Bản tin pháp luật số 8

Đăng lúc: 00:00:00 11/09/2021 (GMT+7)

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của pháp luật, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa tổng hợp một số văn bản pháp luật mới ban hành có liên quan đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp như sau:

MỘT SỐ VĂN BẢN PHÁP LUẬT MỚI BAN HÀNH, CÓ HIỆU LỰC LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG CỦA DOANH NGHIỆP

(Từ 11/8/2021 đến 10/9/2021)

 

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của pháp luật, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa tổng hợp một số văn bản pháp luật mới ban hành có liên quan đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp như sau:

1.                      Ngày 28/7/2021, Quốc hội thông qua Nghị quyết 29/2021/QH15 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, quy định tổng mức vốn kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn NSNN giai đoạn 2021 – 2025 như sau:

- Tổng mức vốn kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn NSNN giai đoạn 2021 - 2025 là 2.870.000 tỷ đồng, bao gồm:

+ Vốn ngân sách trung ương (NSTW) 1.500.000 tỷ đồng, bao gồm: vốn trong nước 1.200.000 tỷ đồng, vốn nước ngoài 300.000 tỷ đồng;

+ Vốn cân đối ngân sách địa phương (NSĐP) 1.370.000 tỷ đồng.

- Dự phòng 10% kế hoạch đầu tư trung hạn vốn NSTW theo từng nguồn vốn để xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư trung hạn.

- Dự phòng kế hoạch đầu tư trung hạn vốn NSĐP giai đoạn 2021 - 2025 do HĐND các cấp quyết định theo thẩm quyền được quy định tại khoản 6 Điều 51 Luật Đầu tư công.

- Phân bổ kế hoạch vốn đầu tư trung hạn nguồn NSNN:

+ Số vốn phân bổ cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương như sau:

(i)                     Phân bổ vốn NSTW 1.090.014,445 tỷ đồng;

(ii)                  (ii) Vốn NSĐP 1.233.000 tỷ đồng.Đối với số vốn NSĐP còn lại chưa phân bổ chi tiết 137.000 tỷ đồng, Chính phủ khẩn trương hoàn thiện phương án phân bổ, trình UBTVQH xem xét, cho ý kiến trước khi giao kế hoạch đầu tư công trung hạn.

+ Phân bổ chi tiết nguồn vốn NSTW theo từng ngành, lĩnh vực cho từng Bộ, cơ quan trung ương và mức vốn bổ sung có mục tiêu từ NSTW cho từng địa phương.

Nghị quyết 29/2021/QH15 được thông qua ngày 28/7/2021.Ngày 11/8/2021, 

2.                      Thủ tướng vừa ban hành Chỉ thị 22/CT-TTg về đẩy mạnh công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp.

Theo đó, để nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng đất cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng yêu cầu UBND cấp tỉnh triển khai một số nhiệm vụ sau:

- Đẩy mạnh việc tổ chức lập quy hoạch tỉnh, trong đó chú trọng nội dung phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo quy định tại khoản 6 Điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020. Gửi về Bộ TN&MT có ý kiến theo quy định tại khoản 7 Điều 1 Nghị định 148/2020 trước khi tích hợp vào quy hoạch tỉnh và gửi về Bộ TN&MT có ý kiến trước ngày 01/12/2021.

- Tập trung chỉ đạo lập kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh 05 năm (2021-2025) theo quy định và gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổ chức thẩm định, trình Thủ tướng trước ngày 01/12/2021. Đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định và phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030 theo quy định; thời hạn hoàn thành trước ngày 01/9/2021.

- Chỉ đạo và thực hiện lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện theo quy định của pháp luật, làm căn cứ thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

3.         Ngày 09/8/2021, Tổng Liên đoàn Lao động ban hành Quyết định 3022/TĐ-TLĐ sửa đổi Quyết định 2606/QĐ-TLĐ ngày 19/5/2021 về chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Theo đó, bổ sung trường hợp đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng Covid-19 được công đoàn hỗ trợ, gồm:

- Đoàn viên, người lao động tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn tử vong do bị nhiễm virus SARS-CoV-2 kể từ ngày 274/2021:Được hỗ trợ là 5 triệu đồng/người (không bao gồm các khoản đã hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động tại các khoản 2, 3, 4, 5, 5b, 6 Điều 1 Quyết định 2606).

