VCCI và sự tin tưởng của Thủ tướng

Đăng lúc: 16:09:00 07/02/2022 (GMT+7)

“Tôi tán thành với quan điểm của VCCI là “Doanh nghiệp vững mạnh - Quốc gia thịnh thượng”, nhưng tôi vẫn mong muốn “Doanh nghiệp vững mạnh - Quốc gia hùng cường, thịnh vượng”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định điều đó khi phát biểu tại Đại hội Đại biểu toàn quốc VCCI lần thứ VII. Khi ông muốn thêm hai từ “hùng cường” thì cũng là lúc, như trong bài phát biểu, ông kỳ vọng vào một VCCI mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn khi được đổi tên từ “Phòng” thành “Liên đoàn”. “Công việc của VCCI sẽ nhiều hơn, trách nhiệm của VCCI sẽ nặng hơn” như Thủ tướng nói, nhưng cũng là lúc VCCI càng có cơ hội thể hiện vai trò, đóng góp nhiều hơn cho đất nước, cho doanh nghiệp và người lao động với tầm nhìn phổ quát hơn.

KỲ VỌNG CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CHÍNH PHỦ

Bên cạnh việc nhấn mạnh vai trò đại diện quốc gia, hỗ trợ của VCCI đối với doanh nghiệp, điều Thủ tướng Phạm Minh Chính dành nhiều thời gian phân tích, đề nghị, yêu cầu và đòi hỏi VCCI nằm ở phần cải cách thể chế, kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, an toàn và bình đẳng.

“Cần tiếp tục nâng cao chất lượng, tính khách quan, chuyên nghiệp, hội nhập và tính lan tỏa trong nghiên cứu, công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); tích cực tham gia cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh, hướng tới góp phần nhiều hơn vào quá trình cải thiện môi trường kinh doanh quốc gia”. Sở dĩ Thủ tướng nhấn mạnh điều này là kể cả khi còn là lãnh đạo địa phương, ông thấy rất rõ tác động tích cực của PCI đối với tư duy, cách làm và cách mà một Chính quyền điều hành kinh tế - xã hội. PCI với chiều dài lịch sử của nó đã chứng minh: chỉ khi Chính quyền thực sự đặt mình trước sự giám sát của Nhân dân như Hiến pháp quy định thì chính quyền mới thực sự có động lực và cả áp lực để “vì dân, do dân”, trở thành “của dân”.

Tất nhiên, lý do Thủ tướng nhấn mạnh điều này là còn vì, như phát biểu mang tính hệ thống của ông, “mỗi tỉnh làm tốt thì cả nước làm tốt”. Hơn nữa, Thủ tướng cũng nói thêm khi phát biểu rằng: không chỉ có doanh nghiệp cạnh tranh, mà cả quốc gia cũng phải có tính cạnh tranh với các quốc gia khác. Tính cạnh tranh nếu chỉ dựa vào lợi thế tài nguyên, địa chính trị chỉ là một vế. Vế khác cũng không kém phần quan trọng chính là thể chế. Chỉ có thể chế tốt mới tăng tính cạnh tranh của quốc gia. Chỉ có thể chế tốt mới kiến tạo được môi trường đầu tư, kinh doanh mang tính cạnh tranh quyết định.

Chính vì vậy, Thủ tướng nhấn mạnh rằng: “Môi trường kinh doanh, khung khổ thể chế, pháp luật luôn là yếu tố tiên quyết cho sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế.

Đại hội VCCI có sự hiện diện của gần 450 đại biểu, lãnh đạo các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp tiêu biểu thuộc mọi thành phần, lĩnh vực của nền kinh tế từ khắp mọi miền của tổ quốc.

“THỂ CHẾ NÀO, DOANH NGHIỆP ĐÓ”

Khi nhấn mạnh “thể chế nào, doanh nghiệp đó” thì có nghĩa Thủ tướng đang yêu cầu, thậm chí là kỳ vọng VCCI đóng vai trò lớn hơn nữa trong công cuộc “cải cách thể chế” mà ông ấp ủ nhiều năm, cả trước khi làm Thủ tướng. Có thể khẳng định điều đó là vì ông thấm nhuần rằng: Sống trong một môi tường dân chủ, pháp quyền thì mọi người dân, doanh nghiệp phải tuân thủ pháp luật.

Nhưng khi tính tuân thủ của người dân tăng lên, thì cũng chính là lúc cần phải có một thể chế, khung khổ pháp luật thật minh bạch, khả thi, dễ tiên lượng.

Quan điểm nhất quán của Thủ tướng từ trước tới nay luôn là “phải xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo để từ đó mọi chính sách quay lại phục vụ cuộc sống”. Quan điểm đó khiến ông dặn dò VCCI rằng: “Chỉ có doanh nghiệp, doanh nhân từ thực tiễn mới phát hiện ra được những mâu thuẫn, trở ngại trong hoạt động của mình, từ đó có tiếng nói, đóng góp xây dựng bài bản, góp phần hoàn thiện thể chế của chúng ta”.

Điều đó đặt ra cho VCCI một “trách nhiệm nặng nề hơn”. Bởi vì dù đã có tới gần 200.000 doanh nghiệp hội viên nhưng so với hơn 800.000 doanh nghiệp hiện đang hoạt động thì số lượng thành viên như vậy chắc hẳn vẫn là một tỷ lệ khiêm tốn. Thủ tướng nói doanh nghiệp, doanh nhân xuất phát từ thực tiễn phát hiện ra khó khăn, trở ngại thì cũng có hàm ý rằng: VCCI phải là mái nhà chung cho nhiều doanh nghiệp hơn nữa.

Vì như Thủ tướng khẳng định: “Doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể của hoạt động sản xuất, kinh doanh - là “trái tim” của nền kinh tế, là nhân tố đóng góp quan trọng vào sự phát triển và thịnh vượng của nền kinh tế”.

Đương nhiên, không phải mọi doanh nghiệp đều phải “vào VCCI”, nhưng nếu càng nhiều doanh nghiệp là thành viên của VCCI thì “tính thực tiễn” trong những kiến nghị của VCCI về cải cách thể chế chắc chắn sẽ có một thước đo chuẩn chỉnh hơn. Vả lại, đóng góp vào “cải cách thể chế” là một thế mạnh của VCCI thì việc kỳ vọng VCCI mở rộng quy mô âu cũng là tất yếu trong yêu cầu của Thủ tướng.

“Thể chế nào, doanh nghiệp đó”. Nếu Thủ tướng đã nhấn mạnh phương châm này thì cũng chính là lúc trách nhiệm góp phần xây dựng, hoàn thiện thể chế của VCCI được Thủ tướng kỳ vọng hơn bao giờ hết. Có một thể chế tốt cũng có nghĩa là một môi trường đầu tư, kinh doanh cạnh tranh được kiến tạo, một cộng đồng doanh nghiệp có văn hóa kinh doanh được củng cố và những doanh nhân vươn tầm quốc tế trong hội nhập sẽ ngày càng nhiều. Và đó chắc hẳn cũng là mục tiêu cao nhất của VCCI trong giai đoạn mới.

Theo Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp