Chủ tịch VCCI: Xây dựng niềm tin của doanh nghiệp với môi trường kinh doanh

Đăng lúc: 07:39:43 03/10/2023 (GMT+7)

Chúng ta phải xây dựng được niềm tin chiến lược của doanh nghiệp đối với môi trường kinh doanh, đối với thể chế và chính sách. Đây là điều chúng ta cần đặc biệt quan tâm.

Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)  Phạm Tấn Công nhấn mạnh tại phiên trao đổi, thảo luận bàn tròn với chủ đề “Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó” tại Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2023, ngày 19/9.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công (giữa) tại phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2023, ngày 19/9.

Mặc dù chủ đề thảo luận hôm nay liên quan đến năng lực nội sinh và động lực phát triển. Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI  Phạm Tấn Công muốn nói đến cần phát huy được sức mạnh ngoại sinh, đó là tranh thủ cơ hội tình hình thế giới để thu hút mạnh mẽ hơn nữa nguồn lực FDI vào Việt Nam.

“Bởi đây đang là cơ hội lịch sử của chúng ta khi thế giới hậu Covid-19, thế giới đang có sự thay đổi trật tự về chuỗi cung ứng, đang có sự dịch chuyển dòng vốn và công nghệ và các xu thế phát triển mới của thế giới như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số… đang tạo ra cơ hội cho Việt Nam đón bắt cơ hội lớn này” - Chủ tịch VCCI  Phạm Tấn Công nói.

Vẫn theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, thế và lực của Việt Nam hiện nay đã khác, khát vọng về mục tiêu phát triển của Việt Nam đã khác. Đây là cơ hội để chúng ta tiếp cận và có một chỗ đứng mới trên trường quốc tế.

“Do đó, Việt Nam cần phải có chính sách để kịp thời nắm bắt được dòng vốn này. Khi dòng vốn này vào Việt Nam sẽ tạo ra hiệu ứng lan toả phát triển doanh nghiệp bản địa”, Chủ tịch VCCI  Phạm Tấn Công bày tỏ.

Toàn cảnh Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023.

Bên cạnh việc Việt Nam cần nắm bắt xu thế dịch chuyển đầu tư trên toàn thế giới, Chủ tịch VCCI  Phạm Tấn Công cũng kiến nghị thời gian tới cần phải có chính sách thúc đẩy đội ngũ doanh nghiệp bản địa của Việt Nam.

Như PGS,TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ, quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam thường chứa đựng “nghịch lý”.

Doanh nghiệp Việt Nam “giỏi” chống chịu, “sống dai nhưng chậm lớn”, khó trưởng thành.Nền kinh tế “khát vốn” nhưng lại khó hấp thụ vốn. Tăng trưởng GDP cao nhưng lạm phát thấp. Lạm phát thấp nhưng lãi suất cao.

“Chúng ta phải khắc phục được nghịch lý này. Đó là, phải xây dựng được niềm tin chiến lược của doanh nghiệp đối với môi trường kinh doanh, đối với thể chế và chính sách. Đây là điều chúng ta cần đặc biệt quan tâm”, Chủ tịch VCCI  Phạm Tấn Công nhấn mạnh.

Vì theo Chủ tịch VCCI  Phạm Tấn Công, chỉ có niềm tin thì mới tạo ra được động lực để các doanh nghiệp tiến lên. Theo khảo sát của VCCI, có rất nhiều doanh nghiệp không dám đầu tư mới, hạn chế đầu tư mới.

Trong khi đó, cán bộ công chức, viên chức thì rụt rè không dám làm, không dám quyết. Sự an toàn ở đâu đó cả với doanh nghiệp cũng như người làm chính sách đều đang có sự e dè.

Do đó, Chủ tịch VCCI  Phạm Tấn Công kiến nghị cần phải kiến tạo một môi trường kinh doanh không chỉ thuận lợi như trước đây, mà còn phải là môi trường kinh doanh an toàn cho doanh nhân, doanh nghiệp an tâm phát triển và cống hiến cho đất nước.

