Bản tin pháp luật số 11

Đăng lúc: 08:39:29 14/12/2021 (GMT+7)

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của pháp luật, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa tổng hợp một số văn bản pháp luật mới ban hành có liên quan đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp như sau

 

MỘT SỐ VĂN BẢN PHÁP LUẬT MỚI BAN HÀNH, CÓ HIỆU LỰC LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG CỦA DOANH NGHIỆP

(Từ 12/11/2021 đến 12/12/2021) 

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của pháp luật, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa tổng hợp một số văn bản pháp luật mới ban hành có liên quan đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp như sau:

1.     Quy định về Giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc

Ngày 08/11/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 97/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 23/2018/NĐ-CP về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm phải cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho bên mua bảo hiểm, Giấy chứng nhận này sẽ do doanh nghiệp bảo hiểm chủ động thiết kế.Các thông tin cần phải có trên Giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ gồm:

- Tên, địa chỉ của doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm;

Thuộc danh mục cơ sở (nêu rõ thuộc danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ nào theo quy định pháp luật về phòng cháy và chữa cháy);

- Địa chỉ tài sản được bảo hiểm;

- Tài sản được bảo hiểm;

- Số tiền bảo hiểm;

- Mức khấu trừ bảo hiểm;

- Thời hạn bảo hiểm;

- Tỷ lệ phí bảo hiểm, phí bảo hiểm;

- Tên, địa chỉ, số điện thoại đường dây nóng của doanh nghiệp bảo hiểm;

- Ngày, tháng, năm cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm.

Nghị định 97/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/12/2021.

2.     Những trường hợp khóa tài khoản định danh điện tử

Thủ tướng ban hành Quyết định 34/2021/QĐ-TTg ngày 08/11/2021 quy định về định danh và xác thực điện tử trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh. Theo đó, khóa tài khoản định danh điện tử trong những trường hợp sau:

- Khi chủ thể danh tính điện tử yêu cầu khóa tài khoản định danh điện tử của mình.

- Khi có yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan chức năng có thẩm quyền hoặc bên sử dụng dịch vụ.

- Khi chủ thể danh tính điện tử vi phạm điều khoản dịch vụ đã thỏa thuận với cơ quan cấp tài khoản định danh điện tử.

- Khi thực hiện xác lập lại hoặc hủy số định danh cá nhân.

- Khi chủ thể danh tính điện tử chết.

Quyết định 34/2021/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày ký ban hành.

3.     Trang thiết bị y tế được xếp vào nhóm hàng phải quản lý giá

Ngày 08/11/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế với nhiều nội dung mới so với trước đây. Theo đó, bổ sung các biện pháp quản lý giá trang thiết bị y tế như sau:

- Kê khai giá trang thiết bị y tế trước khi lưu hành tại Việt Nam và cập nhật khi thay đổi giá trang thiết bị y tế đã kê khai theo quy định;

- Niêm yết giá bán buôn, bán lẻ trang thiết bị y tế bằng đồng Việt Nam tại nơi giao dịch hoặc nơi bán trang thiết bị y tế của cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế;

- Thông báo công khai giá bán buôn, bản lẻ trang thiết bị y tế trên bảng, trên giấy hoặc bằng các hình thức khác;

- Công khai giá trúng thầu trang thiết bị y tế của các cơ sở y tế công lập;

- Không được mua bán trang thiết bị y tế khi chưa có giá kê khai và không được mua bán cao hơn giá kê khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán.

Nghị định 98/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.

4.     Thêm nhiều hộ kinh doanh được nhận tiền hỗ trợ do Covid-19

Ngày 06/11/2021, Thủ tướng ban hành Quyết định 33/2021/QĐ-TTg sửa đổi Quyết định 23/2021/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do COVID-19. Theo đó, bổ sung thêm một số đối tượng hộ kinh doanh được nhận hỗ trợ do tác động của Covid-19 như sau:

- Hộ kinh doanh sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối;

- Những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyện, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ, có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh.

(Trước đây, chỉ hỗ trợ đối với hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh và có trong danh bạ của cơ quan thuế)

Quyết định 33/2021/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày ký ban hành.

5.     Chính phủ ban hành Nghị định 101/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 57/2020/NĐ-CP và Nghị định 122/2016/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.

Theo đó, bổ sung 02 mặt hàng hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% gồm:

- Quả và hạt có dầu để làm giống có Mã hàng là 9805.00.00 vào Danh mục nhóm hàng từ 98.01 đến 98.48 và nhóm hàng 98.50, 98.51, 98.52 tại điểm 1 khoản II Mục II Phụ lục II Nghị định 57/2020. Mã hàng tương ứng tại Mục I Phụ lục II là 1207.30.00, 1207.40.90, 1207.50.00, 1207.60.00, 1207.70.00, 1207.91.00, 1207.99.40, 1207.99.50, 1207.99.90.

- Engine ECU, loại sử dụng cho xe có động cơ có Mã hàng 9849.46.00 vào Danh mục nhóm hàng 98.49 tại điểm 2 khoản II Mục II Phụ lục II Nghị định 57/2020. Mã hàng tương ứng tại Mục I Phụ lục II là 8537.10.99. Đồng thời, điều chỉnh mức thuế suất thuế xuất khẩu, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số nhóm mặt hàng quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 57/2020:

- Phụ lục I - Biểu thuế xuất khẩu theo Danh mục mặt hàng chịu thuế;

- Phụ lục II - Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo Danh mục mặt hàng chịu thuế.

Nghị định 101/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 30/12/2021.

6.     Ngày 16/11/2021, Bộ Công Thương có Công văn 7268/BCT-ĐB thông báo thời điểm có hiệu lực của Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Hiệp định RCEP).

Theo quy định của Hiệp định RCEP, Hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực sau 60 ngày kể từ thời điểm: Có ít nhất 06 nước ASEAN và 03 nước đối tác hoàn tất thủ tục phê duyệt/phê chuẩn Hiệp định và nộp lưu chiểu cho Tổng Thư ký ASEAN. Đến ngày 02/11/2021, đã có 06 nước ASEAN, trong đó có Việt Nam và 04 nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Ốt-xtrây-li-a và Niu Di-lân nộp lưu chiểu văn kiện phê duyệt/phê chuẩn Hiệp định RCEP của mình cho Tổng Thư ký ASEAN.

Như vậy, Hiệp định RCEP sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.

Hiệp định RCEP là hiệp định thương mại tự do được 10 nước ASEAN và 05 nước đối tác (gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ốt-xtrây-li-a và Niu Di-lân) ký kết vào ngày 15/11/2020.

7.     Nghiên cứu, tạo điều kiện hỗ trợ giáo viên mầm non ngoài công lập

Ngày 10/11/2021, Nghị quyết 138/NQ-CP về phiên họp chính phủ thường kỳ tháng 10/2021 được ban hành. Trong đó, Chính phủ đã yêu cầu Bộ LĐTB&XH nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh phù hợp một số quy định để tạo điều kiện hỗ trợ kịp thời cho giáo viên mầm non ngoài công lập và người sử dụng lao động tại cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. Đồng thời, thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ hiệu quả NLĐ, người sử dụng lao động gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19.

- Tập trung đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho người dân, nhất là đối với trẻ em, người già, người nghèo, người yếu thế,...Phối hợp chặt chẽ với BHXH Việt Nam và các cơ quan liên quan để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai các chính sách hỗ trợ nêu trên.

- Đẩy nhanh triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động gắn với đào tạo nghề, đào tạo việc làm, giảm thất nghiệp. Xây dựng phương án hỗ trợ người lao động quay trở lại làm việc tại các đô thị lớn, khu công nghiệp gắn với giải quyết việc làm cho người lao động hồi hương.

8. Thêm một trường hợp bị phạt tiền do làm mất, cháy, hỏng hóa đơn

Ngày 16/11/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 102/2021/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn; hải quan;...Trong đó có nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn. Đơn cử như tại khoản 4 Điều 1 Nghị định 102/2021/NĐ-CP quy định thêm một trường hợp bị xử phạt hành chính về hóa đơn. Đó là hành vi làm mất, cháy, hỏng hoá đơn đã lập nhưng chưa khai thuế với mức phạt tiền từ 04 đến 08 triệu đồng.

Lưu ý: Đây là mức phạt tiền đối với cá nhân, hộ kinh doanh, nếu tổ chức có hành vi vi phạm tương tự thì bị phạt gấp đôi.

Nghị định 102/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022.

8.     Điều kiện với trái phiếu doanh nghiệp mà TCTD được phép mua, bán

Đây là nội dung vừa được quy định tại Điều 5 Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua bán trái phiếu doanh nghiệp do Ngân hàng nhà nước ban hành ngày 10/11/2021. Theo đó, tổ chức tín dụng chỉ được phép mua, bán đối với trái phiếu doanh nghiệp đáp ứng đủ những điều kiện dưới đây:

- Được phát hành theo đúng quy định của pháp luật.

