Nếu chậm hỗ trợ, nhiều doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường

Đăng lúc: 15:43:06 08/11/2021 (GMT+7)

Nhắc tới yêu cầu phục hồi sản xuất kinh doanh để phục hồi kinh tế, đại biểu Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh) cho rằng, cần khẩn trương giải ngân các gói hỗ trợ doanh nghiệp đã ban hành. Những gói này được ví như nguồn “oxy” cho doanh nghiệp đang “hấp hối”.

Cần tăng cường, tăng tốc các gói hỗ trợ

Thảo luận tại hội trường trong phiên họp toàn thể sáng nay (8.11), nhiều Đại biểu Quốc hội đã nêu nhiều ý kiến liên quan tới việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Nhắc tới yêu cầu phục hồi sản xuất kinh doanh để phục hồi kinh tế, đại biểu Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh) cho rằng, cần khẩn trương giải ngân các gói hỗ trợ doanh nghiệp đã ban hành. Những gói này được ví như nguồn “oxy” cho doanh nghiệp đang “hấp hối”.

Tuy nhiên, ông So nhấn mạnh việc tiếp cận gói hỗ trợ còn khó khăn, trong khi doanh nghiệp đang đối mặt nhiều vấn đề. Do đó, cần tối giản, rút gọn các thủ tục rườm rà, nhanh chóng giải ngân, để doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận.

Đại biểu đoàn Bắc Ninh cũng đề xuất nhanh chóng ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo để vực dậy nền kinh tế sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Việt Nam còn nhiều dư địa để nghiên cứu đưa ra các gói kích thích đủ lớn bằng việc nâng trần nợ công nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát chỉ tiêu vĩ mô.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn). Ảnh QH
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn). Ảnh QH

Cùng nêu ý kiến về việc này, Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng đợt bùng phát dịch thứ 4 để lại nhiều hậu quả nặng nề, nhiều doanh nghiệp nguy cơ phá sản, hàng triệu lao động phải hồi hương do mất việc làm.

Do đó, đại biểu Thuỷ đề nghị Quốc hội tạo mọi điều kiện cho Chính phủ chống dịch, bên cạnh đó cần thêm chính sách đặc thù cho doanh nghiệp, người lao động trong giai đoạn hiện nay. Chính phủ cần tăng cường triển khai các gói hỗ trợ, bảo đảm đúng đối tượng, đúng tiến độ.

Bà Thuỷ cho rằng nếu triển khai chậm thì nhiều doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường cùng với nhiều việc làm bị mất đi.

Cụ thể hoá, cá thể hoá trách nhiệm, nhất là người đứng đầu

Về nhiệm vụ khôi phục, phát triển kinh tế sau ảnh hưởng của dịch, đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) cho rằng tổ chức, thực hiện vẫn là khâu yếu. Cơ quan quản lý cần cụ thể hóa, cá thể hóa trách nhiệm, nhất là người đứng đầu. Khâu kiểm tra, giám sát phải thực chất, không gây cản trở cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Đại biểu Tây Ninh cũng cho rằng sức chống chịu của doanh nghiệp, người dân không cho phép giãn cách xã hội dài ngày, trên phạm vi rộng, việc mở cửa trở lại nền kinh tế là hết sức cần thiết, cấp bách.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh thảo luận tại nghị trường.
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh thảo luận tại nghị trường.

Song, đại biểu Huỳnh Thanh Phương cho rằng mở cửa đến đâu, điều kiện về phòng, chống dịch phải đáp ứng đến đó, như: ý thức chấp hành của người dân, độ bao phủ vaccine, nguồn cung thuốc men, trang thiết bị y tế, năng lực cơ sở khám chữa bệnh…

Ông Phương đề nghị Chính phủ có biện pháp nâng cao ý thức người dân, tăng cường ngoại giao vaccine, đẩy mạnh phát triển vaccine trong nước. Ông cũng đề nghị cần phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô, vừa đảm bảo nguồn lực cho phát triển, vừa kiềm chế lạm phát.

Năm nay khó đạt mục tiêu tăng trưởng 3-3,5%

Đại biểu Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Uỷ ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội cho rằng, kỳ vọng kinh tế tăng trưởng 3-3,5% trong năm nay khó có thể đạt được. Để đạt mục tiêu này, trong 3 tháng cuối năm GDP phải tăng 8,6%.

"Đây là con số thách thức. Năm ngoái, khi cường độ diễn biến COVID-19 không mạnh như hiện nay, chúng ta cũng chỉ đạt tăng trưởng 2,91%. Với bối cảnh năm nay, tôi e là khó có thể đạt tăng trưởng 3-3,5%", đại biểu Vân nói.

Đại biểu Lê Thanh Vân - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội.
Đại biểu Lê Thanh Vân - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội.

Các mục tiêu trong kế hoạch 5 năm, theo đại biểu Lê Thanh Vân, chúng ta đã bám sát tình hình thực tế nhưng riêng chỉ tiêu tăng trưởng GDP, kỳ vọng tăng bình quân 6,5% vẫn nên được đánh giá cẩn trọng. Nền kinh tế từ nay đến giữa năm sau ở giai đoạn phục hồi, sau đó mới tính tới câu chuyện tăng trưởng.

Ngoài kinh tế, đại biểu Lê Thanh Vân cũng góp ý về năng lực của cán bộ quản lý khi những diễn biến đại dịch vừa qua bộc lộ sự yếu kém của một bộ phận cán bộ, từ nhận thức đến hành vi, không chuẩn về pháp luật, dẫn tới ứng xử không đúng.

"Tôi đề nghị Chính phủ, chính quyền địa phương phải xử lý nghiêm những trường hợp này. Xử lý để cho người dân biết chúng ta làm nghiêm", đại biểu Vân nói.

Theo VƯƠNG TRẦN - PHẠM ĐÔNG(Báo Lao động)
https://laodong.vn/kinh-te/neu-cham-ho-tro-nhieu-doanh-nghiep-phai-roi-khoi-thi-truong-971792.ldo