Thanh Hóa hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp từ khai thác tài nguyên bản địa

Đăng lúc: 13:38:49 04/10/2023 (GMT+7)

Cùng với thực hiện "Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025", thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều chính sách giúp nhiều mô hình phụ nữ khởi nghiệp hiệu quả.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có nhiều gương mặt doanh nghiệp nữ xuất sắc. Họ là những tấm gương khởi nghiệp tiêu biểu cho phong trào phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Thanh Hóa. Điển hình như cơ sở sản xuất siro ho và bộ sản phẩm chăm sóc sắc đẹp từ lá tía tô của chị Lê Thị Duyên, ở xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh; Nông trại Herbal fram của chị Trương Thị Sơn ở xã Đồng Lương, huyện Lang Chánh. Vườn rừng bản thổ của chị Nguyễn Lê Ngọc Linh ở xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân,... Các mô hình khởi nghiệp này đều tạo việc là cho từ 5-50 lao động nữ và đều xây dựng được từ 1-3 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Nhờ khởi nghiệp, nhiều phụ nữ đã trở thành chủ nhân của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, làm giàu cho gia đình, tạo việc làm cho lao động trên địa bàn.

Chị Trương Thị Sơn, Nông trại  Herbal fram, xã Đồng Lương, huyện Lang Chánh cho biết: "Lang Chánh là huyện miền núi, khu vực mình sinh sống bà con có kinh nghiệm hái dược liệu, mình muốn khôi phục, kết hợp y học cổ truyền, cải tiến sản phẩm, tạo thành hàng hóa, tạo công ăn việc làm cho người dân bản địa. Sản phẩm dược liệu của công ty đã hợp tác được các công ty dược phẩm lớn, ngay cả các sản phẩm gối dược liệu, thảo dược ngâm châm, tinh dầu... được khách quốc tế cũng rất ưa chuộng.

Tỉnh Thanh Hóa thực hiện "Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025", cùng với việc biểu dương, tôn vinh các ý tưởng sáng tạo, các sản phẩm khởi nghiệp, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực kinh doanh, khởi nghiệp; nâng cao kiến thức về thương mại điện tử, livetream bán hàng cho hội viên, phụ nữ; hỗ trợ gần 4.000 chị khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh, thành lập gần 700 doanh nghiệp nữ, trên 160 hợp tác xã, tổ hợp tác. Đã có 5 dự án, ý tưởng xuất sắc được nhận giải thưởng và được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hỗ trợ nguồn lực để phát triển.  

Bà Phạm Thị Thúy, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa cho biết: hàng năm, thông qua tổ chức cuộc thi ý tưởng sản phẩm khởi nghiệp, ngày phụ nữ sáng tạo, đã thu hút nhiều chị em tham gia, giúp chị em tư tin hơn khi khởi nghiêp, thành lập các cơ sở sản xuất, tạo việc làm, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Trong suốt 6 năm thực hiện Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025", Hội LHPN tỉnh Thanh Hoá đã triển khai hội thi "Ý tưởng sản phẩm khởi nghiệp"; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực kinh doanh, khởi nghiệp, thương mại điện tử cho trên 25 ngàn hội viên, phụ nữ; hỗ trợ trên 15 ngàn phụ nữ khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh, thành lập trên 800 doanh nghiệp nữ, 72 hợp tác xã, 96 tổ hợp tác. Nhờ đó, hơn 800 sản phẩm của hội viên, phụ nữ được giới thiệu trên không gian mạng; 114 ý tưởng xuất sắc được vinh danh, trong đó có 6 dự án, ý tưởng xuất sắc được Hội LHPN Việt Nam hỗ trợ nguồn lực để phát triển. 

Đây là những con số minh chứng rõ nét nhất cho sự lan tỏa tinh thần sáng tạo khởi nghiệp của hội viên, phụ nữ. Tất cả đã và đang góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh của địa phương.

Trong dịp này, trong 3 ngày vừa qua từ 29/9 đến 2/10/2023 với chuỗi hoạt động như: Diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm phát triển thị trường; Giao lưu kết nối giới thiệu mô hình hỗ trợ phát triển kinh tế hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân mua bán người, di cư an toàn; Truyền thông về phòng, chống mua bán người và di cư an toàn với chủ đề "Lắng nghe nạn nhân, dẫn lối hành động"; Diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ ứng dụng KHCN và tập huấn ứng dụng KHCN, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS; Chương trình gala "Vườn ươm doanh nhân"; Hội thi "Phụ nữ Thanh Hóa với an toàn giao thông" và truyền thông kiến thức an toàn thực phẩm.

Với chủ đề "Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa, cùng nhau vươn xa", ngày hội thu hút 60 gian hàng đại diện các cụm thi đua của Hội và các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh; giới thiệu, trưng bày hơn 500 sản phẩm mang đậm giá trị tài nguyên bản địa, văn hóa vùng miền, nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP, sản phẩm tái chế, sản phẩm đạt giải trong cuộc thi "Ý tưởng sản phẩm khởi nghiệp năm 2023", cùng khu chuyên biệt giành cho ẩm thực, trà đạo mang đậm phong vị làng quê, bản sắc văn hóa dân tộc.
Điều đặc biệt, là có gần 40 sản phẩm do phụ nữ di cư trở về sản xuất, kinh doanh được trưng bày, giới thiệu tại các gian hàng. Điều này đã thể hiện đam mê, khát vọng khởi nghiệp, tạo động lực, truyền cảm hứng mạnh mẽ để hội viên phụ nữ, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số dựa vào di sản, phát huy tài nguyên bản địa, mạnh dạn, tự tin mang khát vọng khởi nghiệp của mình vươn cao, vươn xa, lan tỏa và hòa chung vào làn sóng khởi nghiệp Quốc gia.