Giá trị doanh nhân thế hệ mới

Đăng lúc: 08:37:02 26/10/2022 (GMT+7)

“Đây vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ chiến lược lâu dài trong xây dựng và phát huy đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới”.

Đòi hỏi từ thực tiễn

Hơn 30 năm đổi mới Việt Nam đã tạo ra một thế hệ doanh nhân với khát vọng đưa các sản phẩm Việt Nam vươn tầm thế giới cả về chất lượng và số lượng. Có những doanh nhân lọt vào danh sách "tỷ phú đô-la" của thế giới; có những sản phẩm, thương hiệu chiếm lĩnh vị trí khá cao trên thị trường toàn cầu.

Cùng với đó, lớp doanh nhân trẻ thế hệ 8X, 9X đang khởi nghiệp với nền tảng được đào tạo bài bản, có phẩm chất công dân toàn cầu, tự tin để giao tiếp và hội nhập thế giới. Đây là một thế hệ doanh nhân mới, có quá trình chuẩn bị, đầy tự tin để giao tiếp và hội nhập với thế giới, có phẩm chất công dân toàn cầu. Trong bối cảnh phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực của nền kinh tế, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân đã trở nên lớn mạnh. Và đây chính là môi trường hội đủ các điều kiện để chuẩn bị, đào tạo và hình thành nên thế hệ doanh nhân mới nói trên.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng L. luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu định hướng tại Hội thảo khoa học “Đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới”.

Nhìn lại truyền thống văn hóa Việt Nam - nền văn hóa trọng đạo đức, nhân nghĩa, đề cao công lý và lẽ phải, luôn luôn đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết - đã thẩm thấu, lan tỏa trong các thế hệ doanh nhân Việt Nam. Từ đầu thế kỷ XX, các doanh nhân tiêu biểu như Bạch Thái Bưởi, Trịnh Văn Bô… cho đến các thế hệ doanh nhân Việt Nam hiện nay đều phát huy tinh thần dân tộc, đạo đức doanh nhân nỗ lực vượt khó, đưa doanh nghiệp phát triển, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội đất nước chính là ý chí và khát vọng dân tộc, khát khao xây dựng Tổ quốc giàu mạnh, khẳng định vị thế đất nước trên trường quốc tế.

TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Giám đốc Viện Nghiên cứu và đào tạo BIDV phân tích: Thời gian này, một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam vướng vào vòng lao lý chính bởi doanh nhân mất đi giá trị đạo đức; doanh nghiệp bị xoá nhoà đạo đức kinh doanh mà mờ mắt chạy theo lợi nhuận trước mắt.

Nhưng chính những doanh nhân, doanh nghiệp này quên đi thực tế trên thế giới và tại Việt Nam, nhiều cuộc tẩy chay thương hiệu rung động thị trường đã được thực hiện khiến một số doanh nghiệp lớn phải sụp đổ do không có đạo đức kinh doanh. Ngược lại, những sản phẩm và dịch vụ của các nước có văn hoá và đạo đức kinh doanh như Nhật Bản, Đức, Mỹ… chiếm được niềm tin của khách hàng cao hơn hẳn và mang lại nhiều lợi thế cho doanh nghiệp. Vì vậy, để xây dựng niềm tin với khách hàng, góp phần nâng cao giá trị cạnh tranh của doanh nghiệp cần bắt đầu tư văn hoá.

Văn hoá kinh doanh gắn với 3 chủ thể chính là doanh nhân, doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp, trong đó doanh nhân là chủ thể quan trọng. Để xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần dân tộc, hình thành các chuẩn mực kinh doanh văn minh theo yêu cầu của Nghị quyết 09 - NQ/TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị và văn kiện Đại hội XIII của Đảng cần bắt đầu từ việc xây dựng đạo đức doanh nhân.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công trao đổi với các doanh nhân tại Hội thảo khoa học “Đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới”

Văn hoá kinh doanh, đạo đức doanh nhân mang giá trị trường tồn

Với vai trò là tổ chức quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, VCCI có trách nhiệm đặc biệt quan trọng trong việc dẫn dắt xây dựng văn hoá kinh doanh, đạo đức doanh nhân. Vì vậy, Đại hội đại biểu toàn quốc VCCI lần thứ VII đã xác định tầm nhìn “Doanh nghiệp vững mạnh - Quốc gia thịnh vượng” và đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược; trong đó việc tiên phong xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam, hình thành và thúc đẩy thực hiện các chuẩn mực chung về đạo đức doanh nhân, văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp.

