VCCI Thanh Hoá tổ chức Hội thảo: Hỗ trợ doanh nghiệp ngành đá vượt qua những khó khăn do tác động của COVID-19

Đăng lúc: 15:02:35 02/11/2022 (GMT+7)

Ngày 28/10/2022, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa đã tổ chức hội thảo: Hỗ trợ doanh nghiệp ngành đá vượt qua những khó khăn do tác động của COVID-19 và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về lao động. Hội thảo đã thu hút đông đảo các doanh nghiệp làm trong lĩnh vực khai thác, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu Đá tại Thanh Hóa tham dự.

Thanh Hóa là một tỉnh có tài nguyên Đá tự nhiên rất dồi dào và ngành khai thác, sản xuất đá đã trở thành ngành kinh tế quan trọng. Toàn tỉnh hiện có hơn 200 cơ sở khai thác, chế biến đá, thu hút và giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Loại đá được khai thác chủ yếu là đá MARBLE, BLUESTONES, GRANIT .. với mầu sắc, chất lượng đa dạng, có nhiều ứng dụng trong xây dựng.

z3848258796673_4940ef6f161ff03d6d3c32d9cf9eff14.jpg

            Với mục tiêu tìm hiểu, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc về lao động do tác động của đại dịch COVID-19. Bà Nissara Spence, Quản lý Dự án – Tổ chức Di cư quốc tế cho biết, Tổ chức di cư quốc tế mong muốn thông qua hoạt động khảo sát với các doanh nghiệp sẽ tìm ra những khó khăn vướng mắc trong công tác tuyển dụng và sử dụng lao động có trách nhiệm, thúc đẩy các cam kết về tôn trọng quyền con người và quyền lao động bình đẳng. Từ đó, đề xuất, xây dựng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực canh tranh, đảm bảo hợp tác tích cực và bền vững.

z3848300604614_b9ba15cbaac76f59124b62c25a162ff7.jpg

            Ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Giám đốc VCCI Thanh Hóa chia sẻ,  Hiện nay, ngày càng nhiều khách hàng quốc tế yêu cầu đối tác trong chuỗi cung ứng phải tuân thủ những tiêu chuẩn quốc tế về tuyển dụng có đạo đức và sử dụng lao động có trách nhiệm, các doanh nghiệp tại Việt Nam cần sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu này nếu muốn tiếp cận thị trường thế giới.

z3848258798418_952919dd006e86bf759db9b42101f862.jpg

            Đại diện cho Hiệp hội Đá Thanh Hóa, doanh nhân Nguyễn Văn Thọ cho biết: Đứng trước các yêu cầu đáp ứng quy định về lao động, ngành đá đã chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất, thời gian lao động cho phù hợp, đồng thời có thêm các biện pháp khôi phục cảnh quan môi trường xung quanh. Mặc dù vậy, do tính chất công việc nặng nhọc, nguy hiểm, đòi hỏi sức khoẻ và khả năng làm việc trong môi trường độc hại về tiếng ồn, khói bụi gây các bệnh nghề nghiệp, mối đe dọa đến tính mạng công nhân luôn tiềm ẩn. Các doanh nghiệp chưa chú trọng tới đào tạo nghề cho lao động mà chủ yếu dựa theo kinh nghiệm, chế độ đãi ngộ còn ở mức thấp.Vì vậy,  công nhân thường không gắn bó với nghề. Số lượng lao động tham gia tại mỗi cơ sở sản xuất chỉ dao động dưới 30 người, có nhiều cơ sở sản xuất chỉ có 5-10 lao động. Đây là yếu tố ảnh hưởng đến năng xuất, chất lượng sản phẩm đá Thanh Hóa. Nhiều doanh nghiệp khẳng định nắm rõ các quy định về lao động nhưng do nguồn lực yếu nên chưa thể đáp ứng đầy đủ các quy định. Vì vậy, Hiệp hội đá mong muốn thông qua VCCI Thanh Hóa để kêu gọi sự hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ bằng các hành động cụ thể như đào tạo, cấp chứng chỉ về An toàn lao động, vệ sinh lao động, đào tạo về vận hành máy móc, thiết bị, sử dụng vật liệu nổ an toàn. Từ đó nâng cao hiểu biết cho doanh nghiệp, tạo dựng niềm tin cho đối tác.

            Kết thúc hội thảo, các doanh nghiệp đồng tình tham gia chương trình khảo sát và mong muốn xây dựng các phương án sản xuất kinh doanh phù hợp với các quy định nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên trường quốc tế.