Bản tin pháp luật số 10/2021

Đăng lúc: 15:11:46 12/11/2021 (GMT+7)

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của pháp luật, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa tổng hợp một số văn bản pháp luật mới ban hành có liên quan đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp

 MỘT SỐ VĂN BẢN PHÁP LUẬT MỚI BAN HÀNH, CÓ HIỆU LỰC LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG CỦA DOANH NGHIỆP

(Từ 12/10/2021 đến 11/11/2021) 

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của pháp luật, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa tổng hợp một số văn bản pháp luật mới ban hành có liên quan đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp như sau:

1.     Sửa điều kiện nhận tiền hỗ trợ do tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ không lương 

Đây là nội dung tại Nghị quyết 126/NQ-CP ngày 08/10/2021 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Cụ thể, điều kiện nhận tiền hỗ trợ do tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ không lương như sau: 

- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, đang tham gia BHXH bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương;

- Có thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp đồng lao động từ 15 ngày liên tục trở lên, tính từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 và thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương tính từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021;

Thuộc một trong các trường hợp sau: 

+ Phải điều trị COVID-19, cách ly y tế, trong các khu vực bị phong tỏa, không thể đến địa điểm làm việc do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19; 

+ Do người sử dụng lao động tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 

+ Hoặc có trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị 16 hoặc bố trí lại sản xuất, lao động để phòng, chống dịch COVID-19. 

Mức hỗ trợ một lần như sau: 

- Từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 01 tháng: 1.855.000 đồng/người; 

- Từ 01 tháng trở lên: 3.710.000 đồng/người. 

Như vậy, chính sách hỗ trợ tiền mặt cho lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương được sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng đối tượng hưởng chính sách là “người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, đang tham gia BHXH bắt buộc” chứ không quy định cụ thể làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập, cơ sở giáo dục,... 

2.     Ban hành Quy định về thích ứng an toàn với dịch COVID-19 

Ngày 11/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".  Theo đó, phân loại cấp độ dịch thành 04 cấp sau đây: 

- Cấp 1: Nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh. 

- Cấp 2: Nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng. 

- Cấp 3: Nguy cơ cao tương ứng với màu cam. 

- Cấp 4: Nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ. 

Về tiêu chí đánh giá cấp độ dịch, bao gồm: 

- Tỷ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/số dân/thời gian. 

- Độ bao phủ vắc xin (lưu ý nhóm tuổi có nguy cơ cao, tỷ lệ tiêm mũi thứ nhất, tỷ lệ tiêm đủ liều). 

- Khả năng thu dung, điều trị của các tuyến (lưu ý xác định rõ khả năng thu dung, điều trị hiện có và kế hoạch bổ sung). 

Nghị quyết 128/NQ-CP được ban hành ngày 11/10/2021 

3. Định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên theo tiêu chí biên chế          Theo Quyết định 30/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên theo tiêu chí biên chế năm 2022 được quy định như sau: 

- Áp dụng định mức chung đối với khối các cơ quan TAND tối cao, VKSND tối cao, Bộ Tư pháp, Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ:  Định mức phân bổ 72 triệu đồng/biên chế. 

- Áp dụng định mức theo phương pháp lũy thoái đối với các bộ, cơ quan trung ương còn lại:  Số biên chế do cơ quan có thẩm quyền giao cho từng bộ, cơ quan trung ương chia thành các bậc khác nhau với quy mô biên chế của bậc đầu tiên là 100 biên chế trở xuống.  Định mức phân bổ ngân sách giảm dần theo các bậc biên chế, cụ thể như sau: 

+ Từ 100 biên chế trở xuống: Định mức phân bổ 70 triệu đồng/biên chế; 

+ Từ biên chế thứ 101 đến 500: Định mức phân bổ 65 triệu đồng/biên chế; 

+ Từ biên chế thứ 501 đến 1.000: Định mức phân bổ 61 triệu đồng/biên chế; 

+ Từ biên chế thứ 1.001 trở lên: Định mức phân bổ 57 triệu đồng/biên chế. 

Quyết định 30/2021/QĐ-TTg có hiệu lực kể từ ngày 10/10/2021. 

