Quyết liệt thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh

Đăng lúc: 10:09:20 03/01/2024 (GMT+7)

Nhiệm vụ quan trọng nhất đối với VCCI trong năm 2024 và những năm tiếp theo là quyết liệt thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh theo đúng tinh thần Nghị quyết 41.

Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công chia sẻ về Nghị quyết số 41-NQ/TW (Nghị quyết 41) ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

- Nghị quyết 41 xác định đội ngũ doanh nhân là một lực lượng nòng cốt trong phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, doanh nhân được tôn vinh, tạo điều kiện để phát triển lớn mạnh với tinh thần yêu nước, khát vọng cống hiến, thượng tôn pháp luật, xin ông cho biết những nhiệm vụ trọng tâm của VCCI trong năm 2024?

VCCI đã có bề dày truyền thống về tham gia xây dựng môi trường kinh doanh, có uy tín với Chính phủ, Quốc hội và các bộ, ngành trong công tác tham mưu, phản biện chính sách để cải thiện môi trường kinh doanh.
Nhiệm vụ quan trọng nhất đối với VCCI trong năm 2024 và những năm tiếp theo là quyết liệt thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo đúng tinh thần Nghị quyết 41. Đó là, môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng.

Trước đây chỉ có “thuận lợi”, nhưng Nghị quyết 41 đã có bước tiến lớn, khi Bộ Chính trị xác định phải có thêm 2 yếu tố nữa là “an toàn” và “bình đẳng”. Thời kỳ đầu Đổi mới, khát vọng thoát nghèo, vươn lên lập nghiệp, làm giàu là động lực to lớn của doanh nhân Việt Nam, lúc đó yếu tố an toàn, bền vững chưa phải là quan tâm hàng đầu. Tình hình nay đã khác, trong kinh doanh giới doanh nhân đặt yếu tố an toàn cho bản thân, cho gia đình, cho doanh nghiệp là ưu tiên hàng đầu. Đây cũng là động lực cho doanh nhân an tâm mở rộng kinh doanh và phát triển doanh nghiệp.

Bên cạnh yếu tố “thuận lợi”, “an toàn”, Nghị quyết 41 còn nêu yều cầu về “bình đẳng”. Vừa qua, khi tổng kết Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/12/2011 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, chúng ta đã nhận diện được vấn đề là các chính sách đề ra thì là bình đẳng, nhưng trong áp dụng, thực thi chính sách trên thực tế thì “đâu đó” vẫn xảy ra tình trạng bất bình đẳng, như giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước, giữa doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp địa phương với doanh nghiệp ngoài địa phương,...

VCCI sẽ tổ chức thực hiện nghiêm túc và tốt nhất Nghị quyết 41, tránh để xảy ra tình trạng các chủ trương, chính sách được ban hành nhưng không được thực hiện.

- Làm thế nào để tạo ra được môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng, thưa ông?

Trong các giải pháp thực hiện, Nghị quyết 41 có đưa ra chủ trương “bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hoá quan hệ kinh tế...”. Đây là chủ trương rất phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường, rất trúng mong đợi của giới doanh nhân và xã hội. Mặc dù thời gian thực hiện có thể phải kéo dài nhiều năm, vì còn phải thể chế hoá, thống nhất nhận thức và triển khai các chính sách, nhưng dù khó khăn thế nào cũng phải quyết tâm, quyết liệt thực hiện bằng được, vì đây chính là những yêu tố cơ bản để tạo lập một môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn như Nghị quyết đề ra và như thông lệ quốc tế.

Ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển, các sai phạm kinh tế luôn được ưu tiên xử lý bằng các chế tài kinh tế, với các mức xử phạt rất nặng, gấp hàng trăm lần lợi ích thu được, vừa đủ sức răn đe, vừa làm mất động lực cho những ai toan tính làm sai. Việc hình sự hoá trong xử lý quan hệ kinh tế thường dẫn đến đổ vỡ doanh nghiệp và đánh thẳng vào sức mạnh của nền kinh tế, nên rất hạn chế áp dụng. Để thực hiện chủ trương “không hình sự hoá” như Nghị quyết 41, không chỉ cần sự thay đổi nhận thức và cách xử lý của bộ máy nhà nước, mà cả của các doanh nhân. Ở các nền kinh tế thị trường, các tranh chấp kinh tế thường được giải quyết qua các trung tâm trọng tài kinh tế, hoặc qua toà án dân sự. Nhưng tại Việt Nam, nhiều khi chính các doanh nhân khi có tranh chấp thay vì dùng trọng tài hay toà án để giải quyết thì lại gửi đơn thư đến cơ quan công an...

Với sự ra đời của Nghị quyết 41, chính các doanh nhân cũng cần nhận thức lại và chung tay xây dựng văn hoá và môi trường kinh doanh mới, từ đó doanh nhân, doanh nghiệp có thể phát triển thuận lợi, an toàn, bền vững.

- Xin ông cho biết VCCI sẽ triển khai những chương trình gì để hỗ trợ doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 41?

Nghị quyết 41 xác định VCCI là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nhân, doanh nghiệp, là cầu nối vững chắc giữa Đảng với doanh nhân, đồng thời Bộ Chính trị giao những nhiệm vụ quan trọng, cụ thể cho VCCI trong hỗ trợ phát triển đội ngũ, doanh nhân, doanh nghiệp và triển khai Nghị quyết 41. Để góp phần triển khai Nghị quyết một cách toàn diện, hiệu quả, thời gian tới VCCI sẽ tập trung triển khai một số nội dung lớn sau:

Thứ nhất, tích cực thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng. Chủ động tham gia công tác xây dựng chính sách, thể chế hoá các chủ trương, định hướng về môi trường kinh doanh được nêu trong Nghị quyết 41. VCCI cũng sẽ nghiên cứu, điều chỉnh một số tiêu chí trong đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cho sát với chủ trương, định hướng nêu trong Nghị quyết 41.

Thứ hai, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường, tạo không gian phát triển mới. VCCI đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khai mở thị trường, nhất là các thị trường quốc tế, tận dụng các hiệp định FTA mà Việt Nam đã ký kết. Đặc biệt, VCCI sẽ tập trung vào các đối tác lớn, chiến lược để kết nối cho doanh nghiệp trong nước, như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan…

Thứ ba, VCCI tập trung hoàn thiện và vận động thực hiện chuẩn mực đạo đức, văn hoá kinh doanh Việt Nam, gắn với bản sắc dân tộc và tiếp cận được tinh hoa văn hoá kinh doanh thế giới, xây dựng sức mạnh mềm của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam dựa trên các giá trị đạo đức, văn hoá kinh doanh. VCCI tiên phong nhận trách nhiệm này và đến nay VCCI đã ban hành 6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam, đã công bố ca khúc truyền thống chung của giới doanh nhân Việt Nam vào ngày 13/10/2023 vừa qua. Hiện nay Viện phát triển Doanh nghiệp (trực thuộc VCCI) được giao nhiệm vụ nghiên cứu sâu các vấn đề về triết lý kinh doanh Việt Nam, chuẩn mực đạo đức kinh doanh Việt Nam để từ đó xác định và nhận diện các giá trị riêng của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam trong một thế giới hội nhập.

Thứ tư, triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng doanh nhân Việt Nam, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp, góp phần phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Bên cạnh các chương trình đào tạo đang có, VCCI sẽ có những chương trình mới, rất đặc biệt, phát huy các thế mạnh riêng có của VCCI, cụ thể là sẽ kết hợp đào tạo với kết nối doanh nhân, doanh nghiệp, kết hợp giữa bồi dưỡng kiến thức với chia sẻ kinh nghiệm của các doanh nhân hàng đầu trong nước và quốc tế.

Thứ năm, điều đặc biệt quan trọng là VCCI sẽ quyết liệt trong tham mưu quán triệt, triển khai Nghị quyết 41 sâu rộng trong toàn quốc, phát huy hệ thống các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân cùng tham gia thúc đẩy đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Đảng đoàn VCCI sẽ tham gia phối hợp cùng Ban Kinh tế Trung ương và các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện Nghị quyết để báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Trước đây, chúng ta có hiện tượng nghị quyết được xây dựng rất hay, nhưng việc tổ chức thực hiện lại là điểm yếu, và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu kiên quyết khắc phục tình trạng "Nghị quyết thì thật là hay, xem ra thực hiện còn gay trăm bề". Bây giờ Nghị quyết 41 gắn rất sát với lợi ích, với tương lai của doanh nhân, doanh nghiệp và của đất nước, nên VCCI cùng các hiệp hội sẽ phải quyết liệt tham gia thúc đẩy triển khai.

-Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Nguyễn Việt (Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp)