Kết nối doanh nghiệp khu vực miền núi phía Tây Thanh Hóa

Đăng lúc: 09:02:59 05/12/2024 (GMT+7)

Với vai trò kết nối VCCI Thanh Hóa – Ninh Bình đã triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, quảng bá xúc tiến đầu tư, du lịch khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa.

Chiều ngày 22/11, thực hiện chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch tỉnh Thanh Hóa năm 2024, VCCI Thanh Hóa – Ninh Bình phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp huyện Ngọc Lặc tổ chức “Chương trình giao lưu, kết nối với các doanh nghiệp khu vực miền núi phía Tây Thanh Hóa”.

Chương trình có sự góp mặt của lãnh đạo 11 huyện miền núi cùng hàng 100 doanh nghiệp các huyện miền núi, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa về đây giao lưu kết nối thương mại.

img_7270.jpg
TS. Đỗ Đình Hiệu, Giám đốc VCCI Thanh Hóa - Ninh Bình

TS. Đỗ Đình Hiệu, Giám đốc VCCI Chi nhánh Thanh Hóa – Ninh Bình phát biểu khai mạc Hội nghị, nhận thức được vai trò quan trọng của các huyện miền núi nói chung, doanh nghiệp các huyện miền núi nói riêng trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Thanh Hóa.

Trong thời gian vừa qua, VCCI Thanh Hóa – Ninh Bình đã tăng cường công tác kết nối với các Hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp trên địa bàn với doanh nghiệp trong tỉnh và ngoài tỉnh.

Tháng 10/2023, VCCI Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị kết nối các doanh nghiệp miền núi phía tây tại huyện Lang chánh. Năm nay, VCCI Thanh Hóa – Ninh Bình tổ chức chương trình kết nối các doanh nghiệp khu vực miền núi tại huyện Ngọc Lặc, với mong muốn, thông qua chương trình này, các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội gặp gỡ giao thương, liên kết, hợp tác kinh doanh, đầu tư, quảng bá thương hiệu, sản phẩm của mình.

Đây cũng là dịp để lãnh đạo các huyện nắm bắt được đầy đủ hơn tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp, từ đó có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội của vùng.

img_7272.jpg
Chương trình giao lưu, kết nối với doanh nghiệp khu vực miền núi phía Tây Thanh Hóa

Những năm trở lại đây tại khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa công tác phát triển doanh nghiệp được coi trọng. Từ 01/01/2024 đến ngày 18/11/2024, vùng miền núi Thanh Hóa có 328 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 2.964,79 tỷ đồng. Với tổng số doanh nghiệp, Hợp tác xã, hộ kinh doanh đang hoạt động đóng góp có doanh thu theo số liệu của ngành thuế là 2.284 doanh nghiệp (tính đến tháng 9/2024), các doanh nghiệp đã và đang nỗ lực khai thác tiềm năng, lợi thế, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung của vùng.

Ông Bùi Huy Toàn, Chủ tịch huyện Ngọc Lặc cho biết, bên cạnh những điểm sáng trong phát triển kinh tế trong những năm qua, công tác thu hút đầu tư, phát triển Doanh nghiệp tại các huyện miền núi vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn. Doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, nội lực doanh nghiệp còn hạn chế, khả năng cạnh tranh sản phẩm của doanh nghiệp chưa cao, thiếu các doanh nghiệp đầu tàu, dẫn dắt để hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất kinh doanh. Thị trường tiêu thụ không ổn định, sức cạnh tranh thấp. Các hình thức tổ chức và liên kết sản xuất hiệu quả chưa cao, thiếu tính ổn định. Công nghiệp, du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của vùng.

Ông Vũ Đức Nhiệm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho biết, hoạt động của Hiệp hội doanh nghiệp các huyện đã có nhiều chuyển biến, song số lượng hội viên tham gia hiệp hội chưa nhiều, hiệu quả chưa cao, nhất là các hoạt động tìm kiếm, chia sẻ thông tin, kết nối thị trường cho doanh nghiệp. Mật độ doanh nghiệp đang hoạt động thấp, đặc biệt là các huyện Mường Lát, Lang chánh, Quan sơn, Quan hóa tỷ lệ doanh nghiệp thấp. Trên địa bàn có 03 huyện chưa thành lập Hiệp hội doanh nghiệp, gồm: Mường Lát, Quan Sơn và Quan hóa.

Ông Nguyễn Trọng Ngọc, Chủ tịch Hiệp hội huyện Như Thanh cho biết, các doanh nghiệp khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, việc tăng cường kết nối, hợp tác, liên kết sản xuất kinh doanh giữa các doanh nghiệp được xem là giải pháp quan trọng để thúc đẩy giao thương, mở rộng và phát triển thị trường, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh bền vững.

Với vai trò của mình, VCCI chi nhánh Thanh Hóa - Ninh Bình cũng đã thường xuyên phối hợp với hội doanh nghiệp các huyện miền núi của tỉnh tổ chức các hoạt động gặp gỡ giao thương, khảo sát môi trường đầu tư kinh doanh, kết nối doanh nghiệp hội viên với chính quyền địa phương. Thông qua đó, không chỉ kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp mà còn còn tạo ra sự tương tác, hỗ trợ giúp đỡ nhau, tìm kiếm cơ hội hợp tác, liên kết sản xuất, kinh doanh, khai thác và phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của địa phương để phát triển.

z6059693880976_8ffdaf6de9f946ba14e3fd9097505f86.jpg
Ông Đỗ Đình Hiệu, Giám đốc VCCI Thanh Hóa - Ninh Bình trao 10 phần quà cho học sinh nghèo vượt khó trên địa bàn huyện miền núi Ngọc Lặc
Tại Chương trình giao lưu kết nối, VCCI Thanh Hóa – Ninh Bình đã trao tặng 10 suất quà gửi đến các em học sinh nghèo vượt khó trên địa bàn huyện Ngọc Lặc. 
Quảng bá sản phẩm