Bản tin pháp luật tháng 11
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của pháp luật, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa tổng hợp một số văn bản pháp luật mới ban hành có liên quan đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp như sau:
MỘT SỐ VĂN BẢN PHÁP LUẬT MỚI BAN HÀNH LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG CỦA DOANH NGHIỆP (Từ 11/11/2020 đến 10/12/2020)
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của pháp luật, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa tổng hợp một số văn bản pháp luật mới ban hành có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như sau:
1. Thông tư 08/2020/TT-BKHĐT hướng dẫn việc tiếp nhận tài trợ, đóng góp, nhận ủy thác của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo đó, hình thức tiếp nhận tài trợ, đóng góp, nhận ủy thác của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định như sau:
- Tài trợ, đóng góp bằng tiền: Nhà tài trợ, bên đóng góp thực hiện chuyển tiền tài trợ, đóng góp bằng đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ cho Quỹ thông qua tài khoản của Quỹ mở tại ngân hàng thương mại;
- Đối với tài trợ, đóng góp bằng hiện vật:
+ Nhà tài trợ, bên đóng góp chuyển giao cho Quỹ các hiện vật như máy móc, trang thiết bị, phương tiện giao thông, đất đai, công trình xây dựng và các hiện vật khác có giá trị sử dụng;
+ Giá trị của hiện vật tài trợ, đóng góp cho Quỹ phải được quy đổi ra tiền là đồng Việt Nam, được thể hiện tại văn kiện, hồ sơ nhận tài trợ đóng góp;
- Đối với hiện vật có nguyên giá trên thị trường từ 500 triệu đồng trở lên, Quỹ phải thuê tổ chức thẩm định giá tài sản; thời điểm định giá không quá 06 tháng tính đến thời điểm lập hồ sơ phê duyệt tài trợ, đóng góp;
- Đối với khoản đóng góp phải hoàn trả: Quỹ thực hiện hoàn trả theo thỏa thuận đã ký kết giữa các bên;
- Đối với bên ủy thác: Bên ủy thác sẽ chuyển khoản tiền ủy thác bằng đồng Việt Nam hoặc đô-la Mỹ cho Quỹ thông qua tài khoản của Quỹ mở tại ngân hàng thương mại.
Thông tư 08/2020/TT-BKHĐT có hiệu lực kể từ ngày 15/01/2021.
2. Quy định về số lượng Phó Giám đốc sở Nghị định 107/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 24/2014/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh có hiệu lực từ ngày 25/11/2020.
Theo đó, quy định số lượng Phó Giám đốc Sở như sau:
- Bình quân mỗi sở có 03 Phó Giám đốc.
- Căn cứ số lượng sở được thành lập và tổng số lượng Phó Giám đốc, UBND cấp tỉnh quyết định cụ thể số lượng Phó Giám đốc của từng sở cho phù hợp.
- Riêng Hà Nội, TP.HCM, ngoài tổng số lượng Phó Giám đốc theo quy định tính bình quân chung thì mỗi thành phố được tăng thêm không quá 10 Phó Giám đốc.
(Hiện hành, theo Nghị định 24/2014/NĐ-CP, số lượng Phó Giám đốc sở không quá 03 người; riêng số lượng Phó Giám đốc các sở thuộc UBND thành phố Hà Nội và UBND TP.HCM không quá 04 người)
3. Bình quân 02 Phó phòng chuyên môn/mỗi phòng thuộc UBND cấp huyện Nghị định 108/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 37/2014/NĐ-CP quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện có hiệu lực từ ngày 25/11/2020.
