ASEAN BAC 2023: Vị thế Đông Nam Á - Dấu ấn Việt Nam
Việt Nam ngày càng phát huy vai trò và tiếng nói trên các diễn đàn quốc tế, qua đó góp phần nâng cao uy tín chung của khối ASEAN trong mắt bạn bè quốc tế.
Trên tinh thần chủ đề "ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng", lãnh đạo các nước ASEAN và các đối tác đã thống nhất các định hướng củng cố và nâng tầm hợp tác, chuẩn bị cho những bước phát triển mạnh mẽ hơn và bứt phá trong tương lai.
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 đã kết thúc tốt đẹp tuần lễ sự kiện Hội đồng Kinh doanh ASEAN (ASEAN-BAC) 2023 với nhiều điểm nhấn. Nổi bật nhất là sự ghi nhận về vị thế ngày càng lớn mạnh của khối 10 quốc gia Đông Nam Á trong bức tranh u ám của thế giới; Căng thẳng địa chính trị dai dẳng, kinh tế toàn cầu có nguy cơ suy thoái, cạnh tranh giữa các nước lớn trở nên phức tạp, nhưng ASEAN vẫn duy trì là một điểm sáng về tăng trưởng.
ASEAN thể hiện vai trò tâm điểm của tăng trưởng
Không chỉ có quy mô kinh tế 5.000 tỷ USD và dân số hơn 700 triệu người, ASEAN đã chứng tỏ mình là một khu vực hòa bình, ổn định và ngày càng thịnh vượng. Tăng trưởng kinh tế ASEAN năm 2024 dự kiến sẽ cao nhất thế giới, đạt 4,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tiềm năng và cơ hội rộng mở khiến ASEAN trở thành thỏi nam châm đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Năm 2010, FDI rót vào Đông Nam Á đạt xấp xỉ 23 tỷ USD. Con số này đã tăng vọt lên 47 tỷ USD vào năm 2021.
Sự hiện diện của gần 20 đối tác quốc tế tại các Hội nghị lần này, cùng hơn 2.000 đại diện lãnh đạo chính phủ, doanh nghiệp trong khối và quốc tế trong tuần sự kiện, đã phản ánh cam kết và sự coi trọng của quốc tế dành cho ASEAN.
Điểm nhấn thứ hai đến từ những cam kết thúc đẩy tăng trưởng của khối, thể hiện qua chủ đề "ASEAN Tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng” mà chủ nhà Indonesia đưa ra trong Hội nghị Cấp cao.
Tại đây, lãnh đạo các nước ASEAN và đối tác đã thảo luận về chiến lược trong tương lai nhằm củng cố và hiện thực hóa các nỗ lực giúp ASEAN là tâm điểm của tăng trưởng. Gần 20 hoạt động và khoảng 90 văn kiện được thông qua và ghi nhận là minh chứng sống động nhất cho cam kết vững chắc đó của khối.
Nổi bật trong đó là những hợp tác, sáng kiến về nền kinh tế tương lai, như Hiệp định khung Kinh tế số ASEAN, Chiến lược Trung hòa carbon, phát triển hệ sinh thái xe điện, Khung kinh tế biển xanh….
Những chương trình tham vọng này đòi hỏi cam kết mạnh mẽ của các thành viên ASEAN trong đẩy mạnh hợp tác cả trong và ngoài khối, chuyển đổi trong nhận thức, cách tiếp cận và hành động để nắm bắt các xu thế lớn của thời đại và vượt qua những thách thức toàn cầu.
Không chỉ dừng lại ở các chiến lược, các nhà lãnh đạo đã tập trung ngay vào thảo luận về giai đoạn phát triển tiếp theo của khối tại ASEAN BIS 2023. Hội nghị Cấp cao đã xem xét, ghi nhận Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 và xác lập khuôn khổ chiến lược của ASEAN trong 20 năm tới.
Với các định hướng trải rộng trên trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội, Tầm nhìn 2045 mở ra những hy vọng cho sự chuyển mình của ASEAN, hướng đến một ASEAN "tự cường, sáng tạo, năng động và lấy người dân làm trung tâm".
Dấu ấn Việt Nam
Đoàn nước ta do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đã có nhiều đóng góp quan trọng vào thành công của Hội nghị, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Thủ tướng đã có các bài phát biểu quan trọng tại tất cả các Hội nghị, mang tới ASEAN và các đối tác nhiều thông điệp, định hướng và sáng kiến thiết thực nhằm củng cố tiến trình xây dựng Cộng đồng và tăng cường quan hệ với các đối tác.
Đóng góp vào việc củng cố vị thế là tâm điểm tăng trưởng của ASEAN, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phải nâng cao tự cường của ASEAN thông qua đẩy mạnh liên kết kinh tế, mở rộng thị trường nội khối, khơi thông các dòng chảy thương mại và đầu tư.
Theo Thủ tướng, các nước ASEAN cần tháo gỡ các điểm nghẽn và rào cản về chính sách và thể chế, duy trì ổn định chuỗi cung ứng nội khối, nhằm nâng cao sức chống chịu của khu vực trước các tác động, thách thức từ bên ngoài. Cùng với đó, củng cố vai trò của ASEAN là tâm điểm của mạng lưới các hiệp định thương mại tự do thông qua việc rà soát, nâng cấp và đàm phán mới FTA giữa ASEAN với các đối tác, nhằm tạo những xung lực phát triển mới cho nền kinh tế khu vực.
Ngay từ khi gia nhập ASEAN vào năm 1995, Việt Nam đã luôn thể hiện vai trò tích cực và có trách nhiệm của mình nhằm mở rộng, tăng cường tính liên kết trong ASEAN và thúc đẩy khả năng của khối trên mọi lĩnh vực.
Không chỉ duy trì là điểm sáng về tăng trưởng, Việt Nam cũng ngày càng phát huy vai trò và tiếng nói trên các diễn đàn quốc tế, qua đó đã góp phần nâng cao uy tín chung của khối ASEAN trong mắt bạn bè quốc tế. Đường lối đó vẫn tiếp tục cho tới nay, hứa hẹn sẽ mở ra những cơ hội hợp tác mới cho Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch ASEAN BAC Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cũng đã nói lên cam kết đóng góp của Việt Nam trong tiến trình chung của khối thông qua phát biểu của mình.
“Tuần lễ Đầu tư và Kinh doanh ASEAN (ABIS) là sự kiện đặc biệt quan trọng của cộng đồng kinh doanh khu vực và thế giới. Bài phát biểu của Thủ tướng tại ABIS 2023 đã thể hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư nội khối vì thịnh vượng chung, để cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân kinh doanh tốt hơn - thế giới tốt hơn. Các thành viên đều mong muốn chứng kiến một ASEAN hùng cường, thịnh vượng, là hình mẫu của sự đoàn kết hợp tác, là tâm điểm của tăng trưởng bao trùm, tự cường, tiến bộ và phát triển bền vững mà ở đó, cộng đồng doanh nghiệp giữ vai trò hạt nhân, nòng cốt”, ông Nguyễn Quang Vinh phát biểu tại ABIS 2023.
Theo TRƯỜNG ĐẶNG (Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp)