Bản tin pháp luật số 1.2022

Đăng lúc: 16:08:50 11/01/2022 (GMT+7)

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của pháp luật, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa tổng hợp một số văn bản pháp luật mới ban hành có liên quan đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp

 MỘT SỐ VĂN BẢN PHÁP LUẬT MỚI BAN HÀNH, CÓ HIỆU LỰC LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG CỦA DOANH NGHIỆP

(Từ 13/12/2021 đến 12/01/2022) 

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của pháp luật, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa tổng hợp một số văn bản pháp luật mới ban hành có liên quan đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp như sau:

          1. Ngày 09/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 111/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa, trong đó có sửa đổi quy định về xuất xứ hàng hóa.

          Cụ thể, tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa của mình bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam hoặc các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. (So với hiện hành, bổ sung đối tượng là tổ chức, cá nhân xuất khẩu hàng hóa).Xuất xứ hàng hóa ghi trên nhãn thể hiện bằng một trong các cụm từ sau: “sản xuất tại”; “chế tạo tại”; “nước sản xuất”; “xuất xứ”; “sản xuất bởi”; “sản phẩm của” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc ghi theo quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa.(So với hiện hành, bổ sung cụm từ “sản phẩm của”). Trường hợp hàng hóa không xác định được xuất xứ theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 43/2017/NĐ-CP thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa.Thể hiện bằng một trong các cụm hoặc kết hợp các cụm từ thể hiện công đoạn hoàn thiện hàng hóa như sau: “lắp ráp tại”; “đóng chai tại”; “phối trộn tại”; “hoàn tất tại”; “đóng gói tại”; “dán nhãn tại” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa.

          Nghị định 111/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/02/2022.

         2.   Ngày 10/12/2021, Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành Thông tư 22/2021/TT-BCT quy định về quản lý, sử dụng biểu mẫu trong hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng Quản lý thị trường.

         Theo đó, có 05 mẫu Quyết định (QĐ), 02 mẫu Biên bản (BB) và 06 biểu mẫu sử dụng chung trong hoạt động kiểm tra và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Quản lý thị trường, cụ thể như sau:

         + QĐ kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh (SXKD) hàng hóa, dịch vụ (QĐ-KT);

         + QĐ sửa đổi, bổ sung QĐ kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong SXKD hàng hóa, dịch vụ (QĐ-SĐBSKT);

         + QĐ về việc giao quyền ban hành QĐ kiểm tra (QĐ-GQ);

         + QĐ phân công công chức thực hiện biện pháp nghiệp vụ (QĐ-NV);

         + QĐ về việc kéo dài/gia hạn thời hạn thẩm tra, xác minh (QĐ-KDGH);

         + BB kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong SXKD hàng hóa, dịch vụ (BB-KT);

         + BB xác minh/làm việc (BB-XMLV);

         + Báo cáo (BC-(số hiệu CC));

         + Đề xuất kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật trong SXKD hàng hóa, dịch vụ/Khám…theo thủ tục hành chính. (ĐX-(số hiệu CC));

         + Phương án kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật trong SXKD hàng hóa, dịch vụ/Khám…theo thủ tục hành chính (PA);

         + Bảng kê (BK);

         + Phụ lục (PL);

         + Sổ nhật ký công tác.

         Thông tư 22/2021/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 01/02/2022 và thay thế Thông tư 26/2013/TT-BCT ngày 30/10/2013, Thông tư 08/2018/TT-BCT ngày 02/5/2018.

3.   Tăng thời gian làm thêm tối đa với lao động thời vụ lên 40 giờ/tháng

Ngày 15/12/2021, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH ban hành Thông tư 18/2021/TT-BLĐTBXH quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc sản xuất có tính thời vụ, công việc gia công theo đơn đặt hàng. Theo đó, giới hạn giờ làm việc tiêu chuẩn và giờ làm thêm như sau:

- Tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ngày;

- Tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm không quá 72 giờ/tuần; (Hiện hành là 60 giờ/tuần);

- Tổng số giờ làm thêm không quá 40 giờ/tháng; (Hiện hành là 32 giờ/tháng);

- Tổng số giờ làm thêm đối với mỗi người lao động không quá 300 giờ/năm.  

Như vậy, kể từ ngày 01/02/2022, thời gian làm việc, làm thêm tối đa của người làm công việc thời vụ, công việc gia công theo đơn đặt hàng tăng 8 giờ/tuần và 8 giờ/tháng.

Thông tư 18/2021/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ 01/02/2022 và thay thế Thông tư 54/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/12/2015.

4. Thay đổi chế độ ăn của người bị tạm giam

Ngày 14/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 113/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 120/2017/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015, trong đó thay đổi chế độ ăn của người bị tạm giam. Theo đó, định mức ăn trong 1 tháng của người bị tạm giam có một số điều chỉnh tăng như sau:

- 17 kg gạo tẻ;

- 15 kg rau xanh;

-  01 kg thịt lợn (trước đây là 0,7 kg thịt);

- 01 kg cá (trước đây là 0,8 kg);

- 0,5 kg đường;

- 0,75 lít nước mắm;

- 0,2 lít dầu ăn (nội dung mới);

- 0,1 kg bột ngọt;

- 0,5 kg muối (trước đây là 01 kg);

- Gia vị khác tương đương 0,5 kg gạo tẻ và chất đốt tương đương 17 kg củi hoặc 15 kg than.

Nghị định 113/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 14/12/2021.

5. Nghệ sĩ phải công khai, không tư lợi cá nhân khi làm từ thiện

Theo Quyết định 3196/QĐ-BVHTTDL ngày 13/12/2021 ban hành quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, nghệ sĩ phải công khai, minh bạch khi hoạt động từ thiện. Cụ thể, nghệ sĩ phải phát huy tinh thần tự nguyện, tự giác tham gia các hoạt động xã hội.

- Thực hiện, phối hợp thực hiện hiệu quả các phong trào, hoạt động từ thiện, nhân đạo, chăm lo người nghèo, người dễ bị tổn thương trong xã hội theo quy định pháp luật. Hiện nay, việc cá nhân (trong đó có nghệ sĩ) tham gia hoạt động kêu gọi, quyên góp từ thiện được điều chỉnh bởi Nghị định 93/2021/NĐ-CP .

- Đồng thời, nghệ sĩ phải công khai, minh bạch kịp thời khi tham gia các hoạt động xã hội, bảo vệ uy tín, trách nhiệm, danh dự người hoạt động nghệ thuật, không lạm dụng danh hiệu, danh xưng, hình ảnh để tư lợi cá nhân.

- Tham gia hoạt động quảng cáo phải đảm bảo truyền đạt thông tin trung thực, chính xác, rõ ràng về công dụng, tính năng của sản phẩm, hàng hóa đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là các sản phẩm trong lĩnh vực y tế, giáo dục và môi trường.

- Không tổ chức, tham gia các hoạt động trái quy định của pháp luật, xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; không thực hành, ủng hộ các hoạt động mê tín dị đoan, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Quyết định 3196/QĐ-BVHTTDL có hiệu lực từ ngày 13/12/2021.

6.   Hỗ trợ từ 1,5 - 3 triệu đồng cho đoàn viên, NLĐ là F0.

Theo Quyết định 3749/QĐ-TLĐ ngày 15/12/2021 về việc chi hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 thì đoàn viên, người lao động là F0 được hỗ trợ từ 1,5 - 3 triệu đồng.

Cụ thể, đoàn viên, người lao động là ca bệnh F0, không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch Covid-19 được hỗ trợ với 02 mức sau:

- Tối đa là 3.000.000 đồng/người nếu có triệu chứng bệnh nặng, phải điều trị từ 21 ngày trở lên tại bệnh viện, cơ sở y tế được thu dung điều trị Covid- 19 theo các giấy tờ xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền. (Bổ sung điều kiện có triệu chứng bệnh nặng, phải điều trị từ 21 ngày trở lên tại bệnh viện, cơ sở y tế được thu dung điều trị Covid- 19 theo các giấy tờ xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền)

- Tối đa là 1.500.000 đồng/người nếu phải điều trị ngoại trú từ 21 ngày trở lên hoặc điều trị nội trú dưới 21 ngày tại bệnh viện, cơ sở y tế được thu dung điều trị Covid-19 theo các giấy tờ xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền (Nội dung mới bổ sung).

- Đoàn viên, người lao động tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn bị tử vong do nhiễm vi rút SARS-CoV-2 thì thân nhân của họ được hỗ trợ là 5.000.000 đồng/người.

- Các trường hợp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 khác cần hỗ trợ giao Ban thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chủ động xem xét, quyết định theo các quy định về phân cấp tài chính của Tổng Liên đoàn phù hợp với tình hình thực tế, yêu cầu phòng, chống dịch và nguồn tài chính công đoàn được phê duyệt trong năm.

Quyết định 3749/QĐ-TLĐ có hiệu lực từ 15/12/2021 và thay thế Quyết định 2606/QĐ-TLĐ ngày 19/5/2021, Quyết định 3022/QĐ-TLĐ ngày 09/8/2021.Ngày 16/12/2021,

7.   Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành Thông tư 34/2021/TT-BGTVT quy định về quản lý, hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ.

Theo đó, kinh phí hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe được quy định như sau:

- Đối với Trạm kiểm tra tải trọng xe do cơ quan quản lý đường bộ trực tiếp quản lý, kinh phí hoạt động được bố trí từ:

+ Nguồn chi sự nghiệp kinh tế đường bộ (không bao gồm tiền lương, phụ cấp theo lương đối với người đã được hưởng lương từ ngân sách nhà nước); Trong đó, nguồn từ ngân sách Trung ương đối với Trạm là tài sản công do Bộ Giao thông vận tải quản lý, nguồn từ ngân sách địa phương đối với Trạm là tài sản công do Ủy ban nhân dân các cấp quản lý;

+ Các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

- Đối với Trạm kiểm tra tải trọng xe do Tổ chức được giao quản lý, bảo trì đường bộ quản lý, vận hành được bố trí từ: Nguồn chi phí quản lý, vận hành khai thác và bảo trì của dự án, được tính vào phương án tài chính của Hợp đồng dự án PPP (đối với Dự án đầu tư xây dựng, vận hành khai thác theo phương thức đối tác công tư).

Thông tư 34/2021/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 15/02/2022 và thay thế Thông tư 10/2012/TT-BGTVT.

8.   Ngày 16/12/2021, Bộ trưởng Bộ Công thương có Thông tư 24/2021/TT-BCT về nguyên tắc điều hành nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng muối, trứng gia cầm và thuốc lá nguyên liệu năm 2022.

Theo đó, số lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu muối, trứng gia cầm và thuốc lá nguyên liệu năm 2022 như sau:

- Đối với mặt hàng trứng gà (mã số 0407.21.00 và 0407.90.10), trứng vịt, ngan (mã số 0407.29.10 và 0407.90.20), loại khác (mã số 0407.29.90 và 0407.90.90) là 63.860 tá (trứng thương phẩm không phôi).

- Đối với mặt hàng muối (mã số 2501) là 80.000 tấn (số lượng tạm phân đợt 1 năm 2022).

- Đối với mặt hàng thuốc lá nguyên liệu (mã số 2401) là 65.156 tấn.

Ngoài ra, đối tượng phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu bao gồm:

- Hạn ngạch thuế quan nhập khẩu muối được phân giao cho thương nhân trực tiếp sử dụng làm nguyên liệu sản xuất hóa chất, sản xuất thuốc, sản phẩm y tế.

- Hạn ngạch thuế quan nhập khẩu trứng gia cầm được phân giao cho thương nhân có nhu cầu nhập khẩu.

- Hạn ngạch thuế quan nhập khẩu thuốc lá nguyên liệu được phân giao cho các thương nhân có giấy phép sản xuất thuốc lá điếu và có nhu cầu sử dụng thuốc lá nguyên liệu nhập khẩu cho sản xuất thuốc lá điếu.

Thông tư 24/2021/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 01/02/2022 đến hết ngày 31/12/2022.

9. Ngày 15/12/2021, Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 15/2021/TT-BXD hướng dẫn về công trình hạ tầng kỹ thuật thu gom, thoát nước thải đô thị, khu dân cư tập trung.

Theo đó, nguyên tắc quản lý, xây dựng công trình thu gom, thoát nước thải bao gồm một số nội dung như sau:

- Đầu tư xây dựng các công trình thu gom, thoát nước thải đô thị và khu dân cư tập trung phải tuân thủ quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch thoát nước thải đô thị (nếu có) theo từng lưu vực thoát nước.

- Việc xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo công trình thu gom, thoát nước thải phải đồng bộ, bảo đảm kết nối với các công trình trên mạng lưới thoát nước và xử lý nước thải;

- Bảo đảm công suất để vận chuyển, xử lý lượng nước thải của khu vực, có dự phòng với khối lượng nước thải phát sinh và xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường theo quy định trước khi xả vào nguồn tiếp nhận.

-  Đô thị, khu dân cư tập trung mới phải xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải riêng biệt với hệ thống thoát nước mưa để tổ chức đấu nối, thu gom và vận chuyển nước thải, đáp ứng nhu cầu thoát nước trong khu vực …

Thông tư 15/2021/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 10/02/2022.

10. Ngày 20/12/2021 Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành Thông tư 25/2021/TT-BCT sửa đổi Thông tư 33/2019/TT-BCT Quy định Hệ thống tiêu chí của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Theo đó, bổ sung thêm tiêu chí xây dựng đề án thuộc Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam như sau: Nội dung hoạt động của các đề án phải phù hợp với nội dung hoạt động của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và được quy định tại Phụ lục 1a ban hành kèm Thông tư 25/2021.Hiện hành, tiêu chí xây dựng đề án thuộc Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam như sau:

- Đề án phải phù hợp với các quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 16 Nghị định 28/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về một số biện pháp phát triển ngoại thương.

- Đề án phải đáp ứng được một trong các mục tiêu:

+ Nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của thương hiệu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư;

+ Nâng cao năng lực xây dựng, phát triển, quản trị thương hiệu cho doanh nghiệp nhằm đáp ứng tiêu chí của Chương trình;

+ Quảng bá Thương hiệu quốc gia Việt Nam gắn với quảng bá thương hiệu sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Thông tư 25/2021/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 07/02/2022.

11. Bộ Tài chính ban hành Thông tư 112/2021/TT-BTC mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực quản lý nuôi trồng thủy sản.

Theo đó, biểu phí thu trong lĩnh vực quản lý nuôi trồng thủy sản có một số thay đổi so với quy định hiện hành, cụ thể:

-  Phí thẩm định cấp giấy chứng nhận vật tư thủy sản (Thẩm định cấp giấy chứng nhận thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản nhập khẩu): Mức thu là 470.000 đồng/ lần/sản phẩm. (Hiện hành, mức thu bằng 470.000 đồng + Số lượng mẫu x 80.000 đồng/mẫu)

- Phí thẩm định kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực thủy sản (Thẩm định kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản đối với cơ sở sản xuất): Mức thu bằng 5.700.000 đồng/lần. (Hiện hành, phí thẩm định nêu trên được chia thành 2 trường hợp, nếu có hoạt động sản xuất thì mức thu là 5.700.000 đồng/ lần, nếu không có hoạt động sản xuất mức thu là 1.500.000 đồng/ lần).

Lưu ý: Mức phí trên chưa bao gồm chi phí đi lại của đoàn đánh giá, chi phí đi lại do tổ chức, cá nhân đề nghị thẩm định chi trả tùy tình hình thực tế, phù hợp với quy định.

Thông tư 112/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/02/2021 và thay thế Thông tư 284/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016.

12. Ngày 24/12/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 121/2021/TT-BTC về thủ tục hải quan hàng hóa nhập khẩu phục vụ phòng, chống Covid-19, nộp chứng từ hồ sơ hải quan và kiểm tra thực tế hàng hóa bối cảnh Covid-19.

Theo đó, điều kiện để người khai hải quan nộp chứng từ thuộc hồ sơ hải quan để giải quyết ách tắc hàng hóa khi thông quan trong bối cảnh dịch Covid 19 như sau:

- Người khai hải quan hoặc Chi cục hải quan có địa chỉ thuộc khu vực giãn cách, cách ly hoặc phong tỏa theo thông báo của cơ quan có thẩm quyền để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

- Thời gian phát sinh việc nộp chứng từ thuộc hồ sơ hải quan trong thời gian công bố của cơ quan có thẩm quyền về việc thực hiện các biện pháp giãn cách, cách ly hoặc phong tỏa.