- Đoàn viên, người lao động tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn đã di chuyển từ các tỉnh phía Nam về quê kể từ ngày 01/8/2021, phải thực hiện đúng yêu cầu cách ly y tế theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương, có hoàn cảnh khó khăn thì: Được liên đoàn lao động tỉnh, thành phố nơi tiếp nhận người trở về xem xét hỗ trợ tối đa là 500.000 đồng/người.

Quyết định 3022/QĐ-TLĐ có hiệu lực từ ngày ký ban hành.

4.                      02 báo cáo định kỳ trong lĩnh vực tài chính ngân hàng bị bãi bỏ từ 23/8/2021Quyết định 1375/QĐ-BTC công bố Danh mục báo cáo định kỳ bị bãi bỏ trong lĩnh vực tài chính ngân hàng thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 23/8/2021.

Theo đó, Danh mục báo cáo bị bãi bỏ gồm:

- Báo cáo về tình hình kinh doanh và chấp hành quy định pháp luật của doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ trên địa bàn tỉnh, thành phố. Văn bản quy định chế độ báo cáo: Điều 8 Thông tư 53/2017/TT-BTC ngày 19/5/2017.

- Báo cáo về tình hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ.Văn bản quy định chế độ báo cáo: Khoản 2 Mục I Thông tư 110/2007/TT-BTC ngày 12/9/2007.

5.         Quy định mới về nghiệp vụ thị trường mở từ 25/8/2021

Thông tư 09/2021/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 42/2015/TT-NHNN về nghiệp vụ thị trường mở có hiệu lực từ ngày 25/8/2021.

Theo đó, bổ sung quy định trong phương thức đấu thầu như sau:

- Đối với bán (phát hành) tín phiếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) qua nghiệp vụ thị trường mở, NHNN thực hiện theo phương thức đấu thầu lãi suất;

- NHNN bán (phát hành) tín phiếu NHNN theo phương thức đấu thầu khối lượng trong trường hợp NHNN cần thông báo lãi suất tín phiếu NHNN nhằm thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ.Ngoài ra, bổ sung quy định về thông báo mua, bán giấy tờ có giá như sau:

- Trước mỗi phiên đấu thầu nghiệp vụ thị trường mở, NHNN (Sở giao dịch) thông báo mua hoặc bán giấy tờ có giá cho các thành viên.

- Đối với phiên bán (phát hành) tín phiếu NHNN, ngoài việc thông báo cho các thành viên, Sở giao dịch đăng tải thông báo bán (phát hành) tín phiếu NHNN trên Cổng Thông tin điện tử NHNN chậm nhất vào 13 giờ 30 phút ngày đấu thầu.

6. Nội dung chi phí cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại

Thông tư 55/2021/TT-BTC hướng dẫn việc quản lý, cấp phát, tạm ứng và hoàn trả chi phí cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại có hiệu lực từ ngày 25/8/2021.

Theo đó, quy định nội dung chi phí cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại như sau:

- Các chi phí cưỡng chế thực hiện theo quy định tại Điều 43 Nghị định 44/2020/NĐ-CP được thực hiện căn cứ vào: Hợp đồng, thanh lý hợp đồng, biên bản bàn giao tài sản kê biên (đối với chi phí thuê giữ hoặc bảo quản tài sản đã kê biên), hóa đơn, chứng từ chi tiêu thực tế, hợp pháp, hợp lệ theo quy định hiện hành và được người ra quyết định cưỡng chế phê duyệt.

- Người được huy động trực tiếp tham gia cưỡng chế và bảo vệ cưỡng chế được chi bồi dưỡng theo mức sau:

+ Người chủ trì thi hành quyết định cưỡng chế thuộc cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế là 150.000 đồng/người/ngày tham gia cưỡng chế;

+ Người được huy động tham gia thi hành quyết định cưỡng chế là 100.000 đồng/người/ngày tham gia cưỡng chế.

7.         Ngày 06/8/2021, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư 106/2021/TT-BQP quy định về thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở trong Bộ Quốc phòng.

Theo đó, thời hạn thẩm định được tính từ ngày cơ quan chủ trì thẩm định tiếp nhận đủ hồ sơ  theo quy định của thông tư này, đến ngày có kết quả thẩm định. Cụ thể, thời hạn thẩm định như sau:

- Không quá 40 ngày làm việc đối với công trình cấp đặc biệt, cấp I;

- Không quá 30 ngày làm việc đối với công trình cấp II, cấp III;

- Không quá 20 ngày làm việc đối với các công trình còn lại.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày bắt đầu thực hiện thẩm định, căn cứ vào tính chất công trình, cơ quan chuyên môn về xây dựng xem xét lấy ý kiến tham gia thẩm định của các cơ quan liên quan (nếu cần thiết).

Thông tư 106/2021/TT-BQP có hiệu lực từ ngày 20/9/2021.

8.         Ngày 12/8/2021, Bộ Tài Chính ban hành Thông tư 70/2021/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ.

Theo đó, quy định miễn phí sử dụng đường bộ đối người nộp phí cho xe chuyên dùng của các đơn vị thuộc hệ thống tổ chức của công an nhân dân bao gồm:

- Xe ô tô tuần tra kiểm soát giao thông của cảnh sát giao thông có đặc điểm: Trên nóc xe ô tô có đèn xoay và hai bên thân xe ô tô có in dòng chữ: “CẢNH SÁT GIAO THÔNG”.

- Xe ô tô cảnh sát 113 có in dòng chữ: “CẢNH SÁT 113” ở hai bên thân xe.

- Xe ô tô cảnh sát cơ động có in dòng chữ “CẢNH SÁT CƠ ĐỘNG” ở hai bên thân xe.

- Xe ô tô vận tải có mui che và được lắp ghế ngồi trong thùng xe chở lực lượng công an làm nhiệm vụ.

- Xe đặc chủng chở phạm nhân, xe cứu hộ, cứu nạn.

- Xe ô tô đặc chủng gồm xe thông tin vệ tinh, xe chống đạn, xe phòng chống khủng bố, chống bạo loạn và các loại xe ô tô đặc chủng khác của Bộ Công an. (Nội dung mới bổ sung).

Thông tư 70/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/10/2021 và thay thế Thông tư 293/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016.

9.         Ngày 16/8/2021, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 09/2021/TT-BXD hướng dẫn Nghị định 49/2021/NĐ-CP và Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Theo đó, nhà đầu tư trúng thầu dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội là nhà đầu tư có tổng điểm các tiêu chí cao nhất với thang điểm 100 theo quy định sau:

- Tiêu chí về năng lực tài chính để thực hiện dự án: từ 20 đến 30 điểm.

- Tiêu chí về giải pháp quy hoạch, kiến trúc: từ 15 đến 25 điểm.

- Tiêu chí về đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội: từ 10 đến 20 điểm; Đối với trường hợp dự án đã có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thì các nhà đầu tư đều được điểm tối đa.

- Tiêu chí về kinh nghiệm thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở: từ 5 đến 15 điểm.

- Tiêu chí về tiến độ thực hiện dự án, đưa công trình vào sử dụng: từ 5 đến 10 điểm. Trường hợp tổng điểm các tiêu chí bằng nhau thì lựa chọn nhà đầu tư có các tiêu chí cao hơn theo thứ tự trên đảm bảo nguyên tắc nội dung trước đã có nhà thầu đáp ứng thì không xem xét đến nội dung sau.

Thông tư 09/2021/TT-BXD có hiệu lực ngày 01/10/2021 và thay thế Thông tư 20/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016.

10.       Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Quyết định 3089/QĐ-TLĐ về việc hỗ trợ bữa ăn cho đoàn viên, NLĐ thực hiện "3 tại chỗ" của doanh nghiệp tại địa bàn các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng.

Theo đó, hỗ trợ một lần 1 triệu đồng/người cho đoàn viên, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn, thực hiện “3 tại chỗ” để sản xuất. Công đoàn cơ sở báo cáo số lượng đoàn viên, người lao động được doanh nghiệp huy động để thực hiện “3 tại chỗ” duy trì sản xuất với công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở để công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thẩm định cấp kinh phí. Trường hợp doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn nhưng chưa có tổ chức công đoàn thì công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở làm việc với doanh nghiệp, kiểm tra, xác định số lượng đoàn viên, người lao động thực hiện “3 tại chỗ” duy trì sản xuất để hỗ trợ.

Quyết định 3089/QĐ-TLĐ có hiệu lực từ ngày 24/8/2021 và thời gian thực hiện hỗ trợ tính từ ngày Quyết định có hiệu lực.

11.       Ngày 23/8/2021, Bộ Công thương ban hành Chỉ thị 10/CT-BCT về tăng cường quản lý xuất khẩu, nhập khẩu một số mặt hàng để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất và tiêu dùng trong nước.

Theo đó, yêu cầu các cơ quan chức năng thuộc Bộ rà soát tình hình xuất nhập khẩu, đề xuất các biện pháp tăng cường trong công tác quản lý đối với các mặt hàng cần hỗ trợ cho sản xuất và tiêu dùng trong nước. Khẩn trương báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương trước ngày 30/8/2021. Một số nhiệm vụ cụ thể như sau:

- Cục xuất nhập khẩu: Rà soát cơ chế, kiến nghị công tác quản lý nhập khẩu mặt hàng gạo, mặt hàng đường;

- Cục hóa chất: Rà soát cơ chế xuất khẩu, nhập khẩu và kiến nghị giải pháp quản lý xuất khẩu, nhập khẩu mặt hàng phân bón; 

- Vụ thị trường trong nước: Chỉ đạo các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối căn cứ nhu cần sản xuất kinh doanh thực tế của đơn vị để điều chỉnh nguồn hàng, bảo đảm nguồn cung cấp xăng dầu tại các điểm bán lẻ phục vụ cho người dân trong mọi tình huống;

- Tổng cục quản lý thị trường chỉ đạo lực lượng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật hàng giả, hàng hóa nhập lậu, nhất là các mặt hàng trọng điểm phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước;… 

12.       Bộ GTVT có Quyết định 1570/QĐ-BGTVT về việc ban hành Hướng dẫn tạm thời về tổ chức giao thông, kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải bằng xe ô tô trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, Khi xe hoạt động trên đường, người trên phương tiện phải thực hiện các nội dung sau:

- Tuân thủ đúng hành trình đã kê khai, giao nhận hàng hoá, nghỉ ngơi tập kết phương tiện tại các điểm đã được xác định trong phương án tổ chức vận tải của đơn vị. Khi chuẩn bị hết thời hạn của Giấy xét nghiệm, người trên phương tiện đến cơ sở y tế hoặc đến chốt kiểm soát dịch gần nhất trên hành trình để thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 trước khi tiếp tục hành trình.

- Trường hợp phương tiện có Giấy nhận diện nhưng có nội dung thực hiện không đúng với thông tin đã kê khai hoặc đã hết hiệu lực, thì phải gỡ bỏ Giấy nhận diện khỏi phương tiện.

- Chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng về phòng, chống dịch Covid-19.

- Đối với phương tiện có Giấy nhận diện: Lái xe phải thực hiện vận chuyển hàng hoá theo đúng các thông tin, hành trình vận tải đã lựa chọn; thực hiện vận chuyển, giao nhận hàng hoá đúng địa điểm.

- Đối với phương tiện không có Giấy nhận diện: Lái xe phải thực hiện theo hướng dẫn của lực lượng chức năng kiểm soát dịch tại địa phương phương tiện đang hoạt động, thực hiện vận chuyển, giao nhận hàng hoá đúng địa điểm.

Quyết định 1570/QĐ-BGTVT có hiệu lực từ ngày 24/8/2021.

13.       Bộ LĐTB&XH ban hành Công văn 2844/LĐTBXH-PC hướng dẫn một số vướng mắc trong việc thực hiện chính sách lao động.

Theo đó, đối với doanh nghiệp tổ chức sản xuất theo phương châm "3 tại chỗ" nhưng có một số NLĐ không đồng ý với phương án lưu trú theo yêu cầu "3 tại chỗ" của doanh nghiệp thì NLĐ và doanh nghiệp thống nhất để xác định theo một trong các cách:

- Doanh nghiệp cho NLĐ ngừng việc và trả lương ngừng việc cho NLĐ theo quy định tại Khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động. Trong trường hợp này, NLĐ được hỗ trợ chính sách ngừng việc khi đáp ứng đủ các điều kiện theo chương V (Điều 17 đến Điều 20) của Quyết định 23/2021/QĐ-TTg.

- Thống nhất với NLĐ tạm hoãn hợp đồng lao động theo Điểm h Khoản 1 Điều 30 Bộ luật Lao động hoặc hai bên thỏa thuận nghỉ không hưởng lương theo Khoản 3 Điều 145 Bộ luật Lao động.

- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật lao động như: thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động theo Khoản 3 Điều 34 Bộ luật Lao động; thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với NLĐ theo Điểm c Khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động.

Công văn 2844/LĐTBXH-PC ban hành ngày 25/8/2021.

14.       Nhà, đất không thuộc phạm vi sắp xếp lại, xử lý tài sản công

Nội dung này được đề cập tại Nghị định 67/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 167/2017/NĐ-CP quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công. Theo đó, nhà, đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật về tài sản công dưới đây sẽ không thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý theo quy định, đơn cử như:

- Đất (bao gồm cả tài sản gắn liền với đất (nếu có) thuộc trách nhiệm quản lý của UBND cấp xã, Chủ tịch UBND cấp xã theo quy định của pháp luật về đất đai;

- Đất, tài sản gắn liền với đất thuộc: đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên; đất rừng sản xuất, đất nông, lâm nghiệp;

- Nhà, đất là sản phẩm hàng hóa của dự án đầu tư kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật, trừ phần nhà, đất tại dự án đã được xác định và hạch toán là tài sản cố định của doanh nghiệp;

- Nhà, đất của doanh nghiệp đang trong giai đoạn thực hiện thủ tục giải thể, phá sản doanh nghiệp;

- Nhà, đất được hình thành bằng nguồn quỹ phúc lợi của doanh nghiệp;…Nghị định 67/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 01/9/2021.

15.       Nội dung phương án bồi thường các dự án cải tạo, xây dựng lại NCC

Đây là quy định tại Nghị định 69/2021/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư (NCC). Theo đó, khi tiến hành cải tạo, xây dựng lại NCC thì phải có phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (TĐC) và bố trí chỗ ở tạm thời cho các chủ sở hữu, người sử dụng NCC, nội dung cụ thể phải có như sau:- Tên và địa chỉ của chủ sở hữu, người sử dụng NCC;

- Vị trí, diện tích nhà cũ; vị trí, diện tích nhà được bố trí TĐC;

- Giá bán nhà ở, giá cho thuê, cho thuê mua nhà ở TĐC, các công trình khác (nếu có); giá trị nhà ở, công trình xây dựng khác (nếu có) bố trí TĐC;

- Giá tính để bồi thường nhà ở, công trình xây dựng khác (nếu có); giá trị nhà ở, công trình xây dựng khác (nếu có) được bồi thường;

- Khoản tiền chênh lệch của chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu phải thanh toán (nếu có);

- Thời gian thực hiện dự án; thời gian hoàn thành việc bồi thường, hỗ trợ, TĐC và bố trí chỗ ở tạm thời; thời gian bàn giao nhà TĐC;

- Việc bố trí chỗ ở tạm thời, chi phí hỗ trợ chỗ ở tạm thời;

- Các nội dung quy định tại Điều 21, 22 và 23 Nghị định 69/2021 và các nội dung khác liên quan (nếu có).Nghị định 69/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 01/9/2021 và thay thế Nghị định 101/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015.

16.       02 tiêu chí đánh giá, phân loại cảng biển

Theo Nghị định 76/2021/NĐ-CP về tiêu chí, quy trình đánh giá, phân loại cảng biển Việt Nam có hiệu lực từ 10/9/2021, việc đánh giá, phân loại cảng biển theo 02 tiêu chí:

Một là, tiêu chí về phạm vi ảnh hưởng của cảng biển: Tiêu chí này đánh giá trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, qua các chỉ tiêu sau:

- Cảng biển phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của cả nước hoặc liên vùng và có chức năng trung chuyển quốc tế hoặc cảng cửa ngõ quốc tế;

- Cảng biển phục vụ cho việc phát triển KT-XH của cả nước hoặc liên vùng;- Cảng biển phục vụ cho việc phát triển KT-XH của vùng;

- Cảng biển phục vụ cho việc phát triển KT-XH của địa phương.

