẩn 10: Bảo đảm và nâng cao chất lượng chương trình đào tạo.
- Tiêu chuẩn 11: Kết quả đầu ra.
Thông tư 39/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 25/11/2020.
4. Bộ LĐ-TB&XH ban hành Thông tư 07/2020/TT-BLĐTBXH về xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật về đào tạo áp dụng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (gọi tắt là định mức kinh tế - kỹ thuật). Theo đó, định mức kinh tế - kỹ thuật là lượng tiêu hao các yếu tố về lao động, thiết bị, vật tư và cơ sở vật chất để hoàn thành việc đào tạo cho 01 người học đạt các tiêu chí, tiêu chuẩn đã được ban hành. Định mức kinh tế - kỹ thuật bao gồm 04 định mức thành phần cơ bản sau:
- Định mức lao động: là mức tiêu hao lao động sống cần thiết của người lao động theo chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành việc đào tạo cho 01 người học đạt các tiêu chí, tiêu chuẩn đã được ban hành.
- Định mức thiết bị: là thời gian sử dụng thiết bị cần thiết đối với từng loại thiết bị để hoàn thành việc đào tạo cho 01 người học đạt các tiêu chí, tiêu chuẩn đã được ban hành.
- Định mức vật tư: là mức tiêu hao từng loại nguyên, vật liệu cần thiết để hoàn thành việc đào tạo cho 01 người học đạt các tiêu chí, tiêu chuẩn đã được ban hành.
- Định mức cơ sở vật chất: là thời gian và diện tích sử dụng của 01 người học với từng loại cơ sở vật chất để hoàn thành việc đào tạo cho 01 người học đạt các tiêu chí, tiêu chuẩn đã được ban hành.
Thông tư 07/2020/TT-BLĐTBXH hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2021.
5. Giảm lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu
Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định 1728/QĐ-NHNN về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng. Theo đó, quy định các mức lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam như sau:
- Lãi suất tái cấp vốn: từ 4,5%/năm giảm còn 4,0%/năm.
- Lãi suất tái chiết khấu: từ 3,0%/năm giảm còn 2,5%/năm.
- Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN Việt Nam đối với các ngân hàng: từ 5,5%/năm giảm còn 5,0%/năm.
Quyết định 1728/QĐ-NHNN có hiệu lực từ ngày 01/10/2020.
6. 01 Luật chỉ ban hành tối đa 02 Nghị định hướng dẫn
Ngày 10/10/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết 149/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2020. Theo đó, yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ cắt giảm tối đa số lượng văn bản quy định chi tiết luật theo hướng một luật chỉ ban hành tối đa 02 nghị định quy định chi tiết, trường hợp đặc thù báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định
7. Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hoá đơn, chứng từ có hiệu từ ngày 01/7/2022. Cụ thể, bãi bỏ khoản 2 và khoản 4 Điều 35 Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định về hoá đơn điện tử như sau:
2. Việc tổ chức thực hiện hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo quy định của Nghị định này thực hiện xong đối với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh chậm nhất là ngày 01 tháng 11 năm 2020.
4. Kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2020, các Nghị định: số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 và số 04/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ hết hiệu lực thi hành.
Như vậy, không còn bắt buộc các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh phải hoàn thành việc tổ chức thực hiện hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế từ ngày 01/11/2020. Đồng thời các Nghị định 51/2010/NĐ-CP , Nghị định 04/2014/NĐ-CP và Nghị định 119/2018/NĐ-CP tiếp tục có hiệu lực thi hành đến ngày 30/6/2022. Khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin áp dụng quy định về hoá đơn, chứng từ điện tử theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP trước ngày 01/7/2022.
8. Tiêu chí khai thuế GTGT theo quý
Chính phủ ban hành Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý thuế 2019 có hiệu lực từ ngày 05/12/2020. Theo đó, khai thuế theo quý được áp dụng đối với:
- Người nộp thuế thuộc diện khai thuế GTGT theo tháng có tổng doanh thu bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ của năm trước liền kề từ 50 tỷ đồng trở xuống:
+ Doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ được xác định là tổng doanh thu trên các tờ khai thuế GTGT của các kỳ tính thuế trong năm dương lịch.
+ Trường hợp người nộp thuế thực hiện khai thuế tập trung tại trụ sở chính cho đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh thì doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ bao gồm cả doanh thu của đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh.
- Người nộp thuế mới bắt đầu hoạt động, kinh doanh thì được chọn khai thuế GTGT theo quý.Sau khi sản xuất kinh doanh đủ 12 tháng thì từ năm dương lịch liền kề tiếp theo năm đã đủ 12 tháng sẽ căn cứ theo mức doanh thu của năm dương lịch trước liền kề (đủ 12 tháng) để thực hiện khai thuế GTGT theo kỳ tính thuế tháng hoặc quý.
9. Tăng mức phạt hành vi quá cảnh hàng hóa mà không có giấy phép theo quy định. Nghị định 128/2020/NĐ-CP ban hành ngày 19/10/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan.
Theo đó, phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với tổ chức có một trong các hành vi vi phạm sau:
- Quá cảnh hàng hóa theo quy định phải có giấy phép mà không có giấy phép;
- Chuyển khẩu hàng hóa thuộc danh mục cấm xuất, nhập khẩu; tạm ngừng xuất, nhập khẩu; hàng chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam mà không có giấy phép theo quy định.
(Hiện hành Nghị định 127/2013/NĐ-CP quy định mức phạt cho các hành vi trên là từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng).
Nghị định 128/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/12/2020.
10. Quyết định 1320/QĐ-BHXH của BHXH Việt Nam. Theo đó, BHXH sẽ tập trung thực hiện nâng cao chất lượng công tác giám định BHYT, kiểm soát chặt chẽ tình trạng lạm dụng quỹ BHYT, cụ thể:
- Phối hợp với các ban, ngành, cơ quan liên quan để xây dựng, bổ sung chính sách quản lý chặt chẽ chi phí KCB, chống lạm dụng, đồng thời giải quyết vướng mắc trong thanh toán chi phí KCB;
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giám định, giám sát chi phí, kịp thời phát hiện và ngăn chặn lạm dụng BHYT. Bên cạnh đó, BHXH còn đề ra một số nhiệm vụ khác của ngành Bảo hiểm, tiêu biểu như cập nhật hoàn thiện dữ liệu hộ gia đình, cấp mã số BHXH cho người tham gia; thực hiện chiến lược hội nhập quốc tế ngành BHXH;
Quyết định 1320/QĐ-BHXH có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23/10/2020.
11. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Công văn 7928/NHNN-TTGSNH về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm. Theo đó, yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) một số nội dung sau:
- Rà soát, tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm trên toàn hệ thống của TCTD.
- Xử lý nghiêm những trường hợp "ép", bắt buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ và các loại bảo hiểm khác khi cấp tín dụng cho khách hàng, gắn việc bắt buộc mua bảo hiểm với việc cấp tín dụng cho khách hàng.
- Quán triệt, tuyên truyền, phổ biến pháp luật kinh doanh bảo hiểm đối với các cán bộ tín dụng và cán bộ tham gia hoạt động đại lý bảo hiểm; Trong đó, cần đặc biệt lưu ý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.
- Nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước tại Công văn 10273/NHNN-TTGSNH ngày 31/12/2019, Công văn 1705/NHNN-TTGSNH ngày 16/3/2020.
12. Nghị định 132/2020/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Theo đó, so với quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định 20/2017/NĐ-CP thì các bên có quan hệ liên kết được bổ sung đối tượng như sau:
- Hai doanh nghiệp được điều hành hoặc chịu sự kiểm soát về nhân sự, tài chính và hoạt động kinh doanh bởi các cá nhân thuộc một trong các mối quan hệ:
+ Cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng;
+ Con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể.
- Doanh nghiệp có phát sinh các giao dịch sau đây với cá nhân điều hành, kiểm soát doanh nghiệp hoặc với cá nhân thuộc trong một các mối quan hệ theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 5 Nghị định 132:
+ Giao dịch nhượng, nhận chuyển nhượng vốn góp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp trong kỳ tính thuế;
+ Giao dịch vay, cho vay ít nhất 10% vốn góp của chủ sở hữu tại thời điểm phát sinh giao dịch trong kỳ tính thuế.
Lưu ý, các bên có quan hệ liên kết là các bên có mối quan hệ thuộc một trong các trường hợp:
- Một bên tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư vào bên kia;
- Các bên trực tiếp hay gián tiếp cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư của một bên khác.
Nghị định 132/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/12/2020 và áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020.
VCCI Thanh Hóa tổng hợp