Theo đó, bình quân mỗi phòng có 02 Phó Trưởng phòng. Căn cứ số lượng phòng chuyên môn được thành lập và tổng số lượng Phó Trưởng phòng, UBND cấp huyện quyết định cụ thể số lượng Phó Trưởng phòng của từng phòng chuyên môn cho phù hợp. (Hiện hành, Nghị định 37/2014/NĐ-CP quy định số lượng Phó Trưởng phòng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện không quá 03 người). Cũng theo Nghị định 108/2020, các địa phương đã thực hiện thí điểm hợp nhất, sáp nhập các cơ quan chuyên môn theo Kết luận 34-KL/TW ngày 07/8/2018 tổng kết việc thực hiện thí điểm theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
4. 11 tiêu chuẩn đánh giá chất lượng đào tạo đại học từ xa
Đây là nội dung tại Thông tư 39/2020/TT-BGDĐT về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo từ xa trình độ đại học (có hiệu lực từ ngày 25/11/2020). Theo đó, 11 tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo từ xa trình độ đại học gồm:
- Tiêu chuẩn 1: Mục tiêu và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo.
- Tiêu chuẩn 2: Bản mô tả, cấu trúc, nội dung chương trình đào tạo.
- Tiêu chuẩn 3: Hoạt động dạy và học.
- Tiêu chuẩn 4: Hoạt động kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học.
- Tiêu chuẩn 5: Đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, trợ giảng.
- Tiêu chuẩn 6: Đội ngũ nhân viên.
- Tiêu chuẩn 7: Người học và hoạt động hỗ trợ người học.
- Tiêu chuẩn 8: Cơ sở hạ tầng công nghệ, trang thiết bị và học liệu.
- Tiêu chuẩn 9: Quản lý triển khai chương trình đào tạo.
- Tiêu chuẩn 10: Bảo đảm và nâng cao chất lượng chương trình đào tạo.
- Tiêu chuẩn 11: Kết quả đầu ra.
5. Ngày 11/11/2020, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 89/2020/TT-BTC sửa đổi, bãi bỏ một số Thông tư về kinh doanh bảo hiểm.
Cụ thể, Thông tư 89/2020 sửa đổi, bổ sung 04 Thông tư, bao gồm:
- Thông tư 50/2017/TT-BTC ngày 15/5/2017 hướng dẫn Nghị định 73/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi;
- Thông tư 105/2016/TT-BTC ngày 29/6/2016 hướng dẫn hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước ngoài của tổ chức kinh doanh chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán và doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm;
- Thông tư 195/2014/TT-BTC ngày 17/12/2014 hướng dẫn đánh giá, xếp loại doanh nghiệp bảo hiểm;
- Thông tư 115/2014/TT-BTC ngày 20/8/2014 hướng dẫn thực hiện chính sách bảo hiểm quy định tại Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản.Bên cạnh đó,
Thông tư 89/2020 còn bãi bỏ 02 Thông tư sau đây:
- Thông tư 116/2014/TT-BTC ngày 20/8/2014 hướng dẫn một số vấn đề về tài chính đối với các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện bảo hiểm theo quy định tại Nghị định 67/2014;
- Thông tư 43/2016/TT-BTC ngày 03/3/2016 sửa đổi Điều 5 Thông tư 116/2014.(02 Thông tư nêu trên bị bãi bỏ kể từ ngày 01/01/2021).
Thông tư 89/2020/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 26/12/2020.
6. Những chính sách mới về BHXH bắt buộc, bảo hiểm y tế tác động lớn đến mọi người từ năm 2021:
Tăng tuổi nghỉ hưu: Kể từ ngày 01/01/2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ sẽ được quy định như sau:
Đối với điều kiện lao động bình thường, kể từ năm 2021 tuổi nghỉ hưu của lao động nam là đủ 60 tuổi 3 tháng và của lao động nữ là đủ 55 tuổi 4 tháng (hiện hành tuổi nghỉ hưu của lao động nam là đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi); Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ; đến năm 2028, lao động nam nghỉ hưu khi đủ 62 tuổi và đến năm 2035, lao động nữ nghỉ hưu khi đủ 60 tuổi.
Thay đổi trong quy định tỷ lệ hưởng lương hưu
- Đối với nam:
+ Trường hợp bắt đầu nghỉ hưu trong năm 2021: Đóng đủ 19 năm BHXH thì được 45% (hiện hành nghỉ hưu năm 2020, đóng đủ 18 năm BHXH thì được 45%);
+ Trường hợp bắt đầu nghỉ hưu từ 01/01/2022, đóng đủ 20 năm BHXH thì được 45%.Sau đó cứ thêm mỗi năm, NLĐ được tính thêm 2%; Tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng tối đa bằng 75%.