4. Tổ chức dạy, học trực tiếp tại những vùng kiểm soát được dịch 

Nội dung này được đề cập tại Nghị quyết 127/NQ-CP ngày 08/10/2021 về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2021.  Theo đó, Chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương thực hiện một số nội dung trọng tâm sau: 

- Tổ chức dạy và học trực tiếp tại những vùng kiểm soát được dịch COVID-19 và bảo đảm an toàn ngay từ tháng 10 năm 2021. 

- Không ban hành các quy định mới và bãi bỏ ngay những yêu cầu, điều kiện trái với quy định của cơ quan Trung ương và gây khó khăn cho người lao động, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh.  Các địa phương phối hợp chặt chẽ để tổ chức việc di chuyển của người dân, người lao động bảo đảm trật tự, an toàn, an dân; hỗ trợ, tạo điều kiện cho người lao động ở lại địa phương làm việc… 

5. Ngày 11/10/2021, Bộ trưởng Bộ Tài Chính ban hành Thông tư 88/2021/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán cho các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. 

Theo đó, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh áp dụng chứng từ kế toán theo danh mục sau đây: 

- Các chứng từ theo Thông tư 88/2021/TT-BTC gồm: 

+ Phiếu thu: Mẫu số 01-TT; 

+ Phiếu chi: Mẫu số 02-TT; 

+ Phiếu nhập kho: Mẫu số 03-VT; 

+ Phiếu xuất kho: Mẫu số 04-VT; 

+ Bảng thanh toán tiền lương và các khoản thu nhập của người lao động: Mẫu số 05-LĐTL. 

- Các chứng từ quy định theo pháp luật khác: 

+ Hóa đơn; 

+ Giấy nộp tiền và NSNN; 

+ Giấy báo Nợ, Giấy báo Có của ngân hàng; 

+ Ủy nhiệm chi. 

Thông tư 88/2021/TT-BTC có hiệu lực ngày 01/01/2022.

6. Sửa quy định cho vay đặc biệt với TCTD được kiểm soát đặc biệt 

Từ ngày 27/10/2021, Thông tư 08/2021/TT-NHNN quy định về cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng (TCTD) được kiểm soát đặc biệt, có hiệu lực thi hành. Theo đó, sửa đổi quy định cho vay đặc biệt với TCTD được kiểm soát đặc biệt, đơn cử như:        - Về thời hạn cho vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản đối với TCTD khi TCTD có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống trong thời gian TCTD được kiểm soát đặc biệt: Do Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định nhưng dưới 12 tháng.   

Hiện hành, theo Thông tư 01/2018/TT-NHNN thì tối đa là 02 năm (24 tháng).  (Trường hợp này bao gồm cả trường hợp TCTD đang thực hiện phương án cơ cấu lại, phương án chuyển nhượng đã được phê duyệt). 

- Với các TCTD có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống trong thời gian TCTD được kiểm soát đặc biệt nêu trên:  Thông tư 08/2021 cũng bổ sung quy định bên đi vay phải sử dụng tài sản bảo đảm theo thứ tự ưu tiên. 

7. 116 định mức kinh tế - kỹ thuật cho ngành, nghề về đào tạo trình độ trung cấp, Cao đẳng 

Bộ LĐTB&XH ban hành Thông tư 10/2021/TT-BLĐTBXH về 116 định mức kinh tế - kỹ thuật cho các ngành, nghề về đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng, đơn cử như:  

- Điêu khắc trình độ trung cấp được quy định tại Phụ lục 1a; 

- Điêu khắc trình độ cao đẳng được quy định tại Phụ lục 1b; 

- Nghệ thuật biểu diễn dân ca trình độ trung cấp được quy định tại Phụ lục 2a; 

- Nghệ thuật biểu diễn dân ca trình độ cao đẳng được quy định tại Phụ lục 2b; 

- Biểu diễn nhạc cụ truyền thống trình độ trung cấp được quy định tại Phụ lục 3a;  - Biểu diễn nhạc cụ truyền thống trình độ cao đẳng được quy định tại Phụ lục 3b;…        Thông tư 10/2021/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 25/10/202

8. Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH14 ngày 19/10/2021 về giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19. 

Theo đó, giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2021 với trường hợp người nộp thuế theo quy định của Luật Thuế TNDN:  

- Có doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng;

- Doanh thu năm 2021 giảm so với doanh thu năm 2019. 

