Thực hiện các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19

Đăng lúc: 15:27:01 14/08/2020 (GMT+7)

(TBTCVN) - Chính phủ Việt Nam từ trung ương đến địa phương đã làm rất tốt công tác kiểm soát cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra trong 6 tháng đầu năm.

* Ông Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới:
Kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 6,7% vào năm 2021

 ja

Trước tiên, tôi xin chúc mừng Chính phủ Việt Nam đã kiểm soát thành công đại dịch Covid-19, với số ca mắc và tử vong thấp. Về mặt kinh tế, Việt Nam cũng chứng tỏ khả năng phục hồi tốt, thể hiện qua tốc độ tăng trưởng khả quan trong nửa đầu năm 2020, trong khi hầu hết các nước trên thế giới đang suy thoái. Chúng tôi cũng lạc quan về tương lai khi dự báo rằng, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 2,8% vào năm 2020 và phục hồi khoảng 6,7% vào năm 2021. Tất nhiên, những dự báo này còn phụ thuộc nhiều yếu tố bất định trong nước và quốc tế, đặc biệt là thời gian và mức độ dịch bệnh. Nếu Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng GDP 2,8% vào năm 2020, thì tốc độ này sẽ đứng thứ năm trên thế giới theo dự báo toàn cầu do WB đưa ra vào tháng 6/2020. Điều này sẽ minh chứng cho tuyên bố trước đây của chúng tôi rằng, Việt Nam là ngôi sao sáng trên bầu trời Covid-19 tăm tối.

Mặc dù vậy, cũng phải nói rằng kinh tế Việt Nam đã bị tổn thương trong những tháng gần đây. GDP có tăng nhưng chỉ ở mức 0,4% trong quý II/2020 – mức tăng thấp nhất trong 35 năm qua. Từ góc độ việc làm và thu nhập thì ảnh hưởng tiêu cực còn lớn hơn. Hơn 30 triệu lao động Việt Nam - xấp xỉ một nửa lực lượng lao động,  bị ảnh hưởng trong đợt cao điểm giãn cách xã hội trong tháng 4...

Nhìn về tương lai, tác động tài khóa theo hướng tiêu cực của khủng hoảng Covid-19 sẽ tăng lên trong những tháng tới do hai xu hướng kết hợp. Thứ nhất, về thu ngân sách, số thu từ thuế sẽ suy giảm do hoạt động kinh tế suy giảm và việc thực hiện các biện pháp giãn thuế dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài đến cuối năm. Hơn nữa, trong nỗ lực giảm bớt gánh nặng tài chính cho khu vực tư nhân, Chính phủ đã tiếp tục giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, qua đó có thể khiến ngân sách mất thêm 1 tỷ USD trong nửa còn lại của năm 2020. Thứ hai, về mặt chi tiêu, tổng chi ước tính đã tăng khoảng 9,5% trong khoảng thời gian nửa đầu năm 2020 so với 2019. Mức tăng này là do chi tiêu liên quan đến Covid-19 kết hợp với nỗ lực lớn nhằm đẩy nhanh giải ngân chương trình đầu tư công. Nỗ lực đó đến nay dẫn đến kết quả là giải ngân đầu tư tăng 19% trong 6 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019 và dự kiến sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong những tháng tới. Nỗ lực chi tiêu nhiều hơn và nhanh hơn này của Chính phủ theo chúng tôi là hợp lý vì nó sẽ giúp kích thích tổng cầu trong nước khi các động lực tăng trưởng truyền thống - khó có thể hoạt động hết công suất trong tương lai do những bất ổn trong bối cảnh trong nước và quốc tế.  

Chính phủ cần sớm thực hiện các biện pháp phòng ngừa để chuẩn bị cho khả năng suy thoái cán cân tài khóa trong những tháng tới.

* Ông Nicolas Audier, Chủ tịch EuroCham:
Sức chống chịu tốt của nền kinh tế Việt Nam củng cố tâm lý của nhà đầu tư EU 

 ni

Việt Nam là một trong những câu chuyện thành công điển hình trong năm 2020, được cả thế giới công nhận về khả năng chủ động và hiệu quả đối phó với đại dịch Covid-19. Thông qua sự kết hợp của các biện pháp y tế và mục tiêu kích thích kinh tế, Việt Nam đã không chỉ ngăn chặn sự lây lan của virus mà còn giảm thiểu tác động của dịch bệnh đối với kinh tế.

