VCCI tham dự Hội nghị lao động Quốc tế (ILC) lần thứ 111 tại Geneva, Thụy Sỹ

Đăng lúc: 14:56:12 23/06/2023 (GMT+7)

Đại diện ba bên gồm các Chính phủ, giới chủ và giới thợ từ 187 quốc gia thành viên của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã tham dự Hội nghị Lao động Quốc tế (ILC) lần thứ 111 của ILO. Đoàn đại biểu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) do Phó Chủ tịch Hoàng Quang Phòng làm trưởng đoàn tham dự Hội nghị từ ngày 13-15/6/2023.

Chương trình nghị sự của ILC lần thứ 111 tập trung thảo luận nhiều nội dung quan trọng liên quan đến thúc đẩy công bằng xã hội, chiến lược của bảo trợ xã hội, chính sách lao động tập nghề có chất lượng và chuyển dịch công bằng hướng tới các nền kinh tế và xã hội bền vững với môi trường cho tất cả mọi người.

Phiên toàn thể Hội nghị Lao động Quốc tế (ILC) lần thứ 111 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) diễn ra từ ngày 4 - 16/6/2023 tại Geneva (Thụy Sĩ). Ảnh: Văn phòng Giới sử dụng lao động.

Tham dự hội nghị, các tổ chức của Giới sử dụng lao động bày tỏ sự quan tâm và mong muốn các chính phủ và các tổ chức của người sử dụng lao động & người lao động cùng ILO thúc đẩy các nền kinh tế bền vững theo hướng đảm bảo công bằng và bao trùm cho tất cả mọi người có liên quan - người lao động, doanh nghiệp và cộng đồng - bằng cách tạo ra các cơ hội việc làm thỏa đáng và không để ai bị bỏ lại phía sau góp phần thực hiện thành công các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc và Chương trình nghị sự về Việc làm thỏa đáng.

Đoàn VCCI gặp và làm việc với Bà Rie Vejs Kjeldgaard, Giám đốc Ban Phát triển Doanh nghiệp bền vững, năng suất và chuyển đổi công bẳng của ILO. Ảnh: Văn phòng Giới sử dụng lao động.

Trong thời gian tham dự Hội nghị, Đoàn đại biểu Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã có các hoạt động tiếp xúc song phương bên lề với các tổ chức Giới chủ quốc tế, các tổ chức đối tác của ILO để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động của Tổ chức đại diện Người sử dụng lao động và thúc đẩy quan hệ hợp tác, tình đoàn kết để cùng nhau đại diện và bảo vệ tốt hơn nữa quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người sử dụng lao động ở mỗi quốc gia.

Theo Văn phòng Giới sử dụng Lao động - VCCI