- Được phát hành bằng đồng Việt Nam.

Thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bên bán, chưa đến hạn thanh toán hết gốc và lãi và bên bán cam kết trái phiếu không có tranh chấp, được phép giao dịch, không trong tình trạng đang mua bán có kỳ hạn, chiết khấu, tái chiết khấu (trừ trường hợp mua để phát hành lần đầu).

Ngoài ra, Thông tư 16/2021/TT-NHNN cũng bổ sung thêm quy định về việc tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp nếu có tỷ lệ nợ xấu từ 3% trở lên theo kỳ phân loại gần nhất (bổ sung vào khoản 5 Điều 4).

Thông tư 16/2021/TT-NHNN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/01/2022, thay thế Thông tư 22/2016/TT-NHNN và Thông tư 15/2018/TT-NHNN 

9.     Quyết định 1968/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 phê duyệt Đề án "Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030".

Theo đó, nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin về chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, Thủ tướng đặt mục tiêu đến năm 2025 như sau:

- 25% số lượng hội chợ, triển lãm được tổ chức trên môi trường số.

- 100% các tổ chức xúc tiến thương mại và trên 200.000 doanh nghiệp được cấp tài khoản trên Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số và 50% trong số này có phát sinh giao dịch và chia sẻ thông tin.

- 25% các dịch vụ kết nối thị trường được tổ chức trên nền tảng kết nối, hỗ trợ 100.000 lượt doanh nghiệp. 

- 100% các tổ chức xúc tiến thương mại và trên 100.000 lượt DN, hợp tác xã được hướng dẫn, hỗ trợ các nội dung về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại.

- 100% các tổ chức xúc tiến thương mại và trên 100.000 lượt DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh sử dụng, khai thác, vận hành các nền tảng dùng chung và chia sẻ dữ liệu với Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số.

- 100% TTHC lĩnh vực xúc tiến thương mại đủ điều kiện được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Quyết định 1968/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày ký ban hànhNgày 11/11/2021,

10.  Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành Hướng dẫn 41/HD-TLĐ về Công đoàn tham gia đối thoại và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.

Theo đó, việc ban hành Hướng dẫn 41/HD-TLĐ nhằm thực hiện quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong tham gia đối thoại và thực hiện quy chế dân chủ, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.Cụ thể, 05 biểu mẫu mới áp dụng trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc bao gồm:

- Mẫu 01: Biên bản đối thoại định kỳ/ khi có có yêu cầu/ khi có vụ việc;   

- Mẫu 02: Nghị quyết Hội nghị người lao động năm ...;

- Mẫu 03: Biên bản Hội nghị người lao động năm ...;   

- Mẫu 04: Quyết định ban hành Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc;- Mẫu 05: Bảng tổng hợp số liệu kết quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở 6 tháng……/năm……Hướng dẫn 41/HD-TLĐ  được ban hành ngày 11/11/2021 và thay thế Hướng dẫn 1360/HD-TLĐ ngày 28/8/2019.

11. Ngày 17/11/2021, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư 10/2021/TT-BKHCN hướng dẫn Nghị định 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN). 

Theo đó, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận (GCN) doanh nghiệp KH&CN trong các trường hợp sau: 

- Có hành vi xâm phạm quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng kết quả KH&CN đã kê khai trong hồ sơ đề nghị chứng nhận doanh nghiệp KH&CN: Căn cứ vào quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan có thẩm quyền hoặc phán quyết của Tòa án. 

- Có hành vi giả mạo nội dung hồ sơ đề nghị chứng nhận doanh nghiệp KH&CN, bao gồm: 

+ Hành vi giả mạo các loại văn bản xác nhận, công nhận kết quả KH&CN của cơ quan có thẩm quyền tại điểm b khoản 2 Điều 7 Nghị định 13/2019/NĐ-CP của Chính phủ; 

+ Hành vi cố ý kê khai sai thông tin về tỷ lệ doanh thu để cấp GCN doanh nghiệp KH&CN đối với các doanh nghiệp đã thành lập từ đủ 05 (năm) năm trở lên. 

Khi bị hủy bỏ hiệu lực GCN, doanh nghiệp bị truy thu toàn bộ các khoản tiền đã được miễn giảm và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Cơ quan hủy bỏ hiệu lực GCN có trách nhiệm thông báo về việc hủy bỏ và đăng thông tin theo khoản 3 Điều 10 Nghị định 13/2019/NĐ-CP của Chính phủ. 

Thông tư 10/2021/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 20/01/2022.

12. Quốc hội thông qua Nghị quyết 39/2021/QH15 ngày 13/11/2021 về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025.

Theo đó, để thực hiện Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến 2050 và Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025, một số chính sách, thể chế được đặt ra như:

- Sửa đổi Luật Đất đai và pháp luật có liên quan (trong đó có chính sách về tài chính đất đai) để bảo đảm sự đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai;

- Hoàn thiện cơ chế, chính sách theo hướng đẩy mạnh cải cách hành chính, rút gọn các thủ tục hành chính; bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch thông tin quy hoạch sử dụng đất;

- Hoàn thiện các quy định để tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng đất chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch;

- Nghiên cứu xây dựng các tiêu chí, định mức, quy định về suất đầu tư trên một đơn vị diện tích để bảo đảm quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên đất đai.

13. Giảm giá một số dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán từ 01/01/2022

Đó là quy định tại Thông tư 102/2021/TT-BTC quy định về giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại các tổ chức kinh doanh chứng khoán, ngân hàng thương mại tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo đó, điều chỉnh giá của một số dịch vụ áp dụng tại các tổ chức kinh doanh chứng khoán, ngân hàng thương mại tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Na, đơn cử như:

*Giá dịch vụ áp dụng tại thị trường chứng khoán cơ sở

- Giá dịch vụ môi giới mua, bán cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có bảo đảm (áp dụng cho chứng khoán niêm yết và chứng khoán đăng ký giao dịch): điều chỉnh giảm từ tối đa 0,5% xuống còn tối đa 0,45%/giá trị giao dịch.

- Giá dịch vụ phát hành, mua lại chứng chỉ quỹ ETF:

+ Đối với nhà đầu tư: điều chỉnh giảm từ tối đa 5% (dịch vụ phát hành) và tối đa 3% (dịch vụ mua lại) xuống còn tối đa 1%/giá trị giao dịch đối với cả 02 dịch vụ;

+ Đối với thành viên lập quỹ: điều chỉnh giảm từ tối đa 5% (dịch vụ phát hành) và tối đa 3% (dịch vụ mua lại) xuống còn tối đa 0,5%/giá trị giao dịch đối với cả 02 dịch vụ….

*Giá dịch vụ áp dụng tại thị trường chứng khoán phái sinhGiá dịch vụ môi giới hợp đồng tương lai được điều chỉnh như sau:

+ Giảm từ tối đa 15.000 đồng xuống 5.000 đồng/Hợp đồng tương lai chỉ số;

+ Giảm từ tối đa 25.000 đồng xuống 8.000 đồng/Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ.

Thông tư 102/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 và thay thế Thông tư  128/2018/TT-BTC ngày 27/12/2018.

14. Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư 24/2021/TT-BGTVT quy định về quản lý, bảo trì công trình hàng không.

Theo đó, quy định nội dung các khoản mục chi phí liên quan đến thực hiện bảo trì đối với công trình hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý bao gồm:

- Chi phí kiểm tra thường xuyên, định kỳ, đột xuất công trình hàng không;   

- Chi phí bảo dưỡng công trình hàng không;

- Chi phí sửa chữa định kỳ, đột xuất công trình hàng không;

- Chi phí kiểm định, đánh giá chất lượng công trình phụ vụ công tác bảo trình công trình hàng không;

- Chi phí quan trắc công trình hàng không;   

- Chi phí đánh giá an toàn công trình trong quá trình khai thác sử dụng;

- Chi phí thực hiện các công việc bảo trì công trình hàng không: lập, thẩm tra hoặc điều chỉnh quy trình bảo trì và định mức công tác bảo trình công trình hàng không...

Thông tư 24/2021/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 15/01/2022 và thay thế Thông tư 48/2016/TT-BGTVT ngày 30/12/2016.

15. Thông tư 20/2021/TT-BYT quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế.

Theo đó, chất thải y tế nguy hại gồm hai loại (chất thải lây nhiễm và chất thải nguy hại không lây nhiễm).

- Chất thải lây nhiễm, trong đó bao gồm:

+ Chất thải lây nhiễm sắc nhọn như kim tiêm; bơm liền kim tiêm; đầu sắc nhọn của dây truyền; kim chọc dò; kim châm cứu; lưỡi dao mổ;

+ Chất thải lây nhiễm không sắc nhọn như bông, băng, gạc, găng tay, các chất thải không sắc nhọn khác thấm, dính, chưa máu của cơ thể, chứa vi sinh vật gây bệnh;

+ Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao như mẫu bệnh phẩm, dụng cụ đựng, dính mẫu bệnh phẩm, chất thải dính mẫu bệnh phẩm thải bỏ từ các phòng xét nghiệm tương đương an toàn sinh học cấp II trở lên; Các chất thải phát sinh từ buồng bệnh cách ly, khu vực điều trị cách ly, khu vực lấy mẫu xét nghiệm người bệnh mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A, nhóm B.

+ Chất thải giải phẫu như mô, bộ phận cơ thể người thải bỏ, xác động vật thí nghiệm.

- Chất thải nguy hại không lây nhiễm như hóa chất thải bỏ có thành phần nguy hại, tính chất nguy hại vượt ngưỡng chất thải nguy hại hoặc có cảnh báo nguy hại trên bao bì từ nhà sản xuất…

Thông tư 20/2021/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 10/01/2022 và thay thế Thông tư liên tịch 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015. 

16. Ngày 03/12/2021, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư 19/2021/TT-BTTTT về Danh mục sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm.

Theo đó, Danh mục sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm gồm 16 sản phẩm/dòng sản phẩm, đơn cử như:

- Thiết bị, phần mềm mạng viễn thông 5G và các thế hệ sau;

- Thiết bị, phần mềm nền tảng IoT;

- Điện thoại di động thông minh 4G và các thế hệ mạng sau;

- Máy tính cho giáo dục;

- Camera thông minh, camera AI và các phần mềm phân tích, xử lý và quản lý dữ liệu thu được từ camera;

- Sản phẩm vi mạch (IC) cho viễn thông, CNTT, IoT;

- Phần mềm nền tảng phát triển các sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu lớn (Big Data);

- Sản phẩm phần mềm ứng dụng công nghệ blockchain;…Căn cứ yêu cầu quản lý và tình hình phát triển của từng thời kỳ, Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát, sửa đổi, bổ sung Danh mục.Dự án sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm theo quy định Thông tư 01/2017/TT-BTTTT đã được áp dụng ưu đãi trước ngày 02/02/2022 được tiếp tục hưởng ưu đãi đến hết thời hạn ưu đãi theo quy định.

Thông tư 19/2021/TT-BTTTT có hiệu lực ngày 02/02/2022, thay thế Thông tư 01/2017/TT-BTTTT ngày 16/02/2017.

17. Cá nhân có doanh thu cho thuê tài sản dưới 100 triệu đồng/năm không phải nộp thuế

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 100/2021/TT-BTC sửa đổi Thông tư 40/2021/TT-BTC hướng dẫn về thuế GTGT, thuế TNCN và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Theo đó, Thông tư 100/2021/TT-BTC sửa đổi phương pháp tính thuế đối với cá nhân cho thuê tài sản tại điểm c khoản 1 Điều 9 Thông tư 40/2021/TT-BTC như sau:

- Cá nhân chỉ có hoạt động cho thuê tài sản và thời gian cho thuê không trọn năm, nếu phát sinh doanh thu cho thuê từ 100 triệu đồng/năm trở xuống thì thuộc diện không phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN.

- Trường hợp bên thuê trả tiền thuê tài sản trước cho nhiều năm thì mức doanh thu để xác định cá nhân phải nộp thuế hay không phải nộp thuế là doanh thu trả tiền một lần được phân bổ theo năm dương lịch. Hiện hành Thông tư 40/2021/TT-BTC quy định cá nhân cho thuê tài sản không phát sinh doanh thu đủ 12 tháng trong năm dương lịch (bao gồm cả trường hợp có nhiều hợp đồng cho thuê) thì: Mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân cho thuê tài sản không phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN là doanh thu tính thuế TNCN của một năm dương lịch (12 tháng). Thông tư 100/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.

18. Ngày 30/11/2021, Thống đốc NHNN ban hành Thông tư 20/2021/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 25/2015/TT-NHNN hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội.

Theo đó, Thông tư 20 đã bỏ quy định về ưu đãi lãi suất khi vay vốn mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; kể từ ngày 20/01/2022, đối tượng được vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội chỉ gồm:

- Đối tượng vay vốn để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội quy định tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định 100/2015/NĐ-CP.

- Đối tượng vay vốn xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 100/2015/NĐ-CP.

Mức vốn cho vay đối với khách hàng vay vốn ưu đãi để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở của mình như sau:

- Mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay.

- Mức vốn cho vay tối đa không quá 500 triệu đồng và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.(Thông tư 20 đã giới hạn mức vốn cho vay không quá 500 triệu đồng so với Thông tư hiện hành)

Thông tư 20/2021/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 20/01/2022.

VCCI Thanh Hóa tổng hợp