Sẵn sàng thực thi EVFTA

Đăng lúc: 15:36:21 29/07/2020 (GMT+7)

(TBTCVN) - Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ 1/8/2020. Để rõ hơn về vai trò, nhiệm vụ và công tác sẵn sàng thực thi EVFTA, phóng viên TBTCVN ghi nhận một số ý kiến từ đại diện Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

 * Bà Trần Thị Thu Huyền, Trưởng phòng Hội nhập tài chính đa phương, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính)

Xây dựng biểu thuế nhập khẩu ưu đãi và xuất khẩu ưu đãi đặc biệt

 Bà Huyền
Bà Trần Thị Thu Huyền

Để đảm bảo EVFTA thực thi đúng lộ trình, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính xây dựng dự thảo nghị định ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi và xuất khẩu ưu đãi đặc biệt giai đoạn 2020 - 2022 để thực hiện các cam kết tại hiệp định. Hiện nay, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp và thành viên Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

Sẵn sàng cho EVFTA đi vào thực thi và không ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) đã có đề nghị Cục Công nghệ thông tin và thông kê hải quan, Cục thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) có sự chuẩn bị về công nghệ thông tin cập nhật biểu thuế EVFTA lên hệ thống thông quan tự động (VNACCS).

Biểu thuế và lộ trình cắt giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu của Việt Nam theo cam kết EVFTA được ký trên cơ sở Danh mục Biểu thuế hài hòa ASEAN phiên bản 2012 (gọi tắt là AHTN 2012).  Để thực hiện cam kết, Bộ Tài chính đã tiến hành chuyển đổi biểu thuế xuất khẩu ưu đãi và biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam từ AHTN 2012 sang  AHTN 2017 theo nguyên tắc tuân thủ cam kết, không đẩy nhanh lộ trình cắt giảm thuế của hiệp định.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng sẽ có hướng dẫn, trong trường hợp Nghị định biểu thuế được ký ban hành sau ngày Hiệp định EVFTA có hiệu lực (1/8/2020), Bộ Tài chính cũng dự thảo quy định về xử lý thuế đối với các tờ khai hải quan đăng ký từ ngày hiệp định EVFTA có hiệu lực. Dự kiến nội dung đáng chú ý là đối với các tờ khai hải quan của các mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu đăng ký từ ngày 1/8/2020 đến trước ngày nghị định này có hiệu lực thi hành, nếu đáp ứng đủ các điều kiện để được hưởng thuế suất thuế xuất khẩu ưu đãi, thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam quy định tại nghị định và đã nộp thuế theo mức thuế cao hơn thì được cơ quan hải quan xử lý tiền thuế nộp thừa theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

* Bà Trịnh Thị Thu Hiền, Trưởng phòng xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương)

Chú ý đến chống gian lận xuất xứ

 Bà Trịnh Thị Thu Hiền
Bà Trịnh Thị Thu Hiền

Khi EVFTA được thực thi, vai trò của cơ quan hải quan rất quan trọng khi phải đảm bảo tạo thuận lợi thương mại và kiểm soát xuất xứ hàng hóa, chống gian lận ưu đãi thuế. Hướng dẫn về quy tắc xuất xứ EVFTA đã được quy định tại Thông tư 11/2020/TT-BTC.

Hàng hóa được ưu đãi hưởng thuế khi đáp ứng các quy tắc về xuất xứ. EVFTA có những quy định mới liên quan đến xuất xứ hàng hóa mà cơ quan hải quan cần lưu ý để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp và chống gian lận thương mại. Đó là đối với mặt hàng nông sản và thủy sản, dệt may. 

So với các FTA khác, cam kết EVFTA có phẩn cởi mở hơn trong các quy định về quy tắc xuất xứ. Ví dụ, đối với mặt hàng thủy sản EVFTA, cho phép hàng hóa có xuất xứ sản phẩm đó được sinh ra hoặc lớn lên tại Việt Nam (đơn cử như mặt hàng cá tầm), trong khi đó, các FTA khác quy định phải sinh ra và lớn lên tại Việt Nam. Đối với hàng dệt may, quy định xuất xứ EVFTA chỉ quy định từ vải đến thành phẩm thay vì phải đảm bảo xuất xứ từ sợi đến vải và thành phẩm.

Cơ quan hải quan cần chú ý đến chống gian lận xuất xứ khi các quốc gia không được ưu đãi EVFTA sẽ tìm cách nhập khẩu hàng hóa bán thành phẩm vào Việt Nam hoặc gian lận xuất xứ hàng Việt Nam để xuất khẩu để hưởng ưu đãi.

Trong khi cấp xuất xứ hàng hóa, Bộ Công thương đã phát hiện hàng dệt may có vẻ đáp ứng được quy định FTA nhưng trên thực tế khác. Doanh nghiệp khai báo là thành phẩm may mặc là hàng dệt kim nhưng cơ quan chức năng phát hiện vải nguyên liệu là sản phẩm dệt thoi, do đó đã vi phạm quy định xuất xứ.

* Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam

EVFTA cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu thời Covid-19

 Bà Trang

Bà Nguyễn Thị Thu Trang

EVFTA là hiệp định thương mại thế hệ mới được kỳ vọng về lợi ích của các bên tham gia cơ bản là lợi ích kinh tế chủ yếu là thúc đẩy xuất nhập khẩu. Dịch Covid-19 là đòn giáng rất mạnh đối với hoạt động xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên, trong bối cảnh này, EVFTA có hiệu lực từ 1/8/2020 chính là cơ hội hữu ích để doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thiết yếu mà Việt Nam có thế mạnh như thủy sản, thực phẩm, thiết bị y tế, sản phẩm máy vi tính, thiết bị điện tử.

Để tận dụng cơ hội từ EVFTA, vai trò của cơ quan hải quan là rất quan trọng, trong việc tạo thuận lợi thương mại, thông qua việc giải quyết nhanh chóng thủ tục kiểm tra, kiểm soát xuất xứ hàng hóa để được hưởng ưu đãi thuế quan.

EU rất coi trọng việc tạo thuận lợi thương mại song cũng sẽ kiên quyết áp dụng các biện pháp  ngừng nhập khẩu và cấm nhập khẩu đối với hàng hóa vi phạm. Đây là vấn đề liên quan đến lợi ích quốc gia, nêu cơ quan chức năng nói chung và cơ quan hải quan kiểm soát cửa khẩu cần lưu ý.

Đảm bảo triển khai EVFTA đạt kết quả, VCCI tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan trong việc kiểm tra, kiểm soát chứng nhận xuất xứ hàng hóa vừa đảm bảo tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhẩu hưởng ưu đãi, đồng thời ngăn chặn các hành vi gian lận xuất xứ hàng Việt Nam, gây tổn hại lợi ích quốc gia.

Hải Linh