LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM TẠI THANH HOÁ
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa tiền thân là Văn phòng Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa được thành lập vào tháng 9/2000 và được nâng cấp lên Chi nhánh từ Tháng 01/2009 với chức năng và nhiệm vụ chính là hỗ trợ và phát triển cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình ổn định, phát triển lớn mạnh và bền vững.
Có mặt trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hơn 20 năm, chúng tôi là những người đầu tiên, cùng đồng hành với sự đi lên của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thanh. Đồng thời, cũng là đơn vị “đi tiên phong” trong lĩnh vực đào tạo và đào tạo lại đội ngũ doanh nghiệp doanh nhân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Từ chỗ chỉ có 8 doanh nghiệp hội viên vào năm 2000, đến hiện nay chúng tôi đã có hơn 1000 doanh nghiệp hội viên chính thức, hàng nghìn hội viên liên kết và hội viên danh dự. Chúng tôi đã và đang ngày càng khẳng định được sức ảnh hưởng, vai trò, vị trí của mình trong cộng đồng doanh nghiệp và là cầu nối quan trọng giữa chính quyền tỉnh với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc giữa hai bên nhằm xây dựng, tạo lập một môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, bền vững giúp tỉnh Thanh Hóa ngày càng thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.
Thanh Hóa là tỉnh đông dân, địa bàn phân bổ trải dài và rộng, có nhiều nguồn lực về biển, rừng, tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, trình độ dân trí chưa cao, còn nhiều huyện, xã nghèo, khó khăn, đời sống nhân dân còn rất vất vả. Chỉ có bằng con đường phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích các cá nhân, hộ kinh doanh tập trung vào các thế mạnh để sản xuất ra hàng hóa – sản phẩm thì mới có cơ hội và điều kiện nâng cao được chất lượng cuộc sống của người dân, cũng như của các xã, huyện trên phạm vi toàn tỉnh. Vì vậy, chúng tôi luôn xác định rằng: “Doanh nghiệp có phát triển thì nền kinh tế tỉnh Thanh Hóa mới phát triển, đặc biệt là khối cộng đồng doanh nghiệp kinh tế tư nhân, những doanh nghiệp vừa và nhỏ, đóng góp giải quyết công ăn việc làm cho lao động tại chỗ, tạo nguồn thu nhập cho người lao động, cho doanh nghiệp cũng như đóng góp cho xã hội”.
Trong các chương trình, nội dung hoạt động của VCCI Thanh Hóa chúng tôi luôn tập trung vào các hoạt động hỗ trợ, nâng cao về nhận thức, kỹ năng hiểu biết và vận dụng pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh thực tiễn của doanh nghiệp. Phối hợp cùng các cấp chính quyền tỉnh, huyện và cùng các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề đóng góp, kiến nghị để xây dựng cơ chế chính sách pháp luật phù hợp với thực tiễn nhất; tạo lập một môi trường kinh doanh minh bạch và bình đẳng, tạo điều kiện và cơ hội như nhau cho các doanh nghiệp cùng phát triển.
2. Mục đích, chức năng và nhiệm vụ chính
Ngày 11/11/2016, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức phê duyệt Điều lệ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Quyết định số 2177/QĐ – TTg, thay thế cho Quyết định số 123/2003/QĐ – TTg của Thủ tướng chính phủ Phan Văn Khải về việc phê duyệt Điều lệ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
a. Mục đích
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam là tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, người sử dụng lao động và các hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam (gọi tắt là cộng đồng doanh nghiệp) nhằm mục đích phát triển, bảo vệ và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thúc đẩy các quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học – công nghệ với nước ngoài trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi, theo quy định của pháp luật
b. Chức năng
- Đại diện để thúc đẩy và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong các quan hệ trong nước và quốc tế
- Thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp; xúc tiến và hỗ trợ các hoạt động thương mại, đầu tư, hợp tác khoa học – công nghệ và các hoạt động kinh doanh khác của cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam và nước ngoài; xúc tiến thúc đẩy xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa trong các doanh nghiệp.
c. Nhiệm vụ chính
- Tập hợp, nghiên cứu thực trạng và kiến nghị với Đảng và Nhà nước các vấn đề về pháp luật, chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa
- Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp tham gia vào quá trình xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh và quan hệ lao động dưới các hình thức khác nhau theo quy định hiện hành
- Tổ chức đào tạo để phát triển, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý, kinh doanh cho các nhân, xây dựng đội ngũ doanh nhân năng động, hiệu quả
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tư vấn thực thi chính sách, pháp luật; phổ biến, cung cấp, hỗ trợ thông tin kinh doanh, khoa học kỹ thuật cho cộng đồng doanh nghiệp
- Là đầu mối tập hợp thông tin, ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức và tham gia quá trình tham vấn với các đoàn đàm phán về kinh tế, thương mại; tham gia với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình đàm phán, ký kết, gia nhập, phê chuẩn, thực thi các điều ước quốc tế có liên quan đến kinh tế, thương mại; hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong việc hội nhập kinh tế quốc tế
- Tổ chức vận động cộng đồng doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm xã hội, xây dựng đạo đức và văn hóa kinh doanh, bảo vệ môi trường và tham gia các hoạt động xã hội khác liên quan tới hoạt động của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phù hợp với quy định của pháp luật.
- Tiến hành các hoạt động nhằm xây dựng, quảng bá thương hiệu và nâng cao uy tín hàng hóa, dịch vụ cộng đồng doanh nghiệp và môi trường kinh doanh tại Việt Nam
- Tổ chức các hoạt động hỗ trợ phát triển kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển quan hệ kinh doanh và đầu tư trong và ngoài nước thông qua các biện pháp như: kết nối và giới thiệu bạn hàng, cung cấp thông tin, hướng dẫn và tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu, khảo sát thị trường, hội thảo, hội nghị, hội chợ triển lãm, quảng cáo và các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư khác ở trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật
- Tổ chức nghiên cứu, thử nghiệm, triển khai, chuyển giao các mô hình kinh doanh mới hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, thực hiện các đề tài, nghiên cứu, điều tra....về năng lực cạnh tranh, lao động và các nội dung khác nhằm nâng cao năng lực canh tranh và phát triển doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp
3. Cơ cấu tổ chức và nhân sự
Sơ đồ tổ chức