Lưu ý: Không áp dụng tiêu chí doanh thu năm 2021 giảm so với doanh thu năm 2019 đối với trường hợp người nộp thuế mới thành lập, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách trong kỳ tính thuế năm 2020, năm 2021. 

Bên cạnh đó, miễn thuế TNCN, thuế GTGT và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh các tháng quý III, IV năm 2021 với:  Hộ, cá nhân tại địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch COVID-19 trong năm 2021 do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định. 

Không áp dụng miễn thuế với khoản thu nhập, doanh thu từ cung cấp sản phẩm và dịch vụ phần mềm, sản phẩm và dịch vụ nội dung thông tin số về giải trí, trò chơi điện tử, phim số, ảnh số, nhạc số; quảng cáo số. 

Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH14 có hiệu lực từ ngày ký và được hướng dẫn bởi Nghị định 92/2021/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Nghị quyết 406/NQ-UBTVQH15 về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.  Theo đó, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng với tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế, gồm: 

- Doanh nghiệp được thành lập theo quy định; 

- Tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã; 

- Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định; 

- Tổ chức khác được thành lập theo quy định có hoạt động SXKD có thu nhập.        Đối tượng được miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường phải nộp phát sinh từ hoạt động SXKD của các tháng trong quý III và IV năm 2021 là:  Hộ, cá nhân kinh doanh là cá nhân cư trú hoạt động trong mọi ngành nghề, hình thức khai, nộp thuế, có hoạt động SXKD tại các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch Covid-19 trong năm 2021. 

Chủ tịch UBND cấp tỉnh căn cứ Thông báo trong năm 2021 của cơ quan có thẩm quyền tại địa phương liên quan đến dịch Covid-19:  Trong đó có nội dung dừng hoặc ngừng hoặc tạm ngừng hoạt động SXKD đối với một hoặc nhiều hộ, cá nhân kinh doanh trên địa bàn (gồm cả việc phong tỏa, cách ly xã hội một hoặc nhiều khu vực trên địa bàn) để ban hành Danh sách các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch Covid-19.       Nghị định 92/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 19/10/2021.

9. Ngày 20/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 32/2021/QĐ-TTg về hạn mức trả tiền bảo hiểm. 

Theo đó, quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi như sau:  Số tiền tối đa tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125.000.000 đồng.  Như vậy, hạn mức trả tiền bảo hiểm này đã tăng so với hạn mức bảo hiểm theo quy định hiện hành tại Điều 3 Quyết định 21/2017/QĐ-TTg là 75.000.000 đồng. 

Lưu ý: Đối với các khoản tiền gửi đã phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm nhưng chưa được chi trả theo quy định tại Luật Bảo hiểm tiền gửi trước ngày 12/12/2021 thì:  Hạn mức trả tiền bảo hiểm thực hiện theo quy định tại Quyết định 21/2017/QĐ-TTg ngày 15/6/2017. 

Quyết định 32/2021/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 12/12/2021 và thay thế Quyết định 21/2017/QĐ-TTg ngày 15/6/2017.  

10. Ngày 08/10/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 87/2021/TT-BTC quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước 

Theo đó, quy định giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử (HĐĐT) trong hoạt động nghiệp vụ KBNN.  Đơn cử như, HĐĐT trong hoạt động nghiệp vụ KBNN có giá trị là bản gốc khi được thực hiện một trong các biện pháp sau: 

- Hợp đồng điện tử được ký số bởi tất cả các bên tham gia hợp đồng. 

- Hệ thống thông tin có biện pháp bảo đảm toàn vẹn hợp đồng điện tử trong quá trình truyền nhận, lưu trữ trên hệ thống; Ghi nhận các bên tham gia hợp đồng và áp dụng một trong các biện pháp sau để xác thực các bên tham gia hợp đồng: Xác thực bằng chữ ký số, xác thực bằng sinh trắc học, xác thực từ hai yếu tố trở lên trong đó có yếu tố là mã xác thực dùng một lần hoặc mã xác thực ngẫu nhiên. 

- Biện pháp khác mà các bên tham gia hợp đồng thống nhất lựa chọn, bảo đảm tính toàn vẹn của dữ liệu, tính xác thực, tính chống chối bỏ, phù hợp với quy định của Luật Giao dịch điện tử. 

Thông tư 87/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/12/2021 và thay thế Thông tư 133/2017/TT-BTC ngày 15/12/2017.

11. Ngày 21/10/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 91/2021/TT-BTC sửa đổi Thông tư 191/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định đánh giá trữ lượng khoáng sản. 

Theo đó, sửa đổi quy định về quản lý và sử dụng phí thẩm định đánh giá trữ lượng khoáng sản như sau:  Tổ chức thu phí được để lại 70% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí và nộp 30% vào NSNN;  Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước không thuộc diện được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định thì phải nộp 100% tiền phí thu được vào NSNN.  (Hiện hành, theo Thông tư 191/2016/TT-BTC thì tổ chức thu phí được giữ lại 90% số tiền phí thu được và nộp 10% vào NSNN).  Tiền phí được để lại được quản lý và sử dụng theo quy định tại Điều 5 Nghị định 120/2016/NĐ-CP ngày 23/8/2016; trong đó, các khoản chi khác liên quan đến thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí, bao gồm cả:  Chi phí cho hoạt động kiểm tra thực địa khu vực thăm dò khoáng sản, kiểm tra, đánh giá và tổ chức họp thẩm định, họp hội đồng thẩm định, đánh giá trữ lượng khoáng sản (bao gồm cả chi nhận xét, báo cáo thẩm định). 

Thông tư 91/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 15/12/2021.  

12. Chỉ thị 28/CT-TTg ngày 26/10/2021 tăng cường thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới. 

Theo đó, nhằm kích thích tiêu dùng hàng Việt Nam trong tình hình mới, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố thực hiện một số nhiệm vụ sau: 

- Tập trung rà soát, bãi bỏ và cắt giảm các thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện cho sản xuất, lưu thông phân phối hàng hóa và tiêu dùng; Chú trọng xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn phát triển sản xuất kinh doanh, hệ thống dịch vụ phân phối đưa hàng Việt Nam về nông thôn, vùng sâu, vùng xa,… 

- Tiếp tục chỉ đạo và tổ chức thực hiện Cuộc vận động ở địa phương; gắn thực hiện Cuộc vận động với các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ phát triển kinh tế, chương trình bình ổn thị trường ở địa phương; 

- UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bố trí kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động, đồng thời có kế hoạch huy động các nguồn lực xã hội hóa để hưởng ứng các hoạt động của Cuộc vận động; 

- Tiến hành rà soát, lựa chọn các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của địa phương để xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình quảng bá, giới thiệu, tăng cường giao lưu, kết nối cung cầu hàng hóa cấp vùng, miền;… 

13. Giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết năm 2023    Chính phủ ban hành Nghị định 94/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 168/2017/NĐ-CP về mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành, có hiệu lực từ ngày 28/10/2021. Theo đó, quy định mức ký quỹ kinh doanh doanh dịch vụ lữ hành như sau: 

- Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa: 20 triệu đồng (trước đây là 100 triệu đồng); 

- Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế: 

+ Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam: 50 triệu đồng (trước đây là 250 triệu đồng); 

+ Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch ra nước ngoài: 100 triệu đồng (trước đây là 500 triệu đồng); 

+ Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài: 100 triệu đồng (trước đây là 500 triệu đồng). 

Như vậy, từ ngày 28/10/2021 đến hết ngày 31/12/2021, giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành. 

14. Chính thức cho phép cá nhân được kêu gọi quyên góp từ thiện 

Ngày 27/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Theo đó, quy định các tổ chức, cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện bao gồm: 

- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Ban Vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện (là tổ chức do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp thành lập); 

- Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; 

- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã (khi được UBND cấp huyện ủy quyền theo quy định); 

- Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai. 

- Các cơ quan thông tin đại chúng, cơ sở y tế. 

- Các quỹ từ thiện quy định tại Nghị định 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019. 

- Các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có tư cách pháp nhân. 

- Cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự.  So với quy định hiện hành, bổ sung trường hợp cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự được vận động, kêu gọi quyên góp từ thiện. 

Nghị định 93/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ 11/12/2021 và thay thế Nghị định 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008.

15. Ngày 29/10/2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư 14/2021/TT-BCT hướng dẫn thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len về phòng vệ thương mại (UKVFTA). 

Theo đó, quy định biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp như sau: 

- Xem xét lợi ích kinh tế - xã hội: 

+ Bộ Công Thương quyết định không áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp:  Nếu dựa trên các thông tin sẵn có trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra kết luận rõ ràng rằng việc áp dụng biện pháp không phù hợp với lợi ích kinh tế - xã hội. 

+ Khi đánh giá lợi ích kinh tế - xã hội, dựa trên các thông tin có liên quan được cung cấp, Cơ quan điều tra: Sẽ xem xét tình hình của ngành sản xuất trong nước, các nhà nhập khẩu, các hiệp hội có liên quan, tổ chức, cá nhân sử dụng, tiêu dùng hàng hóa bị điều tra.

- Quy tắc thuế suất thấp hơn 

Thuế chống bán phá giá hoặc thuế chống trợ cấp không được cao hơn biên độ bán phá giá hoặc mức trợ cấp. 

+ Căn cứ vào kết luận của Cơ quan điều tra, Bộ Công Thương sẽ xem xét áp dụng mức thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp thấp hơn biên độ bán phá giá hoặc mức trợ cấp nếu mức thuế thấp hơn này đủ để loại bỏ thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước.  Thông tư 14/2021/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 15/12/2021.  

16. Ngày 26/10/2021, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư 12/2021/TT-BNNPTNT hướng dẫn việc thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp tái sử dụng cho mục đích khác. 

Theo đó, hướng dẫn việc xử lý chất thải chăn nuôi như sau: 

- Chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ: 

+ Chăn nuôi nông hộ được xử lý bằng một hoặc một nhóm các biện pháp như ủ compost, công nghệ khí sinh học (biogas), chế phẩm sinh học,…; 

+ Chăn nuôi trang trại đã qua xử lý đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được sử dụng cho cây trồng hoặc làm thức ăn cho thủy sản.  Trong thời gian chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, việc xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ thực hiện theo hướng dẫn của các cơ quan quản lý chuyên ngành. 

- Nước thải chăn nuôi: 

+ Chăn nuôi nông hộ được xử lý bằng một hoặc một nhóm các biện pháp như công nghệ khí sinh học, ao sinh học, chế phẩm sinh học, …; 

+ Trong chăn nuôi trang trại đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng, được sử dụng tưới cho cây trồng hoặc mục đích khác trong khuôn viên trang trại;…  Khuyến khích sử dụng chế phẩm sinh học, ứng dụng tiến bộ công nghệ, kỹ thuật mới trong quá trình xử lý chất thải chăn nuôi. 

Thông tư 12/2021/TT-BNNPTNT có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2022.

17. Nghị định 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 sửa đổi Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. 

Theo đó, thời gian điều hành giá xăng dầu là vào các ngày mùng 01, 11 và 21 hàng tháng.  Như vậy, theo quy định mới, cứ 10 ngày sẽ điều chỉnh giá xăng dầu một lần.  Hiện hành, theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP thì thời gian giữa 02 lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 15 ngày đối với trường hợp giảm giá. Trong trường hợp kỳ điều hành giá xăng dầu rơi vào các thời gian ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ thì: 

+ Trường hợp trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ theo quy định thì thời gian điều hành được lùi sang ngày làm việc kế tiếp theo sau ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ. 

+ Trường hợp trùng vào dịp Tết Nguyên đán, thời gian điều hành được lùi sang kỳ điều hành tiếp theo. 

Đồng thời có một số thay đổi về điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh XNK xăng dầu như sau: 

- Có kho tiếp nhận xăng dầu nhập khẩu dung tích tối thiểu 15.000 m3 để trực tiếp nhận xăng dầu từ tàu chở xăng dầu và phương tiện vận tải xăng dầu chuyên dụng khác, thuộc sở hữu của doanh nghiệp hoặc thuê sử dụng của thương nhân kinh doanh xăng dầu từ 05 năm trở lên. (So với trước đây, bỏ trường hợp phương tiện vận tải xăng dầu thuộc "đồng sở hữu"). 

- Có phương tiện vận tải xăng dầu nội địa thuộc sở hữu của doanh nghiệp hoặc thuê sử dụng của thương nhân kinh doanh xăng dầu từ 05 năm trở lên. (So với trước đây, bỏ trường hợp phương tiện vận tải xăng dầu nội địa thuộc "đồng sở hữu"). 

- Có hệ thống phân phối xăng dầu: tối thiểu 10 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu hoặc thuê với thời hạn thuê từ 05 năm trở lên, trong đó có ít nhất 05 cửa hàng thuộc sở hữu của doanh nghiệp; tối thiểu 40 tổng đại lý kinh doanh xăng dầu hoặc đại lý bán lẻ xăng dầu hoặc thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của thương nhân. (So với trước đây, bỏ trường hợp cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc "đồng sở hữu" của doanh nghiệp; Đồng thời bổ sung quy định "có ít nhất 05 cửa hàng thuộc sở hữu của doanh nghiệp" và đối tượng "thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu").

Nghị định 95/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 02/01/2022.

18. Ngày 06/11/2021, Thủ tướng ban hành Quyết định 33/2021/QĐ-TTg sửa đổi Quyết định 23/2021/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động gặp khó khăn do COVID-19. 

Theo đó, sẽ hỗ trợ cho NLĐ làm việc theo HĐLĐ phải tạm hoãn thực hiện HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương do thuộc một trong các trường hợp sau: 

- Phải điều trị COVID-19, cách ly y tế, trong các khu vực bị phong tỏa, không thể đến địa điểm làm việc do yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19; 

- Do người sử dụng lao động bị tạm dừng hoạt động toàn bộ hoặc một phần theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19;  Hoặc có trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng; Hoặc áp dụng các biện pháp không hoạt động/ngừng hoạt động/hoạt động hạn chế/hoạt động có điều kiện/hoạt động hạn chế, có điều kiện theo quy định tại Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ;  Hoặc bố trí lại sản xuất, lao động để phòng, chống dịch COVID-19.  (Trước đó, tại Quyết định 23/2021/QĐ-TTg chỉ quy định đối tượng được hỗ trợ là NLĐ làm việc tại cơ sở tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19).

19. Bổ sung quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng 

Nội dung này được quy định tại Thông tư 15/2021/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 16/2012/TT-NHNN hướng dẫn Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.  Cụ thể, bổ sung quy định đối với trường hợp doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có nhu cầu nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ đề nghị cấp phép theo cơ chế một cửa quốc gia thì:  Gửi hồ sơ theo quy định tại Điều 12 Thông tư 16/2012/TT-NHNN đến cổng thông tin một cửa quốc gia để được cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu.  Đồng thời, bổ sung thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ theo cơ chế một cửa quốc gia. (bổ sung khoản 5 vào Điều 15)    Thông tư 15/2021/TT-NHNN (có hiệu lực từ ngày 20/11/2021)

20. Ngày 08/11/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 97/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 23/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.       Theo đó, quy định về Giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc như sau: 

- Doanh nghiệp bảo hiểm phải cấp GCN bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho bên mua bảo hiểm. 

- GCN bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc do doanh nghiệp bảo hiểm chủ động thiết kế và phải bao gồm các nội dung sau đây: 

+ Tên, địa chỉ của doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm;  

+  Thuộc danh mục cơ sở (nêu rõ thuộc danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ nào theo quy định pháp luật về phòng cháy và chữa cháy); 

+ Địa chỉ tài sản được bảo hiểm; 

+ Tài sản được bảo hiểm; 

+ Số tiền bảo hiểm; 

+ Mức khấu trừ bảo hiểm; 

+ Thời hạn bảo hiểm; 

+ Tỷ lệ phí bảo hiểm, phí bảo hiểm; 

+ Tên, địa chỉ, số điện thoại đường dây nóng của doanh nghiệp bảo hiểm; (Nội dung mới bổ sung) 

+ Ngày, tháng, năm cấp GCN bảo hiểm. 

- Trường hợp cấp GCN bảo hiểm điện tử, doanh nghiệp bảo hiểm phải tuân thủ các quy định của Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn thi hành;  GCN bảo hiểm điện tử phải tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành và phản ánh đầy đủ các nội dung như trên.

Như vậy, thay vì áp dụng mẫu GCN bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo Phụ lục I  Nghị định 23/2018/NĐ-CP thì doanh nghiệp bảo hiểm sẽ được chủ động thiết kế giấy chứng nhận này. 

Nghị định 97/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 23/12/2021.  

VCCI Thanh Hóa tổng hợp

Bản tin pháp luật số 10.doc
Từ khóa bài viết: