Đề xuất sửa đổi Luật thuế thu nhập doanh nghiệp
Hiện tại, Bộ Tài chính đang xây dựng Dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) (sau đây gọi tắt là Dự thảo) và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động. Để bảo đảm tính hợp lý, khả thi của văn bản, bảo đảm quyền và lợi ích của doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) rất mong Quý Doanh nghiệp/Hiệp hội đóng góp ý kiến đối với Dự thảo.
Bộ Tài chính cho biết, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) hiện hành được Quốc hội khóa XII tại kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 3/6/2008, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2009 (thay thế cho Luật thuế TNDN năm 2003) và đã được sửa đổi, bổ sung 03 lần tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN số 32/2013/QH13 ngày 19/6/2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014; Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế, trong đó có Luật thuế TNDN và áp dụng từ ngày 01/01/2015 và Luật Đầu tư số 61/2020/QH14, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 (dưới đây gọi chung là Luật thuế TNDN). Qua hơn 15 năm thực hiện, Luật thuế TNDN đã đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến nhiều mặt kinh tế - xã hội (KT-XH) của đất nước và đạt được các kết quả quan trọng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình phát triển KT-XH và hội nhập kinh tế quốc tế, do sự biến động nhanh của kinh tế - chính trị thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng, qua triển khai thực hiện chính sách thuế TNDN cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.
Thứ nhất, tính ổn định của chính sách thuế TNDN còn chưa cao. Trong giai đoạn vừa qua, một số nội dung chính sách thuế TNDN đã được sửa đổi kịp thời để xử lý các tồn tại, bất cập, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Tuy nhiên, việc sửa đổi này trên một số mặt đã ảnh hưởng đến tính ổn định của chính sách, gây khó khăn cho người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế. Một số nội dung chính sách khi ban hành chưa lường hết được các tác động, ảnh hưởng trên thực tiễn cũng như điều kiện tổ chức thực hiện, sự đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nên trong quá trình thực hiện còn vướng mắc.
Thứ hai, một số quy định của Luật thuế TNDN hiện hành qua một thời gian thực hiện cũng đã bộc lộ một số điểm bất cập, không còn phù hợp với bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế hiện nay như các vấn đề liên quan đến thu nhập miễn thuế, thu nhập chịu thuế, các nguyên tắc liên quan đến việc xác định các khoản chi phí được trừ và không được trừ; chưa có chính sách ưu đãi thuế (thuế suất, phương pháp tính thuế) nhằm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ theo định hướng của Đảng và Nhà nước.
Thứ ba, tác động của ưu đãi thuế đối với việc phân bổ nguồn lực và thu hút đầu tư có chọn lọc vào các lĩnh vực, địa bàn mà Nhà nước khuyến khích gắn với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn hạn chế; lĩnh vực, địa bàn được hưởng ưu đãi thuế trong thời gian qua có xu hướng ngày càng dàn trải trong khi một số lĩnh vực cần ưu tiên khuyến khích lại chưa có chính sách ưu đãi (như ưu đãi thuế cho doanh nghiệp có quy mô nhỏ, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp khoa học và công nghệ,...); chính sách ưu đãi thuế TNDN còn được quy định tại các văn bản chuyên ngành, ảnh hưởng đến tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống chính sách thuế.
Thứ tư, pháp luật về thuế TNDN đang bộc lộ một số "khoảng trống" trong việc điều chỉnh các vấn đề thuế mới phát sinh đang đặt ra trong quá trình tăng cường hợp tác quốc tế về thuế, xử lý các vấn đề thuế quốc tế như việc tham gia Diễn đàn Chống xói mòn nguồn thu và chuyển lợi nhuận (BEPS) hay Sáng kiến thuế tối thiểu toàn cầu gần đây. Hiện nay, Việt Nam đã trở thành thành viên của Diễn đàn BEPS và đã cam kết thực hiện tối thiểu 4 hành động trong khuôn khổ Diễn đàn này. Theo đó, một số nội dung của chính sách thuế trong đó có chính sách thuế TNDN cũng cần phải được rà soát để có những sự điều chỉnh cho phù hợp với xu hướng thuế quốc tế, đặc biệt là xử lý hiệu quả các hành vi trốn thuế, tránh thuế của các tập đoàn đa quốc gia.
Do đó, cần thiết phải ban hành Luật thuế TNDN (sửa đổi) nhằm: Hoàn thiện các quy định về chính sách thuế TNDN để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về cải cách hệ thống chính sách thuế nói chung, chính sách thuế TNDN nói riêng; đảm bảo tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật về thuế TNDN với quy định của pháp luật có liên quan; thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; khuyến khích, thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực và địa bàn ưu tiên.
Dự thảo Luật bổ sung 6 Điều
Bám sát các mục tiêu, quan điểm về xây dựng dự án Luật nêu trên, Ban soạn thảo đã thực hiện rà soát toàn bộ các quy định của Luật thuế TNDN hiện hành, các các văn bản dưới Luật có liên quan (Nghị định, Thông tư) để xây dựng dự thảo Luật thuế TNDN (sửa đổi). Theo đó, dự thảo Luật:
- Sửa đổi, bổ sung các nội dung quy định tại 19 Điều của Luật thuế TNDN hiện hành.
- Bỏ 01 Điều của Luật thuế TNDN hiện hành quy định về nơi nộp thuế (Điều 12).
- Bổ sung 06 Điều quy định về nguyên tắc, đối tượng áp dụng ưu đãi thuế TNDN (Điều 12); về thu thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (từ Điều 19 đến Điều 23).
Đối với những nội dung sửa đổi, bổ sung, dự thảo Luật đã bám sát theo 07 nhóm chính sách tại Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật thuế TNDN đã được Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Quốc hội đồng ý thông qua, bao gồm: (1) Hoàn thiện quy định liên quan đến người nộp thuế và thu nhập chịu thuế TNDN; (2) Hoàn thiện quy định về các khoản thu nhập được miễn thuế TNDN; (3) Hoàn thiện quy định liên quan đến việc xác định thu nhập tính thuế TNDN và phương pháp tính thuế; (4) Hoàn thiện quy định về việc xác định các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN; (5) Điều chỉnh thuế suất thuế TNDN đối với một số nhóm đối tượng cho phù hợp với các yêu cầu và bối cảnh mới; (6) Hoàn thiện các quy định về ưu đãi thuế TNDN và (7) Áp dụng thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.
Đồng thời, để thực hiện các mục tiêu đề ra nêu trên, dự thảo Luật đã luật hóa một số nội dung đang thực hiện ổn định tại các văn bản dưới Luật (Nghị định, Thông tư) liên quan đến các chính sách này để đảm bảo tính minh bạch, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế và cơ quan thuế trong việc tuân thủ pháp luật về thuế TNDN, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.