Chủ tịch VCCI: Doanh nhân đang mong chờ sự hưng phấn trở lại
Trong cuộc gặp giữa Thường trực Chính phủ với đại diện giới doanh nhân Việt Nam chiều 11/10, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI đã gửi Thủ tướng báo cáo dày 300 trang tổng hợp ý kiến, đề xuất, kiến nghị của hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp.
“Giới doanh nhân đang nhìn thấy cơ hội lịch sử cho Việt Nam phát triển và mong muốn Đảng, Chính phủ quan tâm có các giải pháp mạnh, kịp thời để chấn hưng khí thế, tinh thần kinh doanh trong doanh nhân và trong xã hội”, ông Phạm Tấn Công thay mặt cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam gửi ý kiến tới Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ.
Trong đánh giá của các doanh nghiệp, bối cảnh thế giới hiện có nhiều khó khăn, biến động bất thường, nhưng chính vì vậy cũng đang tạo ra cơ hội lịch sử cho Việt Nam tranh thủ được tham gia và tạo vị thế mới trong các chuỗi giá trị quốc tế.
Sự đứt gãy và sắp xếp lại của chuỗi cung ứng quốc tế do dịch Covid-19 và do xung đột địa chính trị đang tạo ra cơ hội hiếm có để Việt Nam không chỉ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, mà còn đón nhận làn sóng các nhà đầu tư, dòng vốn và công nghệ đang tìm điểm đến mới.
Tuy nhiên, theo ông Công, để nắm bắt được cơ hội lịch sử này, tạo cú bật mới về tăng trưởng kinh tế, đây là lúc Việt Nam cần khơi dậy tinh thần kinh doanh trong giới kinh doanh, khơi dậy tinh thần năng động, dám nghĩ, dám làm, dám quyết của đội ngũ cán bộ công chức.
"Rõ ràng, hiện nay chúng ta có nhiều khó khăn, nhưng thời kỳ đầu đổi mới nước ta còn khó khăn hơn nhiều, khi đó doanh nhân vốn liếng nhỏ bé, kiến thức, kinh nghiệm thị trường không có gì, còn cán bộ cũng đầy bỡ ngỡ với kinh tế thị trường, nhưng chính sự hưng phấn cùng tinh thần kinh doanh lập nghiệp, dám nghĩ, dám làm đã giúp Việt Nam đạt mức tăng trưởng kinh tế 2 con số và thoát khỏi đói nghèo. Sức mạnh tinh thần luôn là nguồn lực vô tận, một thế mạnh truyền thống của con người Việt Nam, cả trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", Chủ tịch VCCI báo cáo.
Vì vậy, các doanh nghiệp cho rằng, nếu chúng ta giải phóng được sức mạnh tinh thần lúc này, tạo ra sự hưng phấn kinh doanh trong doanh nhân, hưng phấn dám nghĩ, dám làm trong cán bộ, chúng ta sẽ chớp được cơ hội lịch sử mà thế giới đang tạo ra cho Việt Nam và chắc chắn mục tiêu tăng trưởng kinh tế cùng khát vọng trở thành quốc gia phát triển sẽ thực hiện được.
"Nói gọn lại, các doanh nhân đang mong chờ sự hưng phấn trở lại”, ông Công nhấn mạnh.
Về phát triển doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI kiến nghị, các doanh nghiệp mong muốn và việc quan trọng đề xuất làm ngay lúc này là tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng thuận lợi, dễ dàng hơn nữa, đồng thời chấn chỉnh và phục hồi thị trường bất động sản. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách miễn, giãn thuế, phí và các nghĩa vụ tài chính khác với thời gian đủ dài để doanh nghiệp phục hồi …
Các doanh nghiệp xin cảm ơn Thủ tướng Chính phủ về việc vừa ban hành Quyết định 25 để tiếp tục giảm 30% tiền thuê đất cho năm 2023, kịp thời gỡ khó phần nào khó khăn cho các doanh nghiệp.
Về các giải pháp trung và dài hạn, các doanh nghiệp mong muốn các chính sách mang tính tái cấu trúc, hướng tới phát triển bền vững cũng cần được quan tâm hoạch định xây dựng ngay từ bây giờ, cụ thể là trong các lĩnh vực đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; có chương trình hành động cụ thể nhằm nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan FTA, giúp các doanh nghiệp Việt Nam phát huy lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh ở các thị trường mà nước họ chưa ký kết các FTA; Chính phủ đẩy mạnh cải thiện hạ tầng logistics cũng như thủ tục hành chính để giảm chi phí vận chuyển, tăng tính cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam.
Ông Công cũng tiếp tục đề xuất đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, năng lực cạnh tranh của các địa phương, với trọng tâm là cải cách về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Tập trung cải cách một số lĩnh vực thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà theo phản ánh từ các doanh nghiệp, đó là các lĩnh vực thủ tục hành chính về đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, xây dựng, quản lý thị trường, giao thông, phòng cháy, môi trường, kho bạc và lao động. Các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tập trung rà soát và tối ưu hóa quy trình thủ tục hành chính liên ngành, đặc biệt là các thủ tục liên quan tới đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường.
Theo Khánh Linh (Báo Đầu tư)