Thanh Hóa: Phấn đấu hoàn thiện từ cấp cơ sở để nâng cao chỉ số PCI
Tỉnh Thanh Hóa đã ra những quyết sách, quyết tâm thực hiện đánh giá năng, cải thiện năng lực cạnh tranh từ cấp cơ sở để tiến tới kỳ vọng nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh PCI.
Năm 2021, là năm đầu tiên tỉnh Thanh Hóa tổ chức đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện (DDCI). Kết quả DDCI Thanh Hóa là một trong các căn cứ để đánh giá, xếp loại, thúc đẩy cải thiện chất lượng hoạt động của các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố, góp phần nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh. Ngay sau năm đầu tiên được đánh giá, nhiều địa phương đã xây dựng kế hoạch và triển khai các giải pháp cụ thể để cải thiện chỉ số này.
DDCI “truyền lửa”, cạnh tranh
Kết quả chỉ số DDCI phải là sản phẩm có ý nghĩa và tác dụng mạnh mẽ để các đơn vị cầu thị, quyết tâm, thực hiện, đánh giá, phát huy các kết quả đã làm tốt; có giải pháp để khắc phục những hạn chế, điểm nghẽn, sự chưa hài lòng của doanh nghiệp đối với chính quyền, qua đó xây dựng kế hoạch cụ thể để cải thiện, hướng đến nâng cao chỉ số PCI toàn tỉnh.
Bộ Chỉ số DDCI Thanh Hóa được xây dựng gồm 8 chỉ số thành phần: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin, tính năng động và vai trò của người đứng đầu, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, hỗ trợ DN, thiết chế pháp lý, tiếp cận đất đai. Trong đó, các chỉ số từ 1 đến 7 được dùng để chấm điểm, xếp hạng đối với nhóm 25 sở, ban, ngành cấp tỉnh; các chỉ số từ 1 đến 8 được dùng để chấm điểm, xếp hạng đối với nhóm 27 UBND cấp huyện, thị xã, thành phố.
Ngoài ra, DDCI Thanh Hóa còn khảo sát thêm một số nội dung tuy không phù hợp để tính điểm xếp hạng giữa các đơn vị trong cùng một nhóm, nhưng lại có tác động lớn tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, có ý nghĩa quan trọng đối với môi trường kinh doanh của tỉnh, như: Gia nhập thị trường, đào tạo lao động, hiệu quả của hệ thống cơ quan tư pháp, vai trò của hiệp hội, nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp.
Ông Đỗ Đình Hiệu, Giám đốc VCCI Thanh Hóa cho biết, theo kết quả công bố chỉ số DDCI năm 2021 tỉnh Thanh Hóa, có sự chênh lệch khá cao về điểm số giữa nhóm top đầu và nhóm đang có kết quả xếp hạng chưa tốt. Đã là xếp hạng, thì sẽ có những đơn vị đứng ở top đầu và top cuối. Kết quả này là sự cảm nhận, đánh giá khách quan của doanh nghiệp, hộ kinh doanh về chất lượng đồng hành của các đơn vị mà họ trực tiếp tương tác. Có như vậy, mới khơi dậy và thôi thúc được tinh thần, động lực thi đua, cạnh tranh về những nỗ lực trong nâng cao chất lượng đồng hành cùng doanh nghiệp. Giá trị và sản phẩm quan trọng nhất của DDCI không phải là bảng xếp hạng thứ bậc của các sở, ban, ngành, huyện, thị mà chính là những bài học kinh nghiệm, những dư địa cải cách được phát hiện và những khoảng cách cần được thu hẹp giữa nỗ lực của chính quyền và kỳ vọng của doanh nghiệp.
Tỉnh Thanh Hóa để VCCI được đánh giá độc lập chứng tỏ chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã mạnh dạn dám nhìn thẳng thắn vào sự thật, không né tránh. Đến nay, DDCI bước sang năm thứ 2 cũng đã bắt đầu khảo sát đón nhận nhiều dấu hiệu tích cực, sự lan tỏa mạnh mẽ. Rất nhiều địa phương đã trăn trở làm thế nào để cải thiện chỉ số DDCI. Khi chỉ số DDCI được cải thiện đồng nghĩa với việc cải cách hành chính, công tác xử lý cho doanh nghiệp được cải thiện và thay đổi.
Kỳ vọng, bức phá để nâng cao chỉ số
Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định, trước yêu cầu khách quan phải cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Thanh Hóa, tạo môi trường thuận lợi nhất cho thu hút đầu tư phát triển, các Nghị quyết, chương trình hành động của BCH Đảng bộ tỉnh đã xây dựng những lộ trình cụ thể trong việc cải thiện thứ hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng (SIPAS) nằm trong nhóm tốt của cả nước. Để từng bước hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh đã chỉ đạo xây dựng và phê duyệt Đề án đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và UBND cấp huyện tỉnh Thanh Hóa, với mục tiêu tạo sự chuyển biến trong các khâu cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân từ cấp cơ sở.
Ngày 15/11, UBND tỉnh Thanh Hoá tiếp tục ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện (DDCI) tỉnh Thanh Hóa năm 2022. Mục đích thực hiện Đề án nhằm phát huy kết quả khảo sát năm 2021 và tiếp tục hoàn thiện bộ chỉ số để cung cấp cho lãnh đạo tỉnh một công cụ hiệu quả, nhằm giám sát và chỉ đạo nâng cao chất lượng điều hành kinh tế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh đối với các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND cấp huyện. Đồng thời tạo sự cạnh tranh, thi đua về chất lượng điều hành kinh tế giữa các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện; tạo động lực cải cách quyết liệt, đồng bộ trong việc nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp; tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực…, từ đó góp phần tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh của tỉnh, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh PCI trong năm 2023 và các năm tiếp theo.
Tỉnh Thanh Hóa luôn đề cao trách nhiệm và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc xây dựng bộ máy chính quyền địa phương trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, xây dựng nền hành chính - quản trị - kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội. Tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh công khai, minh bạch, thuận lợi, trong đó ưu tiên đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính quyền số để dẫn dắt, thúc đẩy kinh tế số, xã hội số phát triển. Nghiên cứu, bám sát thực tiễn của địa phương, đơn vị để chủ động, tích cực, sáng tạo thực hiện có hiệu qủa Khâu đột phá về đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, giai đoạn 2021 - 2025; trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, tăng cường cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn theo phương châm “4 tăng, 2 giảm, 3 không”.