Để hiện thực hoá mục tiêu trên, VCCI đã triển khai nhiều hoạt động, sự kiện ý nghĩa. Nhân kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, VCCI đã công bố và phát động thực hiện Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam. Đây là bước khởi đầu quan trọng để hình thành và thúc đẩy thực hiện các quy ước, chuẩn mực chung về đạo đức doanh nhân.

Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam gồm 6 điều: (1) Tạo giá trị kinh tế cho xã hội; (2) Tuân thủ pháp luật; (3) Minh bạch, công bằng, liêm chính; (4) Sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; (5) Tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; (6) Yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình. “Sáu giá trị trên là các phẩm chất đạo đức cơ bản cần có của doanh nhân Việt Nam được VCCI đúc kết qua các nghiên cứu của các chuyên gia cao cấp, được khuyến nghị thực hành rộng rãi trong cộng đồng doanh nhân” - ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã trao tặng danh hiệu tôn vinh 6 doanh nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch tại Việt Nam.

Nhằm thống nhất về nhận thức, nghiên cứu về lý luận, từ đó hình thành các nền tảng của đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh để lan toả trong đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, vào dịp vinh danh các doanh nhân tiêu biểu năm 2022, VCCI đã phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - cơ quan nghiên cứu lý luận hàng đầu của Đảng tổ chức hội thảo “Đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới” với sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Đây là hội thảo khoa học đầu tiên chuyên đề về đạo đức doanh nhân trong bối cảnh mới. Tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đã đưa ra những định hướng cơ bản từ những giá trị cốt lõi của vấn đề xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh để các học giả, các nhà nghiên cứu đóng góp ý kiến xây dựng đội ngũ doanh nhân mới.

Đặc biệt, để tôn vinh và lan toả giá trị đạo đức doanh nhân trong cộng đồng doanh nhân Việt Nam, tại chương trình bình chọn danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” năm 2022, VCCI đã đổi mới toàn diện chương trình, trong đó đưa đạo đức doanh nhân là tiêu chí quan trọng hàng đầu; thực hiện bình xét chặt chẽ, công phu và bổ sung hoạt động thẩm định thực tế tại doanh nghiệp. Đây là dịp để các thành viên đoàn thẩm định trao đổi trực tiếp với các doanh nhân ứng cử quan điểm, nhận thức về đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh.

Ngày 12/10, Lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam với điểm nhấn là Lễ trao tặng danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” được tổ chức trang trọng tại Hà Nội. 60 doanh nhân tiêu biểu, trong đó có TOP 10 doanh nhân tiêu biểu nhất được vinh danh và nhận biểu trưng mới của chương trình kết tinh tinh thần dân tộc, khát vọng dân tộc của các thế hệ doanh nhân Việt Nam. Đây là những doanh nhân xuất sắc đại diện cho cộng đồng doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới mang theo bản lĩnh, ý chí, sức sáng tạo và tinh thần tự hào dân tộc…

Khi trao giải cho TOP10 Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh yêu cầu giới doanh nhân Việt Nam cần quan tâm xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh, hướng tới xây dựng đội ngũ doanh nhân có Tâm, Tài, Trí, Tín; có tinh thần dân tộc, phụng sự đất nước.

Những tư tưởng của thời cuộc và sự thay đổi của bối cảnh xã hội đã hình thành nên những đặc tính rất cơ bản của mỗi thế hệ doanh nhân. Và chính cuộc khủng hoảng hiện nay đã định danh những đặc tính cơ bản cho thế hệ doanh nhân mới: Đó là những con người có khát vọng mới với việc xây dựng hình ảnh mới đẹp hơn cho cả cộng đồng doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Đó là những doanh nhân có tầm nhìn xa và trông rộng. Đó là những doanh nhân với những giá trị mới, những phẩm chất, những văn hóa mới.

Thế hệ doanh nhân mới Việt Nam đang viết tiếp khát vọng tự cường. Nhưng muốn vậy, một môi trường kinh doanh, môi trường chính sách tạo động lực để doanh nghiệp Việt Nam có thể phát triển bền vững trở thành đòi hỏi cấp thiết hơn bao giờ hết.

DĐDN trân trọng giới thiệu loạt bài: hướng tới giá trị của doanh nhân thời đại mới. DĐDN kính mời các chuyên gia và đông đảo bạn đọc cùng chúng tôi lan toả hơn nữa giá trị doanh nhân thời đại mới. Mọi thông tin góp ý, bài viết xin gửi về: toasoan@dddn.com.vn (tác phẩm được đăng tải sẽ được toà soạn trả nhuận bút đặc biệt).

 

Theo Đức Hạnh (Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp)