"Cuộc đua" tăng hạng năng lực cạnh tranh tại Thanh Hóa
Theo kết quả công bố Bộ chỉ số DDCI Thanh Hóa năm 2023, ở khối UBND các huyện, thị xã, thành phố, có 6 đơn vị xếp ở nhóm tốt, huyện Hoằng Hoá giữ vị trí “quán quân”. Ở khối các sở, ngành, Sở Công thương là đơn vị dẫn đầu...
Phát biểu tại lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và UBND cấp huyện (DDCI) tỉnh Thanh Hóa năm 2021 vừa diễn ra, đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh đã nhấn mạnh: Kết quả chỉ số DDCI phải là sản phẩm có ý nghĩa và tác dụng mạnh mẽ để các đơn vị cầu thị, quyết tâm, thực hiện, đánh giá, phát huy các kết quả đã làm tốt; có giải pháp để khắc phục những hạn chế, điểm nghẽn, sự chưa hài lòng của doanh nghiệp đối với chính quyền, qua đó xây dựng kế hoạch cụ thể để cải thiện, hướng đến nâng cao chỉ số PCI toàn tỉnh.
Thực tế những năm qua chính quyền nhiều địa phương, sở, ngành trong tỉnh đã hỗ trợ khá tốt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân mở rộng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên việc làm đó chưa được duy trì đều đặn và đúng mức, dẫn đến việc xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thanh Hóa trồi sụt hàng năm, có năm tăng mạnh, nhưng ngay sau đó lại giảm sâu.
Việc tỉnh Thanh Hóa lần đầu tiên thực hiện đánh giá và công bố kết quả chỉ số DDCI được xem như là một thước đo, tấm gương soi chiếu sự hài lòng của doanh nghiệp đối với các sở, ngành, địa phương trong tỉnh. Và từ mức độ xếp hạng trong lần công bố này, là cơ sở để sở, ngành, địa phương tiếp tục phát huy, giữ vững, nâng cao hơn kết quả đã có; cũng là cơ hội để những sở, ngành, địa phương còn yếu “soi sửa”, điều chỉnh lại, có sự nỗ lực phấn đấu hơn.
Bộ Chỉ số DDCI tỉnh Thanh Hóa gồm 8 chỉ số thành phần, đó là: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; tính năng động và vai trò của người đứng đầu; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; hỗ trợ doanh nghiệp; thiết chế pháp lý; tiếp cận đất đai. Năm 2021 đã có 1.124 doanh nghiệp tham gia khảo sát với 2.048 phiếu khảo sát hợp lệ. Kết quả, ở khối sở, ngành có 5 đơn vị xếp hạng tốt, 13 đơn vị xếp hạng khá và 4 đơn vị chưa tốt. Ở khối huyện, thị xã, thành phố, có 7 đơn vị xếp ở nhóm tốt, 17 đơn vị xếp hạng khá và 3 đơn vị xếp hạng chưa tốt.
Việc hoàn thiện trong cách phục vụ của các sở, ngành, địa phương này trong thời gian tới là rất quan trọng, sẽ tạo điều kiện, động lực cho doanh nghiệp phấn đấu sản xuất, kinh doanh tốt hơn, vượt lên những khó khăn nội tại của thời kỳ hậu dịch bệnh. Đây là cơ hội để các sở, ngành, địa phương cạnh tranh lành mạnh, nỗ lực phấn đấu, tạo ra những giá trị nhằm phục vụ tốt hơn doanh nghiệp và người dân từ cơ sở, vì sự phát triển của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.