Ngoài ra, Thông tư 121/2021 cũng quy định thời hạn nộp chứng từ:

- Người khai hải quan nộp bổ sung chứng từ bản giấy trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đăng ký từ khai hải quan. Trường hợp bất khả kháng kéo dài thêm 05 ngày làm việc kể từ khi hết thời hạn giãn cách, cách ly hoặc phong tỏa theo thông báo của cơ quan có thẩm quyền.

- Quá thời hạn, người khai hải quan bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật về hải quan.

Thông tư 121/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 24/12/2021.

13. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 18:2021/BXD về An toàn trong thi công xây dựng kèm theo Thông tư 16/2021/TT-BXD ngày 20/12/2021.

Theo đó, Quy chuẩn QCVN 18:2021/BXD quy định các yêu cầu về kỹ thuật và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng công trình cho người ở công trường xây dựng và khu vực lân cận công trường xây dựng.Quy chuẩn QCVN 18:2021/BXD thay thế Quy chuẩn QCVN 18:2014/BXD ban hành kèm theo Thông tư 14/2014/TT-BXD và có một số điểm mới sau đây:

- Bỏ quy định về các công tác hàn, công tác xây và công tác hoàn thiện;

- Theo QCVN 18:2014/BXD thì giàn giáo, giá đỡ và thang được gom thành một loại công tác. Còn QCVN 18:2021/BXD thì tách thành 2 mục khác nhau gồm:

+ Giàn giáo và thang;

+ Kết cấu chống đỡ tạm.

- Bổ sung mục "Yếu tố có hại, sơ cứu và dịch vụ y tế nghề nghiệp" và “Phương tiện bảo vệ cá nhân”.

Thông tư 16/2021/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 20/6/2022 và thay thế Thông tư 14/2014/TT-BXD ngày 05/9/2014. 

14. Nghị quyết 12/2021/NQ-UBTVQH15 cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 ban hành ngày 30/12/2021.

Theo đó, bổ sung trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá. Việc áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 được thực hiện theo quy định của pháp luật về giá. Ngoài ra, Nghị quyết còn đề cập đến nhiều chế độ, chính sách khác trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 như:

- Thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh COVID-19.

- Chế độ, chính sách đối với người được điều động, huy động tham gia phòng, chống dịch COVID-19 bị nhiễm COVID-19; người phải cách ly y tế sau thời gian làm việc tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19.

- Khám bệnh, chữa bệnh từ xa cho người bệnh COVID-19, người không thể tiếp cận cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do dịch bệnh COVID-19.

Nghị quyết 12/2021/NQ-UBTVQH15 có hiệu lực từ ngày 30/12/2021.

15. Ngày 31/12/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 127/2021/TT-BTC sửa đổi Thông tư 94/2020/TT-BTC sửa đổi Thông tư 307/2016/TT-BTC về chế độ thu, nộp phí quyền cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền

- Mức thu phí quyền cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền là 0,3% trên doanh thu tính phí từ hoạt động cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền (doanh thu), trong đó:

+ Kể từ ngày 01/01/2022, doanh thu là phần tổng doanh thu lớn hơn 50 tỷ đồng (không bao gồm thuế giá trị gia tăng) phát sinh từ hợp đồng với các thuê bao truyền hình trả tiền trong năm dương lịch.

+ Kể từ ngày 01/01/2023 trở đi, doanh thu là tổng doanh thu phát sinh từ hợp đồng với các thuê bao truyền hình trả tiền trong kỳ tính phí (không bao gồm thuế GTGT).

- Chế độ khai, nộp phí quyền cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền:

+ Kể từ 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2022, tính từ quý mà tổng doanh thu lũy kế từ ngày 01/01 năm dương lịch lớn hơn 50 tỷ đồng, doanh nghiệp tính và nộp phí đối với phần tổng doanh thu lớn hơn 50 tỷ đồng.

+ Kể từ ngày 01/01/2023 trở đi, doanh nghiệp tính và nộp phí đối với tổng doanh thu phát sinh trong quý.

+ Thời gian nộp phí chậm nhất là ngày 20 (hai mươi) tháng đầu của quý tiếp theo.

Thông tư 127/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.

16. Ngày 30/12/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 124/2021/TT-BTC hướng dẫn cơ chế tài chính, quản lý và sử dụng kinh phí chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, nội dung hỗ trợ nâng cao năng lực, nhận thức cho khu vực kinh tế tập thể gồm:

- Hỗ trợ nâng cao năng lực đối với công chức, viên chức của các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, Liên minh hợp tác xã, các hiệp hội, đoàn thể, tổ chức chính trị – xã hội, giảng viên về kinh tế tập thể trong các trường Đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp;

- Hỗ trợ nâng cao năng lực đối với thành viên, người lao động đang làm công tác quản lý, chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ của các tổ chức kinh tế tập thể (thành viên, người lao động kinh tế tập thể);

- Hỗ trợ đưa lao động trẻ về làm việc tại tổ chức kinh tế tập thể;

- Hỗ trợ xây dựng hệ thống đào tạo trực tuyến về kinh tế tập thể;

Thông tư 124/2021/TT-BTC có hiệu lực ngày 14/02/2022 và bãi bỏ Thông tư 340/2016/TT-BTC ngày 29/12/2016.

17. Ngày 29/12/2021, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư 22/2021/TT-BNNPTNT quy định về danh mục loài cây trồng lâm nghiệp chính; công nhận giống và nguồn giống cây trồng lâm nghiệp.

Theo đó, hủy bỏ quyết định công nhận giống cây trồng lâm nghiệp trong các trường hợp sau:

- Giống cây trồng lâm nghiệp bị thoái hóa, suy giảm về năng suất, chất lượng hoặc bị sâu bệnh hại ở mức độ nặng so với tiêu chuẩn quốc gia về giống cây trồng lâm nghiệp được công nhận; (So với hiện hành, bổ sung trường hợp bị sâu bệnh hại ở mức độ nặng so với tiêu chuẩn quốc gia về giống cây trồng lâm nghiệp được công nhận). 

- Giống cây trồng lâm nghiệp không còn vật liệu nhân giống. (Nội dung mới) Trong thời hạn 20 ngày làm việc từ ngày phát hiện hoặc nhận được thông tin phản ánh về tình trạng giống cây trồng lâm nghiệp thuộc một trong các trường hợp trên: Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức kiểm tra, quyết định hủy bỏ công nhận giống cây trồng lâm nghiệp theo Mẫu số 03 Phụ lục III và Mục A Phụ lục IV kèm theo Thông tư 22/2021. Trường hợp không hủy bỏ công nhận giống cây trồng lâm nghiệp, thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân.

Thông tư 22/2021/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 12/02/2022 và thay thế Thông tư 30/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018.

18. Ngày 15/12/2021, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH ban hành Thông tư 21/2021/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Theo đó, mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp dịch vụ với tổ chức, cá nhân trung gian nhưng không được vượt quá 0,5 tháng tiền lương theo hợp đồng của người lao động cho mỗi 12 tháng làm việc. Trường hợp hợp đồng lao động có thời hạn làm việc từ 36 tháng trở lên thì mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới không quá 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng của người lao động. Mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới đối với một số thị trường, ngành, nghề, công việc cụ thể được quy định tại Phụ lục X Thông tư 21/2021/TT-BLĐTBXH đơn cử như: 

- Mọi ngành, nghề tại thị trường Nhật Bản là 0 đồng;

- Thuyền viên tàu cá xa bờ, tàu vận tải tại thị trường  Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc: 0 đồng;

- Lao động giúp việc gia đình tại thị trường Ma-lai-xi-a và Bru-nây: 0 đồng;...

Thông tư 21/2021/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 01/02/2022 và thay thế Thông tư 21/2013/TT-BLĐTBXH ngày 10/10/2013.

19. Ngày 15/12/2021 Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH ban hành Thông tư 20/2021/TT-BLĐTBXH quy định về Hệ thống cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Theo đó, doanh nghiệp đề nghị cấp Cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (xuất khẩu lao động) thao tác như sau:

- Đăng nhập tài khoản, truy cập vào mục "Cấp Giấy phép" và khai thông tin theo mẫu đề nghị cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài;

- Đăng tải các tài liệu theo quy định lên Hệ thống cơ sở dữ liệu;

- Ký số và gửi hồ sơ trực tuyến.Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ trên Hệ thống, Bộ LĐTB&XH cấp Giấy phép cho doanh nghiệp, bản gốc Giấy phép được trả trực tiếp tại bộ phận một cửa hoặc qua dịch vụ bưu chính; Trường hợp không cấp Giấy phép phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Trạng thái xử lý hồ sơ được thể hiện trên Hệ thống cơ sở dữ liệu.

Như vậy, việc đề nghị cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ xuất khẩu lao động được đơn giản hóa, thực hiện ký số, gửi hồ sơ trực tuyến mà không phải nộp bản gốc hồ sơ,… như trước đây.

Thông tư 20/2021/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ 01/02/2022 và thay thế Thông tư 35/2017/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2017.

20. Ngày 31/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 136/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 27/2019/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Đo đạc và bản đồ.

Theo đó, thời hạn cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ được thay đổi như sau:

- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được biên bản thẩm định kèm hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ: Thủ trưởng cơ quan quản lý chuyên ngành về đo đạc và bản đồ thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ. (Theo quy định tại Nghị định 27/2019/NĐ-CP là 02 ngày làm việc)

- Cơ quan quản lý chuyên ngành về đo đạc và bản đồ thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường thông báo cho tổ chức về việc hoàn thành cấp giấy phép. Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày thông báo, cơ quan quản lý chuyên ngành về đo đạc và bản đồ thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường: Trả giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ cho tổ chức qua dịch vụ bưu chính, gửi tệp tin chứa bản chụp giấy phép cho cơ quan chuyên môn về tài nguyên và môi trường thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Nghị định 136/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/02/2022.

21. Nghị định 02/2022/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bất động sản ban hành ngày 06/1/2022.

Theo đó, 08 mẫu hợp đồng kinh doanh bất động sản liên quan đến việc bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua, cho thuê lại bất động sản, chuyển nhượng dự án bất động sản áp dụng thực hiện từ 01/3/2022 như sau:

- Hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ chung cư.

- Hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ du lịch, căn hộ văn phòng kết hợp lưu trú.- Hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở riêng lẻ.

- Hợp đồng mua bán, thuê mua nhà, công trình xây dựng khác không thuộc các trường trên.

- Hợp đồng thuê nhà ở, công trình xây dựng.

- Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

- Hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất.

- Hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ (hoặc một phần) dự án bất động sản.

Nghị định 02/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/3/2022, thay thế Nghị định 76/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015.

22. Thông tư 19/2021/TT-BNNPTNT ban hành ngày 28/12/2021.

Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam, gồm có:

Thuốc sử dụng trong nông nghiệp: 1.628 hoạt chất với 3.998 tên thương phẩm (hiện hành là 1.795 hoạt chất với 4.153 tên thương phẩm).

Thuốc trừ mối: 14 hoạt chất với 20 tên thương phẩm (hiện hành là 15 hoạt chất với 25 tên thương phẩm).

Thuốc bảo quản lâm sản: 7 hoạt chất với 8 tên thương phẩm.

Thuốc khử trùng kho: 3 hoạt chất với 9 tên thương phẩm (hiện hành là 10 tên thương phẩm).

Thuốc sử dụng cho sân golf (gồm thuốc trừ bệnh, thuốc trừ cỏ, thuốc điều hòa sinh trưởng): 04 hoạt chất với 04 tên thương phẩm.

Thuốc xử lý hạt giống (gồm thuốc trừ sâu, thuốc trừ bệnh): 22 hoạt chất với 29 tên thương phẩm (hiện hành là 28 tên thương phẩm).

Thuốc bảo quản nông sản sau thu hoạch: 01 hoạt chất với 01 tên thương phẩm. Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam gồm thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản lâm sản, thuốc trừ bệnh, thuốc trừ chuột, thuốc trừ cỏ gồm 31 hoạt chất.

Thông tư 19/2021/TT-BNNPTNT có hiệu lực từ ngày 11/02/2022, thay thế Thông tư 10/2020/TT-BNNPTNT ngày 09/9/2020.

VCCI Thanh Hóa tổng hợp

Từ khóa bài viết:,