- Đối với nữ: Đóng đủ 15 năm BHXH thì được 45%; sau đó, cứ cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, được tính thêm 2%; tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng tối đa bằng 75%.
Thay đổi về mức hưởng BHYT khi đi khám chữa bệnh
Từ ngày 01/01/2021, trường hợp người có thẻ BHYT tự đi KCB không đúng tuyến được quỹ BHYT thanh toán theo mức hưởng quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật BHYT (mức hưởng khi đi khám đúng tuyến) theo tỷ lệ sau đây:
- Tại bệnh viện tuyến trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú;
- Tại bệnh viện tuyến tỉnh là 100% chi phí điều trị nội trú từ ngày 01/01/2021 trong phạm vi cả nước (Hiện nay chỉ được thanh toán 60% chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng của thẻ BHYT).
- Tại bệnh viện tuyến huyện là 100% chi phí KCB.
7. 06 trường hợp Giấy phép kinh doanh cảng hàng không bị hủy bỏ hiệu lực
Ngày 18/11/2020, Bộ GTVT ban hành Thông tư 30/2020/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 17/2016/TT-BGTVT ngày 30/6/2016 quy định chi tiết về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay. Theo đó, Giấy phép kinh doanh cảng hàng không (Giấy phép) cấp cho cá nhân, tổ chức sẽ bị hủy bỏ hiệu lực trong 06 trường hợp sau:
- Cung cấp thông tin không trung thực trong quá trình đề nghị cấp Giấy phép;
- Không duy trì mức vốn tối thiểu liên tục trong quá trình hoạt động;
- Vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về an ninh, quốc phòng;
- Chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật hoặc theo đề nghị của doanh nghiệp;
- Vi phạm nghiêm trọng các quy định về bảo đảm an ninh hàng không, an toàn hàng không, điều kiện kinh doanh, giá dịch vụ, phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường;
- Không bắt đầu khai thác cảng hàng không trong thời gian 12 tháng, kể từ ngày được cấp Giấy phép.
Thông tư 30/2020/TT-BGTVT có hiệu lực thi hành từ ngày 15/01/2021.
8. Phạm vi giám định tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng
Thông tư 14/2020/TT-NHNN ban hành ngày 16/11/2020 quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Theo đó, quy định phạm vi giám định tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng gồm:
- Tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành;
- Hoạt động ngoại hối và hoạt động kinh doanh vàng;
- Hoạt động ngân hàng, bao gồm: cấp tín dụng, nhận tiền gửi và cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản;
- Bảo hiểm tiền gửi;
- Các hoạt động khác liên quan đến tiền tệ và ngân hàng thuộc chức năng quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Thông tư 14/2020/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 01/01/2021
9. Thí điểm liên thông thủ tục công chứng là nội dung nổi bật tại Nghị quyết 172/NQ-CP về chính sách phát triển nghề công chứng.
Theo đó, một số nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ đặt ra nhằm phát triển nghề công chứng đó là:
- Thực hiện thí điểm liên thông khi có yêu cầu của cá nhân, tổ chức đối với thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; thuế nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí trong việc thực hiện thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức. Đồng thời giúp phát hiện, ngăn chặn các giao dịch giả tạo, hợp pháp hóa các giao dịch bất hợp pháp, tránh thất thoát nguồn thu cho ngân sách nhà nước
- Chú trọng xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo, tập huấn cho công chứng viên khai thác sử dụng hệ thống thông tin, làm việc trên môi trường mạng và thực hiện việc cập nhật, kết nối, chia sẻ các dữ liệu có liên quan đến hoạt động công chứng.
- Tăng cường hợp tác quốc tế, học tập kinh nghiệm của các quốc gia khác về mô hình kết nối, chia sẻ dữ liệu thông tin về công chứng, công chứng số...
10. Kể từ ngày 01/01/2021, nhiều chính sách mới liên quan đến tiền lương của người lao động (NLĐ) sẽ có hiệu lực:
(1) Về mức lương tối thiểu
- Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ.
- Không còn khái niệm "Mức lương tối thiểu ngành".
- Thêm nhiều căn cứ điều chỉnh mức lương tối thiểu.
(2) Về việc ủy quyền nhận lương của NLĐ.
NLĐ được ủy quyền cho người khác nhận lương trong trường hợp NLĐ không thể nhận lương trực tiếp. Tuy nhiên, người được ủy quyền có nhận được tiền lương của NLĐ hay không sẽ phụ thuộc vào 02 yếu tố:
- Việc ủy quyền phải hợp pháp;
- Người sử dụng lao động đồng ý, bởi Luật quy định người sử dụng lao động có thể trả cho người được ủy quyền chứ không bắt buộc.
(3) Về nguyên tắc trả lương cho NLĐ
Người sử dụng lao động không được:
- Hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của NLĐ;
- Ép buộc NLĐ chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.
NLĐ được nhận bảng kê trả lương mỗi lần nhận lương, trong đó ghi rõ tiền lương, tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc vào ban đêm, nội dung và số tiền bị khấu trừ (nếu có).
NLĐ được đền bù một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho NLĐ công bố tại thời điểm trả lương nếu bị trả lương chậm từ 15 ngày trở lên. (Hiện hành, số tiền đền bù sẽ được tính theo lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương; nếu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không quy định trần lãi suất thì được tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng của ngân hàng thương mại, nơi doanh nghiệp, cơ quan mở tài khoản giao dịch thông báo tại thời điểm trả lương).
NLĐ không phải trả phí mở tài khoản nếu trả lương qua ngân hàng (hiện hành là hai bên thỏa thuận).
(4) Về quyền của NLĐ khi không được trả lương đúng hạn
NLĐ có thể nghỉ việc ngay không cần báo trước nếu không được trả lương đúng hạn.
Cụ thể, theo Điểm b Khoản 2 Điều 35 BLLĐ 2019, thì NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước cho NSDLĐ nếu không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 97 BLLĐ 2019 (hiện hành phải báo trước 3 ngày).
(5) Về các trường hợp NLĐ được nghỉ việc riêng và hưởng nguyên lương
Theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019, NLĐ được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong những trường hợp sau đây:
- Kết hôn: nghỉ 03 ngày;
- Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;
- Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.
Như vậy, so với quy định hiện hành, từ năm 2021, trường hợp cha nuôi, mẹ nuôi; cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng chết thì NLĐ được nghỉ 03 ngày và hưởng nguyên lương. Đồng thời, quy định rõ hơn trường hợp "con đẻ", "con nuôi" kết hôn thì được nghỉ 01 ngày (hiện hành, quy định "con" kết hôn thì nghỉ 01 ngày); "con đẻ", "con nuôi" chết thì được nghỉ 03 ngày (hiện hành quy định "con" chết thì nghỉ 03 ngày).
11. Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn 9854/VPCP-KSTT về việc tích hợp, cung cấp dịch vụ cung cấp thông tin quy hoạch và cấp giấy phép xây dựng (GPXD).
Theo đó, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với dịch vụ Cấp GPXD đối với nhà ở riêng lẻ trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, cụ thể như sau:
- Phương thức kết nối, tích hợp:
+ Đối với địa phương chưa triển khai thực hiện dịch vụ công này trực tuyến ở mức độ 4 sẽ tổ chức triển khai theo hệ thống tập trung của Bộ Xây dựng đã được tích hợp với Cổng Dịch vụ công Quốc gia
+ Đối với địa phương đã triển khai thực hiện dịch vụ công này trực tuyến ở mức độ 4 sẽ hoàn thiện, chuẩn hóa, tích hợp với Cổng Dịch vụ công Quốc gia để tổ chức triển khai đồng bộ, thống nhất.
