Phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh mới

Đăng lúc: 13:48:54 16/09/2022 (GMT+7)

NDO - Chiều ngày 15/9, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 9-NQ/TW đã có buổi làm việc với đại diện đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân về tình hình thực hiện Nghị quyết số 9-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI). Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo; đồng chí Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI chủ trì buổi làm việc.

Chiều 15/9, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 09-NQ/TW đã có buổi làm việc với đại diện đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân về tình hình thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) của Bộ Chính trị (khóa XI) về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo; đồng chí Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI chủ trì buổi làm việc.

Tham dự có các đồng chí trong Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập tổng kết Nghị quyết; đại diện Lãnh đạo các ban, bộ, ngành và đại diện cộng đồng các doanh nghiệp, doanh nhân.

Xây dựng đội ngũ doanh nhân (Nguồn: vtvgo.vn) 

Phát biểu khai mạc, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết khẳng định, doanh nghiệp, doanh nhân đã và đang là lực lượng chủ yếu phát huy các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Khu vực doanh nghiệp đóng góp trên 60% GDP, khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc. Bên cạnh đó, doanh nhân còn tham gia ngày càng hiệu quả vào đời sống chính trị của đất nước; tham gia ngày càng tích cực vào quá trình xây dựng, giám sát, phản biện chính sách.

Đồng chí Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, năm 2011, Bộ Chính trị khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/12/2011 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị có một nghị quyết riêng về đội ngũ doanh nhân.

Đồng chí Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI báo cáo về tình hình doanh nghiệp, doanh nhân hiện nay.  

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW, Ban Kinh tế Trung ương được giao phụ trách Đề án tổng kết 10 năm việc thực hiện Nghị quyết; Đảng đoàn VCCI là cơ quan chủ trì. Để có thêm thông tin, cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng Báo cáo tổng kết, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương tổ chức buổi làm việc với đại diện cộng đồng doanh nhân, đội ngũ doanh nghiệp. Thông qua đó, Ban Chỉ đạo mong muốn sẽ nắm bắt được một cách thực chất, thấu đáo hơn kết quả thực hiện Nghị quyết 09 đối với việc phát triển đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong giai đoạn vừa qua cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để tiếp tục có những định hướng điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Báo cáo tóm tắt tình hình xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh Việt Nam giai đoạn 2011-2021 tại Hội nghị, đồng chí Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho biết, Nghị quyết 09 đã tạo ra sự nhất quán và xuyên suốt về mặt chủ trương, chính sách, hệ sinh thái cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động ngày càng thuận lợi hơn, trong đó đáng kể là nhận thức của xã hội về vai trò của doanh nghiệp và môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, đã góp phần quan trọng vào sự phát triển, lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp như hiện nay.

Hình ảnh tại buổi làm việc. 

Với sự quan tâm đặc biệt từ Đảng và Nhà nước, đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh và có những đóng góp to lớn vào sự thành công của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên nhiều phương diện.

Đại hội XIII đặt ra những mục tiêu và khát vọng phát triển của đất nước đến năm 2025 trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Văn kiện Đại hội XIII cũng khẳng định: “Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi”. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã đề ra nhiệm vụ phải phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân của người Việt Nam cả về số lượng, chất lượng; khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế; phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60 - 65%.

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng đặt ra yêu cầu nhận thức sâu sắc hơn về nhiệm vụ xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ dựa trên nền tảng củng cố nội lực và tận dụng được những cơ hội từ hội nhập quốc tế, doanh nghiệp, doanh nhân chính là những người đại diện cho sức sản xuất mới trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cùng với đó là những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao về nâng cao năng lực, phẩm chất, chất lượng nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý, quản trị doanh nghiệp; về xây dựng văn hóa doanh nghiệp, xây dựng đội ngũ doanh nhân đủ tài, đủ tâm và đủ tầm đáp ứng được những thay đổi và thách thức ngày càng lớn của môi trường kinh doanh trong nước và quốc tế.

Tại buổi làm việc, đoàn công tác đã được nghe các đại biểu, đặc biệt là các doanh nhân, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp tập trung làm rõ một số nội dung như: Các quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 09-NQ/TW; việc thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết; kết quả thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ của nghị quyết; vai trò của đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp trong việc thúc đẩy quá trình CNH-HĐH và hội nhập kinh tế ở Việt Nam; đâu là những cơ hội và thách thức cho việc xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045; đề xuất các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trên cơ sở những ý kiến thảo luận và kiến nghị, Tổ Biên tập tổng kết Nghị quyết 09 sẽ tiếp tục nghiên cứu, chắt lọc và tiếp thu các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện Báo cáo tổng kết, nhất là phần đề xuất về các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển doanh nghiệp, phát huy vai trò của đội ngũ doanh trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giai đoạn tiếp theo, giải quyết tốt những vấn đề còn tồn tại trong triển khai, thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW.

 

Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh: Doanh nhân Việt Nam luôn luôn là đại sứ chính thống của đất nước về sản phẩm ra nước ngoài, nhưng hiện tại thì việc đó rất hạn chế, ngoài Viettel là đại diện của nhà nước và Vinfast thuộc tập đoàn rất lớn thì các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam của doanh nhân đại diện ra nước ngoài còn nhiều hạn chế. Đa số doanh nhân hiện nay vẫn thích làm cái gì dễ và thích làm cái gì đấy trong phạm vi đất nước mình thì nó đơn giản, nó thân, nó quen, dễ xử lý và cộng đồng doanh nhân chọn xuất khẩu luôn luôn ít hơn cộng đồng doanh nhân chọn nội địa, do đó, tôi nghĩ là nên cần có truyền thông hỗ trợ để doanh nhân coi thị trường nước ngoài như thị trường trong nước; làm sao người Việt ở trong nước được dùng những sản phẩm bằng hoặc cao hơn ở nước ngoài. Một tư duy rất hạn chế là sản phẩm xuất khẩu thì tốt nhưng sản phẩm trong nước thì luôn luôn không tốt bằng sản phẩm xuất khẩu vì sự dễ dãi giữa nhà sản xuất và phần đông người tiêu dung.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam: Nếu chúng ta chỉ tăng trưởng về quy mô mà không tìm ra giải pháp để tăng năng suất lao động ngang tầm với các công ty trên toàn cầu thì sớm muộn chúng ta cũng ra khỏi chuỗi toàn cầu. Thí dụ như trong ngành thời trang của chúng tôi, một người lao động đi làm trung bình một năm phải tạo ra năng suất lao động tổng hợp trung bình 20-25.000 $ thì mới đảm bảo đời sống, đảm bảo được năng lực cạnh tranh, đảm bảo được dòng tiền quay đầu để tái cấu trúc, còn nếu năng suất lao động không đảm bảo được cái đó thì tôi xin nhắc lại, sớm muộn chúng ta cũng ra khỏi chuỗi toàn cầu....        

 

 
Nhóm PV 
Quảng bá sản phẩm