QUY ĐỊNH VỀ QUY TẮC XUẤT XỨ HÀNG HÓA TRONG EVFTA
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) đã chính thức có hiệu lực từ ngày 01/8/2020. Đây được đánh giá là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới toàn diện và cam kết cao nhất mà Việt Nam đã tham gia ký kết.
Hiệp định gồm 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính là: thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, các vấn đề pháp lý-thể chế.
Ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Như vậy, có thể nói gần như tất cả các dòng sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình trong 7 năm tới. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường có xuất khẩu hàng năm lớn nhất của Việt Nam hiện nay.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp chỉ có thể khai thác, tận dụng những ưu đãi, lợi thế do EVFTA mang lại với điều kiện hàng hóa, sản phẩm của doanh nghiệp phải đáp ứng được các tiêu chí xuất xứ đã quy định. Các tiêu chí xuất xứ được quy định tại EVFTA là tương đối cao so với các quy định trước đây. Nhưng đây cũng là sức ép cần thiết để các doanh nghiệp Việt Nam cải thiện chất lượng dịch vụ, sản phẩm, tái cơ cấu, tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Để cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp, Chi nhánh VCCI Thanh Hóa giới thiệu Thông tư số 11/2020/TT-BCT ngày 15/6/2020 của Bộ Công Thương quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong EVFTA để các doanh nghiệp chủ động nghiên cứu và thực hiện: