Các địa phương đều quan tâm và quyết tâm cải thiện 'thước đo' PCI

Đăng lúc: 15:15:31 16/11/2021 (GMT+7)

Trong bối cảnh dư địa cải thiện ngày càng thu hẹp, đà cải cách đã có phần chững lại, đòi hỏi các địa phương phải có nỗ lực đồng bộ. Chính sách tốt, minh bạch, thủ tục đơn giản là cần thiết nhưng cần đi đôi với chất lượng thực thi.

 Lễ Công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2020 khép lại với kết quả Quảng Ninh một lần nữa đã vượt qua chính mình và xác lập vững chắc vị trí “quán quân” năm thứ 4 liên tiếp. Đồng Tháp, Long An và Bình Dương lần lượt là các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế được đánh giá cao nhất trong Bảng xếp hạng PCI 2020.
 Điều tra PCI 2020 cho thấy các doanh nghiệp đã đánh giá tích cực hơn về tính linh hoạt, sáng tạo của chính quyền các tỉnh, thành phố trong quá trình thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước.
 Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp (địa phương đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng PCI 2020) cho biết, lãnh đạo tỉnh đã xác định phải thay đổi từ tư duy. Là địa phương có thế mạnh nông nghiệp, Đồng Tháp cố gắng “nâng tầm” từ một người nông dân lên thành nông dân chuyên nghiệp, tiến lên thành doanh nhân.
 Chương trình “Cà phê doanh nghiệp” là một kênh hiệu quả, tạo sự tương tác hai chiều tại Đồng Tháp.
Tỉnh đã xây dựng đề án phát triển nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển giáo dục, đào tạo, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài với phương châm đi làm thuê để trở về làm chủ, thu hút các câu lạc bộ hướng dẫn phong trào khởi nghiệp. Chương trình “Cà phê doanh nghiệp” là một kênh hiệu quả, tạo sự tương tác hai chiều cho doanh nghiệp và chính quyền địa phương.
“Đồng Tháp luôn xem cải cách hành chính là trọng tâm nhất, trên tinh thần lấy nhân dân là cốt lõi, doanh nghiệp là động lực để kiên quyết cải cách các tiêu chí chưa được tốt theo PCI 2020”, ông Phạm Thiện Nghĩa cho hay.
 Theo các chuyên gia, nhờ các chính sách thông minh, dù là “á quân” nhưng Đồng Tháp thậm chí còn có một số chỉ số đạt điểm rất cao (hơn cả Quảng Ninh) như: Chi phí thời gian đạt 9,5 điểm; chi phí không chính thức đạt 8,09 điểm; tính năng động của chính quyền tỉnh đạt 8,22 điểm; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự đạt 8,32 điểm.
 Đại diện địa phương dẫn đầu, ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng PCI là do cách làm sáng tạo của chính quyền địa phương đến cơ sở.
Quảng Ninh là một trong những tỉnh đầu tiên thi tuyển chức danh lãnh đạo địa phương để chọn ra người giỏi nhất, sáng tạo nhất. Tỉnh cũng đã thúc đẩy cải cách hành chính công, xây dựng các trung tâm, đầu mối thực hiện thủ tục hành chính, giúp giảm thiểu số lượng hồ sơ, chi phí cho doanh nghiệp.
“Đơn cử, vào đầu tháng 4 vừa qua, tỉnh đã trao giấy phép phê duyệt đầu tư một dự án FDI trị giá hơn 500 triệu USD chỉ sau 24 giờ làm việc”, ông Nguyễn Tường Văn cho hay.
Biến động ở chiều ngược lại, đại diện tỉnh Bắc Ninh, địa phương thường nằm trong tốp đầu cả nước vừa bị tụt hạng 6 bậc (từ vị trí thứ 4 năm 2019 xuống thứ 10 năm 2020), ông Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, sẽ nghiêm túc nhìn thẳng vào những điểm còn tồn tại, hạn chế của địa phương.
Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đặt mục tiêu phấn đấu quay trở lại thứ hạng cao hơn trong năm tới.
Ông Vương Quốc Tuấn cho biết, trong cuộc khảo sát PCI lần này, Bắc Ninh có 4/10 chỉ số tăng điểm và 6/10 chỉ số giảm điểm, đặt ra yêu cầu tỉnh phải có biện pháp để khắc phục hạn chế.
Trong đó, ông Vương Quốc Tuấn cho rằng, chính sách cải cách ở cấp tỉnh chưa đủ, Bắc Ninh phải có sự chuyển động đồng loạt mạnh mẽ hơn, xuống tận các cấp huyện, xã. Tăng cường cải thiện khả năng tiếp cận đất đai, tính minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động của chính quyền, thiết chế pháp lý an ninh trật tự…


Ông Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh. Ảnh:VGP.
Trong thời gian tới, địa phương sẽ phải có những giải pháp mang tính đồng bộ, với kế hoạch cụ thể, sự vào cuộc quyết liệt của toàn hệ thống, nâng cao tính kỷ luật trong việc thực thi chính sách, nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp, tăng cường tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên cho biết, PCI 2020 Thái Nguyên tăng 1 bậc lên thứ 11. Sự cải thiện đạt được nhờ những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính. Cộng đồng doanh nghiệp tại Thái Nguyên đã có môi trường kinh doanh thuận lợi hơn.

Ông Nguyễn Văn Thời dẫn ví dụ như các vấn đề liên quan quản lý Nhà nước về đất đai không còn là một điểm nghẽn cho doanh nghiệp. Dù vậy, vấn đề lại nằm ở khâu giải phóng mặt bằng, điểm nghẽn này nằm ở ý thức và tinh thần của người dân.

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên cho rằng, để có được những kết quả tốt hơn nữa, các địa phương đều phải quan tâm lắng nghe những ý kiến phản hồi, kiến nghị của doanh nghiệp, để có những chính sách tốt sát với thực tiễn hơn. Ở chiều ngược lại, cộng đồng doanh nghiệp cũng sẽ đồng hành cũng địa phương để hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Đánh giá chung về xu hướng của PCI 2020, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đánh giá cao các tỉnh nhóm sau trong bảng xếp hạng PCI đang có những nỗ lực vượt bậc để thu hẹp khoảng cách với các tỉnh dẫn đầu. Và điều này cũng phát đi tín hiệu về những động lực và thực tiễn cải cách tốt đã được lan tỏa.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho rằng hầu hết địa phương đã thực hiện thành công các nhóm cải cách dễ như rút ngắn thời gian, công khai thủ tục, đơn giản hóa thủ tục hành chính… Nhưng ở những “đề bài” khó hơn như thuận lợi hóa chính sách đất đai, giải quyết tranh chấp có hiệu quả… thì chưa có nhiều chuyển biến, thậm chí một số lĩnh vực đảo chiều.

“Có tỉnh thăng hạng và xuống hạng, nhưng điều đáng mừng là lãnh đạo các địa phương đều hết sức quan tâm đến thước đo PCI và quyết tâm cải thiện năng lực cạnh tranh để chính quyền thật sự trở thành “bệ đỡ” cho các doanh nghiệp tiếp tục trụ vững và phát triển”, ông Đậu Anh Tuấn nói.