- Về thời gian thực hiện:
+ Đối với các tỉnh, thành phố: Hà Nội (Sở Xây dựng và các Quận), Quảng Ngãi, An Giang, Tiền Giang, Hậu Giang: hoàn thành việc tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia trước ngày 10/12/2020.
+ Đối với các tỉnh, thành phố còn lại (bao gồm cả các huyện còn lại của Thành phố Hà Nội): hoàn thành việc tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia trước 31/12/2020.
12. Ô tô từ 09 chỗ trở xuống không phải bố trí phương tiện chữa cháy
Ngày 24/11/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 136/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật phòng cháy và chữa cháy (PCCC) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC. Theo đó, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ 04 chỗ ngồi trở lên phải bảo đảm điều kiện hoạt động đã được kiểm định; vật tư, hàng hóa bố trí, sắp xếp trên phương tiện phải bảo đảm an toàn PCCC. Riêng đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trên 09 chỗ ngồi phải bảo đảm:
- Có phương tiện chữa cháy phù hợp với tính chất, đặc điểm hoạt động bảo đảm số lượng, chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an;
- Có nội quy, biển cấm, biển báo, biển chỉ dẫn phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an;
- Hệ thống điện, nhiên liệu, vật tư, hàng hóa bố trí, sắp xếp trên phương tiện phải bảo đảm an toàn PCCC;
- Có quy định, phân công nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và tổ chức sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ.
Như vậy, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ từ 09 chỗ ngồi trở xuống không phải bố trí phương tiện chữa cháy.
Nghị định 136/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/01/2021.
13. Danh mục bí mật nhà nước độ Tối mật lĩnh vực tài chính, ngân sách
Nội dung này được đề cập tại Quyết định 1923/QĐ-TTg về Danh mục bí mật nhà nước thuộc lĩnh vực tài chính, ngân sách.Theo đó, bí mật nhà nước độ Tối mật thuộc lĩnh vực tài chính, ngân sách gồm:
- Tờ trình, báo cáo, phương án, thuyết minh, số liệu về chính sách tài chính - ngân sách nhà nước chi tiết trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ trong trường hợp có chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
- Kế hoạch dự trữ quốc gia do Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quản lý;
- Kế hoạch tài chính 03 năm, dự toán, quyết toán chi ngân sách nhà nước cho dự trữ quốc gia do Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quản lý.
- Số liệu tuyệt đối về số lượng và giá trị hàng dự trữ quốc gia do Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quản lý
14. Cách tính đơn vị cồn trong rượu, bia
Nội dung này được nêu tại Quyết định 4946/QĐ-BYT ban hành tài liệu "Hướng dẫn sàng lọc và can thiệp giảm tác hại cho người có nguy cơ sức khỏe do uống rượu, bia tại cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu và tại cộng đồng.Theo đó, cách tính đơn vị cồn trong rượu, bia như sau:
Đơn vị cồn = Dung tích (ml) x Nồng độ (%) x 0,79 (hệ số quy đổi)
Quyết định 4946/QĐ-BYT có hiệu lực từ ngày 26/11/2020.
15. Thủ tướng ban hành Quyết định 34/2020/QĐ-TTg ngày 26/11/2020 về Danh mục nghề nghiệp Việt Nam.
Theo đó, lãnh đạo, quản lý là tên gọi chung về nghề nghiệp của những người có chức vụ; có quyền quản lý, chỉ huy, điều hành từ trung ương đến cơ sở.
- Lãnh đạo, quản lý được phân theo các lĩnh vực: Đảng Cộng sản Việt Nam; Quốc hội và Văn phòng Chủ tịch nước; các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp từ trung ương đến cơ sở, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghiệp chủ, nhân đạo và vì quyền lợi đặc thù khác, các cơ quan tập đoàn, tổng công ty và tương đương.
- Do nghề lãnh đạo, quản lý có đặc thù riêng, nên thông lệ quốc tế và danh mục nghề nghiệp ở nước ta không phân nghề lãnh đạo, quản lý theo trình độ.
- Nghề lãnh đạo, quản lý được phân theo lĩnh vực hoạt động, trong mỗi lĩnh vực đều phân theo cấp quản lý. Quản lý ở các lĩnh vực sản xuất ra sản phẩm vật chất và dịch vụ thì căn cứ vào mức độ phức tạp của sự phối hợp công tác và tính chất chuyên môn hóa để phân loại tới cấp 4.
Quyết định 34/2020/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 15/01/2021.
16. Thông tư 09/2020/TT-BKHĐT quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hoá đối với gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ban hành ngày 27/11/2020.
Theo đó, quy định về hợp đồng áp dụng cho gói thầu mua sắm hàng hoá theo Hiệp định CPTPP như sau:
- Loại hợp đồng áp dụng chủ yếu cho gói thầu mua sắm hàng hóa là hợp đồng trọn gói.
- Trường hợp hàng hóa có tính đặc thù, phức tạp, quy mô lớn, thời gian thực hiện hợp đồng trên 18 tháng thì có thể áp dụng loại hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh:
+ Khi áp dụng loại hợp đồng này thì hồ sơ mời thầu phải quy định rõ công thức điều chỉnh giá.
+ Trong quá trình thực hiện hợp đồng, trường hợp có thay đổi về đơn giá và cần phải điều chỉnh giá hợp đồng thì nhà thầu phải chứng minh được các yếu tố dẫn đến sự thay đổi về đơn giá đó.
- Hồ sơ mời thầu phải bao gồm Mẫu hợp đồng và quy định chi tiết các điều, khoản của hợp đồng để nhà thầu làm cơ sở chào thầu và để các bên làm cơ sở thương thảo, hoàn thiện, ký kết hợp đồng.
- Việc chấm dứt hợp đồng tùy ý nêu tại Mục 29.3 Điều kiện chung của hợp đồng trong Mẫu hồ sơ mời thầu ban hành kèm theo Thông tư 09/2020/TT-BKHĐT chỉ được thực hiện khi được người có thẩm quyền cho phép với lý do hợp lý.
Thông tư 09/2020/TT-BKHĐT có hiệu lực từ ngày 15/01/2021.
17. Các hình thức người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020.
Theo đó, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được thông qua các hình thức cụ thể như sau:
- Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ký với đơn vị sự nghiệp để thực hiện thỏa thuận quốc tế;
- Hợp đồng hoặc thỏa thuận bằng văn bản về việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ký với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sau đây:
+ Doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
+ Doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án ở nước ngoài;
+ Doanh nghiệp Việt Nam đưa người lao động đi đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng nghề ở nước ngoài;
+ Tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.
- Hợp đồng lao động do người lao động Việt Nam trực tiếp giao kết với người sử dụng lao động ở nước ngoài. (So với quy định tại Điều 6 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006 thì Luật mới chấp nhận việc các bên thỏa thuận bằng văn bản thay vì hợp đồng ở một số trường hợp).
Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022.
18. Chính phủ ban hành Nghị định 140/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 126/2017/NĐ-CP về chuyển DNNN và công ty TNHH MTV do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần;...
Theo đó, DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, công ty TNHH MTV do DNNN đầu tư 100% vốn điều lệ thực hiện cổ phần hóa khi đảm bảo các điều kiện:
- Không thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn điều lệ.Danh mục DN thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Thủ tướng quyết định trong từng thời kỳ.
- Sau khi đã xử lý tài chính và đánh giá lại giá trị DN theo Chương II và Chương III Nghị định 126/2017 mà giá trị thực tế của DN bằng hoặc lớn hơn các khoản phải chi trả.
- Đối với DN thuộc đối tượng sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công (nội dung mới được bổ sung): Phải có phương án sắp xếp, xử lý nhà đất thuộc phạm vi sắp xếp lại, xử lý nhà đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Đối với các công ty nông, lâm nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, ngoài phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đối với diện tích đất phi nông nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công: Phải có phương án sử dụng đất đối với diện tích đất nông nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Nghị định 118/2014/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế.Nghị định 140/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 30/11/2020.
VCCI Thanh Hóa tổng hợp