Vài tháng trước, khi đại dịch Covid-19 lần đầu tiên xảy ra, biện pháp cách xã hội và hạn chế đi lại đã khiến các hoạt động kinh doanh bình thường bị đình trệ. Điều này khiến Chỉ số môi trường kinh doanh EuroCham (BCI) quý I/2020 giảm xuống mức thấp nhất từ trước đến nay còn 27 điểm %. Tuy nhiên, sau khi Chính phủ thực hiện các biện pháp hỗ trợ kinh tế và bảo vệ sức khỏe cộng đồng hàng đầu thế giới, Việt Nam đã có thể trở lại hoạt động kinh doanh bình thường sớm hơn nhiều so với các nước khác. Trong những tháng sau đó, niềm tin của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp (DN) châu Âu bắt đầu quay trở lại. 

Từ tháng 2 đến tháng 4/2020, BCI đã ghi nhận mức tăng 7 điểm % để đạt 34 điểm %. Trong đó, hơn 50% các giám đốc điều hành dự đoán rằng, tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam sẽ “ổn định và cải thiện” trong quý tới. Đó là một sự gia tăng đáng kể so với quý I (chỉ có 10% dự đoán điều này). Cuộc khảo sát của EuroCham cũng cho thấy, hơn 1/4 DN châu Âu đã được hưởng lợi từ việc hoãn thuế, trong khi khoảng 1/5 được hưởng lợi từ việc giảm tiền thuê đất và tạm ngừng đóng bảo hiểm xã hội. Hơn 50% DN cho rằng, việc giảm các loại thuế như thu nhập DN, thu nhập cá nhân và giá trị gia tăng sẽ giúp họ hồi phục mạnh mẽ hơn từ cuộc khủng hoảng.

Tất nhiên, hiện tại là thời điểm không chắc chắn và chúng ta sẽ phải sống chung với tác động toàn cầu của Covid-19 trong tương lai gần. Nhưng Việt Nam đã chứng tỏ mình là một thị trường mạnh mẽ, có khả năng phục hồi và là một thị trường vẫn hấp dẫn và rộng mở cho việc kinh doanh trong khi các nước khác còn phải tiếp tục đấu tranh để đối phó với virus. Việt Nam cũng có một lợi thế quan trọng so với các nước khác trong khu vực - đó là việc thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8. Trong một thế giới mà các hoạt động kinh doanh bình thường đầy biến động và tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang bị đe dọa, EVFTA sẽ giúp khởi động thương mại và đầu tư giữa hai bên. Điều này sẽ tạo ra động lực lớn hơn nữa cho nhà đầu tư châu Âu đầu tư vào và giao thương với Việt Nam và cho các công ty Việt Nam xuất khẩu nhiều hàng hóa hơn sang EU.

* Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện JETRO Hà Nội:
Kiểm soát tốt dịch bệnh giúp doanh nghiệp Nhật có thêm động lực đầu tư vào Việt Nam

 ta

Chính phủ Việt Nam từ trung ương đến địa phương đã làm rất tốt công tác kiểm soát cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, trong bối cảnh làn sóng thứ 2 dịch bệnh bùng phát, mọi thứ cũng trở nên khó khăn hơn bởi mục tiêu đặt ra là vừa phải ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, vừa phục hồi kinh tế. 

Quãng thời gian qua là thời kỳ rất khó khăn đối với tất cả các DN để vượt qua được những tác động chưa từng có do dịch bệnh gây ra. Đối với DN Nhật Bản, vốn đầu tư trực tiếp từ Nhật đã giảm khoảng 60% về giá trị và khoảng 30% số các dự án so với cùng kỳ năm ngoái. Khảo sát của JETRO trong tháng 6 với hơn 600 DN Nhật tại Việt Nam cho thấy 65% DN có phản hồi cho rằng, doanh thu năm 2020 sẽ giảm so với năm 2019 mặc dù các hoạt động sản xuất tại Việt Nam cũng đang được tái khởi động lại, nhưng các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đã bị tác động rất nặng nề của dịch bệnh.
 

Việt Nam là một trong những điểm đến quan trọng và phổ biến nhất đối với các DN Nhật trước khi dịch bệnh Covid xảy ra. Khảo sát của JETRO trước khi dịch Covid-19 xảy ra cho thấy khoảng 64% các DN Nhật Bản lên kế hoạch tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất tại Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 nên các DN Nhật cũng có thêm nhiều động lực để đầu tư hơn vào Việt Nam. Trong tổng số 30 DN Nhật Bản được lựa chọn hỗ trợ mở rộng sản xuất và đa dạng hóa chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang ASEAN của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) mới đây, có tới 15 DN lựa chọn đăng ký mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, các công ty Nhật Bản vẫn gặp trở ngại tại Việt Nam. Theo khảo sát của JETRO, hơn 60% số DN được hỏi cho biết, chi phí nhân sự tăng là một rủi ro nghiêm trọng đối với họ, 43% cho rằng các quy định và việc thực thi pháp luật không rõ ràng và 39% cho rằng tỷ lệ nhân viên nghỉ việc cao là những rủi ro lớn cho DN Nhật. Đó là điều cần khắc phục.