Hai là, tiêu chí về quy mô của cảng biển:Tiêu chí này đánh giá trên cơ sở sản lượng hàng hóa thông qua và cỡ trọng tải tàu được tiếp nhận tại cảng biển, thông qua các chỉ tiêu sau:

- Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển;

- Cỡ trọng tải tàu tiếp nhận tại cảng biển.

17.       Thông tư 10/2021/TT-BXD ngày 25/8/2021 hướng dẫn Nghị định 06/2021/NĐ-CP về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và Nghị định 44/2016/NĐ-CP về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động.

Theo đó, chi phí đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động (VSLĐ) trong thi công xây dựng công trình bao gồm:

- Chi phí lập và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn;- Chi phí huấn luyện an toàn, VSLĐ; chi phí thực hiện kiểm định kỹ thuật an toàn lao động đối với máy, thiết bị; chi phí thông tin, tuyên truyền về an toàn, VSLĐ;

- Chi phí trang cấp dụng cụ, phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động;

- Chi phí cho công tác phòng, chống cháy, nổ;

- Chi phí phòng, chống yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại và cải thiện điều kiện lao động; chi phí tổ chức đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn lao động.

Chi phí đảm bảo an toàn, VSLĐ trong thi công xây dựng công trình quy định nêu trên là một nội dung của chi phí gián tiếp trong chi phí xây dựng của dự toán xây dựng công trình, được xác định theo hướng dẫn tại Thông tư quy định chi tiết một số nội dung về xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Thông tư 10/2021/TT-BXD có hiệu lực kể từ ngày 15/10/2021

18.       Ngày 26/8/2021 Chính phủ ban hành Nghị định 80/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

Theo đó, DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị được ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất khi vay vốn trung và dài hạn tại các tổ chức tín dụng để thực hiện phương án, dự án sản xuất - kinh doanh theo các nguyên tắc sau:

- Là các DNNVV đáp ứng tiêu chí về DN khởi nghiệp sáng tạo và tiêu chí hỗ trợ DN tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, đồng thời chưa được hưởng các chính sách ưu đãi về lãi suất của Nhà nước trong cùng một giai đoạn.

- Ngân sách nhà nước hỗ trợ lãi suất cho DN theo phương thức hỗ trợ sau đầu tư. Mỗi DN được hỗ trợ lãi suất đối với 01 phương án, dự án sản xuất - kinh doanh trong cùng một giai đoạn.

- DN vay vốn được tổ chức tín dụng thẩm định và quyết định cho vay theo quy định của pháp luật về cho vay của tổ chức tín dụng.

Nghị định 80/2021/NĐ-CP có hiệu lực ngày 15/10/2021 và thay thế Nghị định 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018.

19.       Tiếp tục giảm 50% phí chuyển tiền liên ngân hàng từ 01/9/2021

Đây là nội dung tại Thông tư 13/2021/TT-NHNN ngày 23/8/2021 sửa đổi Thông tư 26/2013/TT-NHNN về Biểu phí dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, tiếp tục giảm 50% mức phí thanh toán tại 02 dịch vụ sau tại Biểu “Phí giao dịch thanh toán qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng” từ 01/9/2021 đến hết 30/6/2022 như sau:

- Phí giao dịch thanh toán qua Tiểu hệ thống thanh toán giá trị cao, cụ thể:

+ Đối với Lệnh thanh toán mà thời điểm Hệ thống nhận giao dịch trước 15h30 trong ngày:Giảm từ 0,01% số tiền thanh toán còn 0,005% số tiền thanh toán (tối thiểu 1.000 đồng/món; tối đa 25.000 đồng/món).

+ Đối với Lệnh thanh toán mà thời điểm Hệ thống nhận giao dịch trong khoảng thời gian từ 15h30 đến khi Hệ thống ngừng nhận Lệnh thanh toán trong ngày: Giảm từ 0,02% số tiền thanh toán còn 0,01% số tiền thanh toán (tối thiểu 2.000 đồng/ món; tối đa 50.000 đồng/món).

- Phí giao dịch thanh toán qua Tiểu hệ thống thanh toán giá trị thấp giảm từ 2.000 đồng/món còn 1.000 đồng/món.

Thông tư 13/2021/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 01/9/2021.

20.       Tăng mức hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh từ ngày 15/10/2021

Chính phủ ban hành Nghị định 81/2021/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý học phí với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập có hiệu lực từ ngày 15/10/2021. Theo đó, các đối tượng được hỗ trợ chi phí học tập sẽ được nhận mức hỗ trợ là 150.000 đồng/học sinh/tháng (tăng 50.000 đồng so với trước đây) để mua sách, vở và các đồ dùng học tập khác. Bên cạnh đó, Nghị định 81 còn quy định các đối tượng được hỗ trợ chi phí học tập gồm:

- Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông (HSPT), học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên (GDTX) theo chương trình giáo dục phổ thông mồ côi cả cha lẫn mẹ.

- Trẻ em học mẫu giáo và (HSPT), học viên học tại cơ sở GDTX theo chương trình giáo dục phổ thông bị khuyết tật.

- Trẻ em học mẫu giáo và HSPT, học viên học tại cơ sở GDTX theo chương trình giáo dục phổ thông có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo.

- Trẻ em học mẫu giáo và HSPT, học viên học tại cơ sở GDTX theo chương trình giáo dục phổ thông ở thôn/bản ĐBKK, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi, xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển hải đảo.

21.       Ngày 31/8/2021, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 13/2021/TT-BXD hướng dẫn phương pháp xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và đo bóc khối lượng công trình.

Theo đó, ban hành 06 phương pháp xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và đo bóc khối lượng công trình bao gồm:

- Phương pháp xác định suất vốn đầu tư xây dựng (Phụ lục I);

- Phương pháp xác định chỉ số giá xây dựng (Phụ lục II);

- Phương pháp xác định định mức dự toán mới, điều chỉnh định mức dự toán và rà soát, cập nhật hệ thống định mức (Phụ lục III);

- Phương pháp xác định đơn giá nhân công xây dựng (Phụ lục IV);

- Phương pháp xác định giá ca máy và thiết bị thi công xây dựng (Phụ lục V);

- Phương pháp đo bóc khối lượng công trình (Phụ lục VI).

Phương pháp xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và đo bóc khối lượng công trình quy định tại Thông tư 13/2021/TT-BXD thay thế các phương pháp đã ban hành tại:

- Mục 1 Phụ lục số 5, Phụ lục số 6, Phụ lục số 7 của Thông tư 09/2019/TT-BXD ngày 26/12/2019; 

- Thông tư 11/2019/TT-BXD ngày 26/12/2019;

- Thông tư 14/2019/TT-BXD ngày 26/12/2019;

- Thông tư 15/2019/TT-BXD ngày 26/12/2019;

- Thông tư 17/2019/TT-BXD ngày 26/12/2019.

Thông tư 13/2021/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 15/10/2021.

22.       Sửa đổi quy định về kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam

Đây là nội dung tại Nghị định 70/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 181/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quảng cáo. Theo đó, khái niệm về Hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam được làm rõ như sau:

- Hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại VN là việc các tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng trang thông tin điện tử kinh doanh dịch vụ quảng cáo từ hệ thống thiết bị cung cấp dịch vụ đặt ngoài lãnh thổ VN, cho người sử dụng tại VN, có phát sinh doanh thu tại VN.

- Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo và người quảng cáo ở trong nước và ngoài nước tham gia Hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại VN phải tuân thủ:

+ Các quy định của pháp luật Việt Nam về quảng cáo;

+ Quy định về an ninh mạng và quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng;

+ Phải nộp thuế theo quy định pháp luật về thuế.

- Bỏ quy định trước khi quảng cáo 15 ngày, tổ chức, cá nhân nước ngoài Hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý có thẩm quyền thông tin của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo VN. Nghị định 70/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 15/9/2021.

VCCI Thanh Hóa tổng hợp

  Bản tin pháp luật số 08.doc