Thủ tướng với sứ mệnh trọng đại của doanh nghiệp, doanh nhân

Đăng lúc: 15:59:43 04/01/2022 (GMT+7)

Tùy tình hình, thời điểm mà cách tiếp cận của Thủ tướng Phạm Minh Chính với doanh nghiệp, doanh nhân mỗi lúc một khác. Nhưng điều cốt lõi nhất không bao giờ thay đổi.

Tại Đại hội toàn quốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lần thứ VII, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu ruột gan. Hay nói gần gũi hơn là lời tâm sự với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân thông qua “cửa ngõ” VCCI, bây giờ chính thức đổi tên thành Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Như tất cả các cuộc gặp với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, lần nào cũng thế, bất cứ trong hoàn cảnh nào Thủ tướng Phạm Minh Chính luôn dành cho đội ngũ này sự quan tâm đặc biệt, động viên đúng lúc và truyền động lực đúng thời điểm.

Tháng 8 năm nay, trong hội nghị trực tuyến với doanh nghiệp toàn quốc, ông dành một quãng thời gian rất dài để lắng nghe. Có thể nói phương pháp tiếp cận với doanh nghiệp, doanh nhân bằng khả năng “lắng nghe” là cần thiết sau khoảng thời gian dài chống dịch khắt khe, chỗ này, chỗ kia xuất hiện vụ này, việc nọ.

Và phần lớn thời gian của Hội nghị này, sau đó được tóm lược ngắn gọn “Thủ tướng lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19”.

Sức ép từ dịch bệnh để lại rất nhiều mâu thuẫn trong hầu hết lĩnh vực. Dĩ nhiên tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là giải quyết mâu thuẫn cơ bản, chủ yếu trong xã hội; giải pháp về vốn, lưu thông, chuỗi cung ứng, vaccine là nói đến các nguyên nhân chủ yếu, bao trùm.

Gợi ý tháo nút thắt, Thủ tướng Phạm Minh Chính rút ra thông điệp súc tích, rằng: “Đây là thời điểm “lửa thử vàng - gian nan thử sức”, “chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo” để vượt qua khó khăn, dự báo, nắm bắt cơ hội để phát triển doanh nghiệp và góp phần phát triển đất nước với tầm nhìn xa, trông rộng, gắn với dự báo tình hình trong thời gian tới”.

Quan tâm sâu sắc đến doanh nghiệp, doanh nhân là một trong những dấu ấn đậm nét của nhiệm kỳ Thủ tướng Phạm Minh Chính

 

Ngày 12/10 - trước thềm sự kiện “Ngày doanh nhân Việt Nam”, người đứng đầu Chính phủ lại có cách tiếp cận hoàn toàn mới, phù hợp với bối cảnh mới trong tình hình cũ - đại dịch vẫn hoàn hành. Tại cuộc gặp này, ông mang đến không khí tươi vui, tri ân, cam kết nhưng vẫn không quên gieo niềm tin, lên dây cót tinh thần để cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đứng vững trước cuộc bể dâu mang tính toàn cầu.

Đến Đại hội toàn quốc VCCI lần thứ VII vừa qua - đợt sinh hoạt chính trị của tầng lớp thương gia, Thủ tướng Chính phủ mang tới khẩu khí mới, không hoa mĩ, to tát mà trực diện, chân thành, logic với đầy đủ lý luận và thực tiễn về mối quan hệ biện chứng giữa doanh nghiệp, doanh nhân với nền kinh tế, giới chủ với lao động; giữa văn hóa, kinh doanh và thương hiệu quốc gia,…

“Việt Nam giàu và mạnh phải có các doanh nghiệp giàu và mạnh. Và Việt Nam cũng chỉ phát triển bền vững và văn minh khi doanh nghiệp Việt Nam hoạt động kinh doanh theo hướng bền vững và văn minh. Văn hoá kinh doanh tạo ra sức mạnh mềm của doanh nghiệp và cũng góp phần xây đắp hình ảnh, vị thế quốc gia dân tộc trên trường quốc tế”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Có thể nói, Thủ tướng đã khéo léo chuyển tải tinh thần tự hào dân tộc vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Đi sâu vào cấu trúc tổ chức doanh nghiệp hiện đại, bền vững - đó không chỉ đơn thuần là “cỗ máy kiếm tiền” chỉ biết đến con số lỗ, lãi, thặng dư. Mà doanh nghiệp còn mang trọng trách là từng mảnh ghép mặc định cho bức tranh nền kinh tế, phản chiếu “sức mạnh mềm” quốc gia.


VCCI và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân được Thủ tướng Chính phủ giao phó trọng trách to lớn.

Nhiều năm qua vẫn tồn tại thực trạng doanh nghiệp, doanh nhân bị mất phương hướng trước thể chế, luật pháp, bởi vì tính thiếu thống nhất, chồng chéo chức năng nhiệm vụ của cơ quan công quyền. Cách khắc phục tốt nhất là doanh nghiệp tích cực trực tiếp tham gia hoạch định chính sách, xây dựng và ban hành luật. Đây là điểm rất mới mà Thủ tướng đề nghị.

Thông qua hoạt động tiếp xúc gân gũi nhất có thể, các chỉ đạo của Chính phủ vì vậy càng lúc càng sát hơn. Các hội nghị trên tuy cùng một đối tượng nhưng nội dung không lặp lại nhau, càng về sau cấp độ càng nâng dần lên, theo logic “lắng nghe, tiếp thu, sẻ chia, nghiên cứu và đưa ra hành động”.

Đúc kết lại, Thủ tướng và cộng đồng doanh nghiệp cùng nhau thống nhất thông điệp: “Doanh nghiệp vững mạnh, Quốc gia hùng cường, thịnh vượng”. Mệnh đề này nói lên rất nhiều điều. Doanh nghiệp được đặt lên trên hết, bên trong doanh nghiệp chính là người lao động và gia đình họ. Rõ ràng, người lao động khấm khá tức là doanh nghiệp làm ăn tốt, doanh nghiệp mạnh nền kinh tế mới mạnh.

Theo Tạp Chí Diễn Đàn Doanh nghiệp