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI):
“Sức khỏe” doanh nghiệp đáng báo động
Từ đầu năm 2023 đến nay, kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức to lớn bắt nguồn từ những bất ổn của tình hình kinh tế - chính trị toàn cầu. Trên bình diện quốc tế, lạm phát đang ở mức cao và các ngân hàng trung ương toàn cầu theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt.
Các căng thẳng về chính trị cũng ảnh hưởng tiêu cực đến chuỗi cung ứng hàng hóa và dịch vụ xuyên biên giới, làm gia tăng áp lực cho thương mại - đầu tư toàn cầu. Tăng trưởng GDP nửa đầu năm 2023 của cả nước chỉ đạt 3,72%, là mức tăng trưởng trong 6 tháng thấp thứ hai trong vòng một thập kỷ qua. Mức tăng trưởng này chỉ cao hơn so với giai đoạn cùng kỳ của năm 2020 khi cả nước đang thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để ứng phó đại dịch COVID-19.
Các doanh nghiệp Việt Nam đang đối diện với những thách thức to lớn. Trong 8 tháng đầu năm 2023, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và tái gia nhập thị trường vẫn giảm nhẹ khoảng 0,03% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý số doanh nghiệp ra khỏi hoặc tạm thời ra khỏi thị trường tăng đến 15,6% so với 8 tháng đầu năm 2022 lên tới 124,7 nghìn doanh nghiệp. Đây là một chỉ báo quan trọng cho thấy “sức khỏe” của khu vực doanh nghiệp đáng báo động.
Lần đầu tiên sau nhiều năm, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đã giảm so với cùng kỳ năm trước. Sự sụt giảm này thể hiện rõ ở các sản phẩm xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam từ sản phẩm điện tử, may mặc, đồ gỗ cho đến thủy hải sản…
Sự sụt giảm nhu cầu trên thị trường quốc tế nhanh chóng ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam. Giá trị sản xuất công nghiệp 8 tháng đầu năm sụt giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Liên Thái Bình Dương Lê Hồng Thủy Tiên: Doanh nghiệp cần cơ chế, chính sách đột phá
Nếu như trong năm 2021-2022, doanh nghị Việt Nam rơi vào khó khăn như đứt gãy chuỗi cung ứng, giãn cách xã hội lạm phát tăng cao, giá xăng dầu tăng, cước vận tải tăng…Đến năm 2023 do tăng trưởng thương mại toàn cầu giảm, doanh nghiệp lại rơi vào thế bị động khi bị hủy đơn hàng hàng loạt, doanh số sụt giảm…
Do đó, các doanh nghiệp cần cơ chế, chính sách đột phá nhằm tăng cường nội lực và vượt khó.
Từ những thực trạng trên, tôi xin đề xuất về chính sách thuế tài chính, hỗ trợ lãi vay cần giải pháp cụ thể cho từng nhóm doanh nghiệp, cần có cơ quan độc lập đánh giá các hỗ trợ cho doanh nghiệp để điều chỉnh hỗ trợ một cách hiệu quả hơn.
dỡ bỏ những rào cản đối với doanh nghiệp, rà soát những quy định thiếu thực tế, không đặt ra những quy định cao hơn khu vực hoặc thế giới hoặc cao hơn mức cần thiết để tránh lãng phí nguồn lực doanh nghiệp.
Về cơ chế, chính sách cần xem xét ban hành các chính sách đặc biệt nhằm kích cầu du lịch như chính sách thương mại trong khu phi thuế quan, xây dựng và thiết lập các trung tâm bán hàng giảm giá trong khu phi thuế quan và cửa hàng miễn thuế dưới phố, cho phép áp dụng chính sách “duo price” đối với hàng hóa miễn thuế.
Về chính sách cho trung tâm tài chính, sẽ có nhiều lợi ích nếu thành lập trung tâm tài chính ở Việt Nam như thu hút vốn, thúc đẩy phát triển các ngành liên quan. Do đó đề xuất các cơ quan chức năng sớm ban hành chính sách để Thành phố Hồ Chí Minh triển khai trung tâm tài chính.
Đặc biệt, không phải doanh nghiệp muốn “chậm lớn” mà nhiều doanh nghiệp chân chính, đầu tư tìm tòi, học hỏi để lớn và trưởng thành một cách vững chắc nhưng còn vướng cơ chế, thiếu chính sách mang tính chiến lược bền vững.
Tôn vinh quyết tâm của doanh nghiệp Việt Nam dù đối mặt với nhiều thách thức nhưng vẫn sáng tạo để phát triển và có niềm tin vào Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Đại diện lãnh đạo Tập đoàn Liên Thái Bình Dương bày tỏ mong muốn các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ cùng các chuyên gia, các doanh nghiệp có sự hợp tác chặt chẽ để tạo hành lang pháp lý hợp lý, thông thoáng, tránh “đổ thừa” do cơ chế để doanh nghiệp có thể thực hiện được những gì luật cho phép, thúc đẩy phát triển, đổi mới. 

Theo Nguyễn Việt (Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp)