Bản tin pháp luật tháng 7
Đăng lúc: 00:00:00 12/08/2020 (GMT+7)
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của pháp luật, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa tổng hợp một số văn bản pháp luật mới ban hành có liên quan đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp như sau:
MỘT SỐ VĂN BẢN PHÁP LUẬT MỚI BAN HÀNH LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG CỦA DOANH NGHIỆP
(Từ 11/07/2020 đến 10/08/2020)
(Từ 11/07/2020 đến 10/08/2020)
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của pháp luật, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa tổng hợp một số văn bản pháp luật mới ban hành có liên quan đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp như sau:
1. 5 thay đổi tại Luật Doanh nghiệp 2020 so với Luật Doanh nghiệp 2014
Luật Doanh nghiệp 2020 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Theo đó, quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân; quy định về nhóm công ty. Theo đó, một số nội dung thay đổi tại Luật Doanh nghiệp 2020 so với Luật Doanh nghiệp 2014 qua bảng sau:
STT Nội dung thay đổi Luật Doanh nghiệp 2014 Luật Doanh nghiệp 2020
1 Doanh nghiệp nhà nước Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Doanh nghiệp nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại Điều 88.
2 Đối tượng không được thành lập và quản lý doanh nghiệp Theo quy định tại Khoản 2 Điều 18 thì có 06 nhóm đối tượng không được thành lập và quản lý doanh nghiệp. Quy định mới bổ sung một số đối tượng không được thành lập và quản lý doanh nghiệp như:- Công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam (trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp);- Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;- Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự (Khoản 2 Điều 17).
3 Thông báo mẫu dấu doanh nghiệp Trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Luật mới không quy định về việc thông báo mẫu con dấu của doanh nghiệp trước khi sử dụng.
4 Quyền của cổ đông phổ thông Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty có các quyền sau đây:- Đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát;- Xem xét và trích lục sổ biên bản và các nghị quyết của Hội đồng quản trị, báo cáo tài chính giữa năm và hằng năm theo mẫu của hệ thống kế toán Việt Nam và các báo cáo của Ban kiểm soát;- Yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông;- Yêu cầu Ban kiểm soát kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết. (Khoản 2 Điều 114) Theo quy định mới thì cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty có quyền sau đây:- Xem xét, tra cứu, trích lục số biên bản và nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị, báo cáo tài chính giữa năm và hằng năm, báo cáo của Ban kiểm soát, hợp đồng, giao dịch phải thông qua Hội đồng quản trị và tài liệu khác, trừ tài liệu liên quan đến bí mật thương mại, bí mật kinh doanh của công ty;- Yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông;- Yêu cầu Ban kiểm soát kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết. (Khoản 2 Điều 115)
5 Tên địa điểm kinh doanh Theo quy định hiện hành thì tên địa điểm kinh doanh bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và các ký hiệu. Theo quy định mới thì ngoài quy định về chữ viết thì bổ sung thêm tên địa điểm kinh doanh phải bao gồm tên doanh nghiệp kèm theo cụm từ “địa điểm kinh doanh” đối với địa điểm kinh doanh.
2. 08 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo Luật đầu tư 2020
Đây là nội dung tại Luật Đầu tư 2020 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 9 ngày 17/6/2020. Theo đó, cấm các hoạt động đầu tư kinh doanh sau đây:
- Kinh doanh các chất ma túy quy định tại Phụ lục I;
- Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II;
- Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III của Luật này;
- Kinh doanh mại dâm;
- Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người;
- Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;
- Kinh doanh pháo nổ;
- Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021, riêng khoản 3 Điều 75 của Luật này có hiệu lực từ 01/9/2020.
3. Bộ Y tế ban hành Thông tư 14/2020/TT-BYT ngày 10/7/2020 quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập
Theo đó, gói thầu trang thiết bị y tế có thể có một hoặc nhiều chủng loại trang thiết bị y tế và mỗi chủng loại trang thiết bị y tế có thể được phân chia theo 06 nhóm, đơn cử như:
- Nhóm 1 gồm các trang thiết bị y tế đáp ứng đồng thời các tiêu chí sau đây:
+ Được ít nhất 02 nước trong số các nước thuộc Phụ lục số I kèm theo Thông tư 14/2020 (sau đây gọi là nước tham chiếu) cấp GCN lưu hành tự do;
+ Sản xuất tại nước tham chiếu hoặc sản xuất tại Việt Nam.
- Nhóm 2:
+ Được ít nhất 02 nước tham chiếu cấp GCN lưu hành tự do;
+ Không sản xuất tại các nước tham chiếu hoặc sản xuất tại Việt Nam.
- Nhóm 3:
+ Được ít nhất 01 nước tham chiếu cấp GCN lưu hành tự do;
+ Sản xuất tại nước tham chiếu hoặc sản xuất tại Việt Nam.
- Nhóm 4:
+ Được ít nhất 01 nước tham chiếu cấp GCN lưu hành tự do;
+ Không sản xuất tại các nước tham chiếu hoặc sản xuất tại Việt Nam.
Thông tư 14/2020/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/9/2020.
4. Nghị quyết 116/2020/QH14 của Quốc hội về việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác.
Theo đó, Quốc hội quyết nghị việc giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng. Nghị quyết này áp dụng đối với người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp là tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, bao gồm:
- Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam;
- Tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã;
- Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam;
- Tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập.
Điều kiện giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020
Cụ thể, giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng. Doanh nghiệp tự xác định số thuế được giảm khi tạm nộp thuế TNDN theo quý và quyết toán thuế năm 2020.
Nghị quyết 116/2020/QH14 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03/8/2020 và áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2020.
5. Nghị quyết 108/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định 68/2019/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Trong đó, việc chuyển tiếp áp dụng định mức xây dựng cho các công việc chuyên ngành, đặc thù chưa ban hành (ngoài hệ thống định mức Bộ Xây dựng đã ban hành) thực hiện theo một trong hai phương án sau:
- Người quyết định đầu tư, Chủ đầu tư và các chủ thể liên quan được tham khảo, vận dụng, áp dụng cơ sở dữ liệu hiện có về hệ thống định mức đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố trước ngày 01/10/2019.
- Tham khảo, vận dụng, sử dụng định mức của các công trình, dự án tương tự đã thực hiện làm cơ sở xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Việc tham khảo, vận dụng, áp dụng định mức phải bảo đảm không cao hơn định mức được tham khảo, vận dụng, áp dụng.
6. Mức thu phí xử lý vụ việc cạnh tranh
Thông tư 58/2020/TT-BTC quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí xử lý vụ việc cạnh tranh có hiệu lực từ ngày 27/7/2020.
Theo đó, mức thu phí xử lý vụ việc cạnh tranh được quy định như sau:
- Mức phí áp dụng đến hết 31/12/2020:
+ Phí giải quyết yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: 5.000.000 đồng/vụ việc.
+ Phí thẩm định hồ sơ hưởng miễn trừ trong giải quyết vụ việc cạnh tranh: 25.000.000 đồng/hồ sơ.
- Mức thu phí áp dụng kể từ ngày 01/01/2021:
+ Phí giải quyết yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: 10.000.000 đồng/vụ việc.
+ Phí thẩm định hồ sơ hưởng miễn trừ trong giải quyết vụ việc cạnh tranh: 50.000.000 đồng/hồ sơ.
7. Cơ chế tạm quản hàng hóa theo Công ước Istanbul
Nghị định 64/2020/NĐ-CP hướng dẫn việc thực hiện cơ chế tạm quản theo Công ước Istanbul có hiệu lực từ ngày 30/7/2020. Theo đó, tạm quản hàng hóa là chế độ quản lý đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập vào quốc gia hoặc vùng lãnh thổ là thành viên của Công ước ATA (1961), Công ước Istanbul. Một số nội dung đáng lưu ý về cơ chế tạm quản hàng hóa theo Công ước Istanbul như sau:
- Thời hạn tạm nhập tái xuất hàng hóa tạm quản là 12 tháng kể từ ngày hàng hóa hoàn thành thủ tục tạm nhập, tạm xuất và trong thời hạn sử dụng của sổ ATA (bao gồm cả thời hạn sử dụng của sổ ATA thay thế).
- Nếu hàng hóa không thể tái xuất trước khi hết thời hạn nêu trên, người khai hải quan thực hiện cấp sổ ATA thay thế để gia hạn thời hạn tạm xuất, tái nhập. Sổ tạm quản (sổ ATA) là chứng từ để thực hiện tạm quản hàng hóa, được chấp nhận thay thế tờ khai hải quan để làm thủ tục hải quan và đảm bảo thanh toán tiền thuế nhập khẩu, các khoản thuế khác, tiền chậm nộp, tiền phạt và phí, lệ phí (nếu có) đối với hàng hóa tạm quản.
8. Từ 2021, cơ sở phân phối nguyên liệu làm thuốc phải thực hiện quản lý hoạt động phân phối bằng phần mềm vi tính
Ngày 10/6/2020, Bộ Y tế ban hành Thông tư 9/2020/TT-BYT sửa đổi Thông tư 03/2018/TT-BYT quy định về thực hành tốt phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Theo đó, bổ sung quy định quy định về đánh giá thực hành tốt nguyên liệu làm thuộc như sau:
- Đến ngày 01/01/2021, cơ sở phân phối nguyên liệu làm thuốc phải có thiết bị, máy tính kết nối internet và thực hiện quản lý hoạt động phân phối bằng phần mềm vi tính, thực hiện kết nối mạng, bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả, nguồn gốc mua vào, bán ra.
- Có cơ chế chuyển thông tin về việc mua bán nguyên liệu làm thuốc, chất lượng nguyên liệu làm thuốc giữa nhà cung cấp với khách hàng cũng như việc chuyển giao thông tin cho cơ quan quản lý liên quan khi được yêu cầu.
Thông tư 9/2020/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 25/07/2020.
9. Thông tư 02/2020/TT-BXD ngày 20/7/2020 sửa đổi, bổ sung 04 Thông tư có liên quan đến quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Theo đó, những Thông tư về quản lý chi phí đầu tư xây dựng được sửa đổi, bổ sung gồm:
(1) Sửa đổi, bổ sung Thông tư 09/2019/TT-BXD ngày 26/12/2019, đơn cử như: Bổ sung nội dung “Tổng mức đầu tư xây dựng điều chỉnh gồm tổng mức đầu tư xây dựng đã được phê duyệt và phần giá trịnh điều chỉnh (tăng hoặc giảm)” vào Khoản 2 Điều 7 về việc điều chỉnh sơ bộ tổng mức đầu tư và tổng mức đầu tư xây dựng.
(2) Sửa đổi, bổ sung Thông tư 10/2019/TT-BXD ngày 26/12/2019, đơn cử như:Sửa đổi, bổ sung một số định mức xây dựng tại Phục lục II ban hành kèm theo Thông tư 10/2019.
(3) Sửa đổi, bổ sung Thông tư 11/2019/TT-BXD ngày 26/12/2019, đơn cử như:Sửa đổi Khoản 2 Điều 4 về nội dung giá ca máy: “Các chi phí không bao gồm trong giá ca máy được lập dự toán riêng theo biện pháp thi công và tính vào chi phí gián tiếp của dự toán công trình”.
(4) Sửa đổi, bổ sung Thông tư 15/2019/TT-BXD ngày 26/12/2019 về đơn giá nhân công xây dựng.
Xem chi tiết toàn bộ nội dung sửa đổi tại Thông tư 02/2020/TT-BXD (có hiệu lực từ ngày 05/9/2020).
10. Nghị định 81/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Theo đó, hồ sơ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp theo quy định bao gồm:
- Phương án phát hành trái phiếu theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định 163;
- Bản công bố thông tin về đợt phát hành trái phiếu theo Phụ lục I của Nghị định 163;
- Hợp đồng ký kết giữa doanh nghiệp phát hành với các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan đến đợt phát hành trái phiếu;
- Báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán;
- Kết quả xếp hạng tín nhiệm của tổ chức xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu và loại trái phiếu phát hành (nếu có);
- Hợp đồng mua trái phiếu trong đó bao gồm cam kết của nhà đầu tư về việc đã tiếp cận đầy đủ nội dung công bố thông tin trước khi phát hành và hiểu rõ các rủi ro khi mua trái phiếu. Như vậy, quy định mới đã bổ sung thêm “hợp đồng mua trái phiếu” vào thành phần hồ sơ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp so với quy định tại Nghị định 163.
Nghị định 81/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2020.
11. Công văn 2835/TCT-TTKT về hướng dẫn tổ chức thực hiện Nghị định 68/2020/NĐ-CP do Tổng cục Thuế ban hành.
Theo đó, việc thực hiện bù trừ số thuế TNDN đã nộp trong các năm 2017 và 2018 đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết theo quy định tại Nghị định 68 như sau:
Khi áp dụng tính toán lại số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp theo mức trần chi phí phí lãi vay mới tại Nghị định 68/2020, nếu số thuế TNDN giảm thì người nộp thuế sẽ được giảm số tiền chậm nộp tương ứng (nếu có), cụ thể:
*Đối với trường hợp chưa qua thanh tra, kiểm tra:
- Người nộp thuế thực hiện bù trừ phần chênh lệch số tiền thuế TNDN và tiền chậm nộp tương ứng vào số thuế TNDN năm 2020.
- Nếu năm 2020 không đủ bù trừ hết thì được bù trừ vào thuế TNDN phải nộp 05 năm tiếp theo kể từ năm 2020.
- Kết thúc thời hạn trên, không xử lý số thuế TNDN còn lại chưa bù trừ hết.
*Đối với trường hợp đã thanh tra, kiểm tra và đã có kết luận, quyết định xử lý:
- Người nộp thuế đề nghị Cục thuế, Chi Cục thuế quản lý trực tiếp xác định lại số thuế TNDN phải nộp.
- Sau khi có kết quả cuối cùng thực hiện bù trừ như trường hợp chưa qua thanh tra, kiểm tra nêu trên.Xem thêm chi tiết tại Công văn 2835/TCT-TTKT ngày 14/7/2020.
12. Quy định mới khi chọn Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp
Chính phủ ban hành Nghị định 66/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp có hiệu lực từ ngày 01/8/2020. Theo đó, ngoài khuyến khích, ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp, hợp tác xã làm chủ đầu tư (CĐT) xây dựng hạ tầng kỹ thuật (HTKT) các cụm công nghiệp khi có hồ sơ đáp ứng theo quy định, Nghị định 66 còn bổ sung thêm:
- Trong quá trình thẩm định thành lập, mở rộng cụm công nghiệp, Sở Công Thương báo cáo UBND cấp tỉnh thành lập Hội đồng đánh giá lựa chọn CĐT để chấm điểm (thang điểm 100) cho các tiêu chí:
+ Phương án đầu tư xây dựng HTKT (tối đa 15 điểm);
+ Phương án quản lý, bảo vệ môi trường cụm công nghiệp (tối đa 15 điểm);
+ Năng lực, kinh nghiệm của doanh nghiệp, hợp tác xã (tối đa 30 điểm) và phương án tài chính đầu tư xây dựng HTKT (tối đa 40 điểm).
- Nếu có số điểm từ 50 trở lên thì được UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định giao làm CĐT xây dựng HTKT.
- Trường hợp dự án xây dựng HTKT cụm cụm công nghiệp theo hình thức đối tác công tư thì lựa chọn CĐT theo quy định của pháp luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
13. Diện tích tối thiểu để công nhận kho ngoại quan
Nghị định 67/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 68/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan có hiệu lực từ ngày 10/8/2020. Theo đó, quy định mới về điều kiện diện tích công nhận kho ngoại quan (KNQ) như:
- Nằm trong khu vực cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng cạn, cảng hàng không quốc tế,...phải có diện tích kho chứa hàng tối thiểu 1.000 m2;
- KNQ chuyên dùng có diện tích kho chứa hàng tối thiểu 1.000 m2 hoặc thể tích kho chứa hàng tối thiểu 1.000 m3;
- Nằm trong khu công nghiệp phải có diện tích khu đất tối thiểu 4.000 m2 (bao gồm kho, bãi và các công trình phụ trợ), trong đó kho chứa hàng phải có diện tích tối thiểu 1.000 m2;…
Ngoài ra, quy định mới còn yêu cầu dữ liệu về hình ảnh của hệ thống camera trong KNQ phải được lưu giữ tối thiểu 06 tháng (hiện hành tối thiểu là 12 tháng).
14. Ban hành danh mục sản phẩm công nghiệp an ninh
Theo Nghị định 63/2020/NĐ-CP về công nghiệp an ninh có hiệu lực từ ngày 01/8/2020, danh mục sản phẩm công nghiệp an ninh gồm 02 loại: chuyên dụng và lưỡng dụng, trong đó:
- Sản phẩm chuyên dụng: có tính năng đặc thù phục vụ công tác bí mật nghiệp vụ, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội,…của lực lượng Công an và lực lượng thực thi pháp luật khác như:
+ Vũ khí, vật liệu nổ phục vụ quốc phòng, an ninh;
+ Phương tiện cơ động đặc chủng, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ chuyên dùng phục vụ an ninh;
+ Thiết bị quang học, laser phục vụ an ninh;
- Sản phẩm lưỡng dụng: phục vụ công tác của lực lượng Công an, lực lượng thực thi pháp luật khác và nhu cầu hợp pháp của xã hội như:
+ Tài liệu nghiệp vụ, hồ sơ, sách báo chính trị, tạp chí chuyên ngành…;
+ Phương tiện, thiết bị, sản phẩm PCCC, cứu nạn, cứu hộ;…
15. Thay đổi màu nền biển số xe hoạt động kinh doanh vận tải
Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 58/2020/TT-BCA về quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có hiệu lực từ ngày 01/8/2020. Theo đó, xe hoạt động kinh doanh vận tải của tổ chức, cá nhân trong nước sẽ có sự thay đổi sau:
- Biển số nền màu vàng, chữ và số màu đen sêri biển số sử dụng lần lượt một trong 20 chữ cái sau: A, B, C, D, E, F, G, H, K, L, M, N, P, S, T, U, V, X, Y, Z (hiện tại biển số nền màu trắng);
- Nếu đang hoạt động kinh doanh vận tải trước ngày 01/8/2020 thì phải thực hiện đổi sang biển số nền màu vàng trước ngày 31/12/2021.
16. Điều kiện làm việc trên tàu biển Việt Nam của thuyền viên nước ngoài
Theo Thông tư 43/2019/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 17/2017/TT-BGTVT về điều kiện để thuyền viên nước ngoài làm việc trên tàu biển Việt Nam (có hiệu lực từ ngày 01/8/2020), một số điều kiện được sửa đổi như sau:
- Đối với trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động (GPLĐ) thì phải có văn bản xác nhận do Cục Việc làm Bộ LĐ-TB&XH, các Sở LĐ-TB&XH cấp (hiện hành không quy định);
- Hợp đồng lao động thuyền viên phải phù hợp với GPLĐ hoặc văn bản xác nhận không thuộc diện cấp GPLĐ;
- Hộ chiếu còn thời hạn ít nhất 6 tháng do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia mà thuyền viên đó mang quốc tịch cấp (hiện tại không quy định thời hạn này);
- Yêu cầu về kinh nghiệm của thuyền viên: đã có thời gian đi biển tối thiểu 36 tháng;
- Chứng chỉ chuyên môn do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia mà Việt Nam ký thỏa thuận công nhận chứng chỉ chuyên môn theo Công ước STCW thì mới phải có Giấy công nhận Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn.
17. Từ 31/12/2021, chủ xe phải tự trả chi phí gắn thẻ đầu cuối lần đầu
Quyết định 19/2020/QĐ-TTg về thu phí sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng chính thức có hiệu lực từ ngày 01/8/2020. Theo đó, phương tiện giao thông đường bộ thuộc đối tượng chịu phí dịch vụ sử dụng đường bộ và các phương tiện được miễn phí sử dụng dịch vụ đường bộ phải được gắn thẻ đầu cuối. Chủ phương tiện không phải trả chi phí gắn thẻ đầu cuối cho lần lắp đặt đầu tiên trước ngày 31/12/2021; từ ngày 31/12/2021 trở đi thì phải trả chi phí gắn thẻ đầu cuối cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí. Ngoài ra, Quyết định 19 còn quy định về tiến độ thực hiện việc thu phí điện tử không dừng đối với các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ.
VCCI Thanh Hóa tổng hợp