Chính phủ và doanh nghiệp chung tay vì một Việt Nam bền vững

Đăng lúc: 08:48:02 05/12/2024 (GMT+7)

Chính phủ và doanh nghiệp đồng lòng trong hành trình phát triển bền vững, hướng tới một Việt Nam xanh, thịnh vượng và đáp ứng các thách thức toàn cầu.

Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai ở New York cuối tháng 9, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh vai trò then chốt của chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trong xây dựng tương lai bền vững. Theo Tổng Bí thư, hai động lực này không chỉ giúp các quốc gia, đặc biệt là những nước đang phát triển như Việt Nam, nâng cao khả năng tự cường mà còn tăng sức chống chịu trước các biến động toàn cầu. Đây là cơ hội để Việt Nam khẳng định cam kết quốc tế và hướng tới phát triển bền vững.

Chính phủ khuyến khích doanh nghiệp phát triển bền vững

lanh-dao-chinh-phu-bo-nganh-tham-du-dong-vien-doanh-nghiep-tai-le-cong-bo-csi-2024-1-.jpg
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đại diện lãnh đạo Chính phủ cùng đại diện các cơ quan ban ngành tham dự động viên doanh nghiệp tại Lễ các doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2024.

Để hiện thực hóa tầm nhìn này, Chính phủ đã nhanh chóng triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi. Những chương trình như “Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030” hay “Quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030” đều hướng tới mục tiêu tối ưu hóa tài nguyên, giảm phát thải và sử dụng năng lượng hiệu quả. Đồng thời, kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh đến năm 2030, tầm nhìn 2050, là bước đệm quan trọng để Việt Nam thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới mô hình kinh doanh theo hướng thân thiện với môi trường.

Không dừng lại ở các chính sách chung, Chính phủ còn đưa ra hai nhóm ưu đãi cụ thể: tài chính và phi tài chính. Theo đó, những doanh nghiệp đáp ứng được tiêu chí tăng trưởng xanh sẽ không chỉ được hỗ trợ nguồn vốn mà còn hưởng lợi từ quy trình đầu tư và kinh doanh thuận lợi hơn. Tuy nhiên, để bảo đảm tính minh bạch, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng hệ thống phân loại xanh quốc gia. Khi hệ thống này được ban hành, các doanh nghiệp và dự án đầu tư sẽ có hướng dẫn rõ ràng để tiếp cận các ưu đãi. Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ triển khai danh mục ngành nghề xanh để xác định cụ thể đối tượng được hưởng lợi.

Những bước đi này không chỉ là hành động trước mắt mà còn mở ra lộ trình dài hạn. Theo kế hoạch, các cơ chế thí điểm liên quan đến tăng trưởng xanh sẽ tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang đề xuất Thủ tướng cho phép áp dụng những chính sách đặc thù nhằm tạo điều kiện tối đa cho các dự án xanh, từ đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững và ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu.

Cam kết từ phía doanh nghiệp

Sự đồng lòng từ phía Chính phủ đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước.

Tại Lễ công bố các doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2024 (CSI 2024), ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nestlé Việt Nam kiêm Đồng Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD), đã ghi nhận những thay đổi tích cực.

Ông cho biết, số lượng doanh nghiệp tham gia Chương trình CSI-100 năm nay tăng đáng kể, với nhiều hành động cụ thể nhằm giảm phát thải. “Chúng tôi mong muốn lan tỏa các sáng kiến tốt và thúc đẩy sự hợp tác từ cơ quan quản lý, doanh nghiệp và tổ chức, cùng xây dựng một Việt Nam xanh hơn, thịnh vượng hơn”, ông Binu Jacob khẳng định.

z6082445953670_34f5e3ee106408dddf7aec304cf898c8.jpg
Ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nestlé Việt Nam và Đồng Chủ tịch VBCSD phát biểu tại Lễ công bố CSI 2024.

Ông Binu Jacob nhấn mạnh: “Phát triển bền vững không chỉ là chiến lược mà còn là giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Chúng tôi không chỉ đặt ra các mục tiêu tham vọng mà còn mong muốn truyền cảm hứng và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp cùng tiến tới tương lai xanh”.

Từ góc nhìn của VCCI, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đã khẳng định tại CSI 2024 rằng Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để vươn lên thành quốc gia phát triển vào năm 2045.

Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, sự thành công này phụ thuộc rất lớn vào sự đổi mới chiến lược từ cộng đồng doanh nghiệp. Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho rằng, bên cạnh việc tháo gỡ rào cản thể chế, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, chủ động đổi mới để phát triển bền vững, sáng tạo và nhân văn.

Từ những hành động cụ thể của Chính phủ đến cam kết mạnh mẽ từ doanh nghiệp, hành trình phát triển bền vững tại Việt Nam đang được định hình rõ nét. Đây không chỉ là câu chuyện về giảm phát thải hay bảo vệ môi trường, mà còn là tầm nhìn lớn hơn về một nền kinh tế xanh, thịnh vượng và có sức chống chịu trước những thách thức toàn cầu.

TheoThanh Trà - Quốc Tuấn (Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp) 
Quảng bá sản phẩm