Bản tin pháp luật sô 03 năm 2021

Đăng lúc: 00:00:00 13/04/2021 (GMT+7)

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của pháp luật, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa tổng hợp một số văn bản pháp luật mới ban hành có liên quan đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp như sau:

MỘT SỐ VĂN BẢN PHÁP LUẬT MỚI BAN HÀNH LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG CỦA DOANH NGHIỆP (Từ 11/03/2021 đến 11/04/2021)

 

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của pháp luật, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa tổng hợp một số văn bản pháp luật mới ban hành có liên quan đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp như sau:

1.     Thủ tướng ban hành Quyết định 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện một số cơ chế, chính sách về tài chính và tín dụng để phát triển thủy sản, trong đó:

- Hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả chính sách bảo hiểm, ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm cho tàu cá và thuyền viên; người lao động và cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biến.

- Thực hiện có hiệu quả chính sách ưu đãi thuế, phí đối với các hoạt động trong các lĩnh vực của ngành thủy sản nhằm tạo điều kiện phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng của quốc gia.

- Tín dụng đầu tư phát triển: Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực thủy sản được vay vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước theo quy định của pháp luật hiện hành.

- Ngân sách nhà nước ưu tiên thực hiện đầu tư, hỗ trợ:

+ Phát triển cơ sở hạ tầng ngành thủy sản đồng bộ;

+ Giảm cường lực khai thác thủy sản để bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, chuyển đổi nghề từ khai thác thủy sản sang các ngành nghề khác;…

+ Đào tạo, nâng cao năng lực quản lý và phát triển nguồn nhân lực ngành thủy sản;…

Quyết định 339/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày ký ban hành.

2.     Triển khai thí điểm dịch vụ Mobile-Money

Thủ tướng ban hành Quyết định 316/QĐ-TTg phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money). Theo đó, khách hàng cá nhân đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile-Money phải:

- Cung cấp CMND/CCCD/Hộ chiếu trùng với thông tin đăng ký số thuê bao di động của khách hàng;

- Được Doanh nghiệp thực hiện thí điểm định danh, xác thực theo quy định của Chính phủ về đăng ký thuê bao di động;

- Số di động phải có thời gian kích hoạt và sử dụng liên tục trong ít nhất 3 tháng liền kề tính đến thời điểm đăng ký Mobile-Money.

Lưu ý: Mỗi khách hàng chỉ được mở 01 tài khoản Mobile-Money tại mỗi Doanh nghiệp thực hiện thí điểm.

3.     Bộ LĐTB&XH ban hành Quyết định 338/QĐ-LĐTBXH ngày 17/3/2021 công bố thủ tục hành chính lĩnh vực lao động - tiền lương.

Theo đó, sửa đổi, bổ sung thủ tục đăng ký nội quy lao động như sau:

- Hồ sơ đăng ký nội quy lao động, bao gồm:

+ Văn bản đề nghị đăng ký nội quy lao động;

+ Nội quy lao động;

+ Văn bản góp ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở;

+ Các văn bản của người sử dụng lao động có quy định liên quan đến kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất (nếu có). (Trước đây, theo Quyết định 636/QĐ-LĐTBXH ngày 05/5/2019, bắt buộc phải có các văn bản này).

- Bổ sung cơ quan thực hiện thủ tục:Cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND cấp huyện (được cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND cấp tỉnh ủy quyền).Quyết định 338/QĐ-LĐTBXH có hiệu lực từ ngày ban hành.

4. Rút ngắn thời gian bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hàng năm

Nội dung này được đề cập tại Thông tư 01/2021/TT-BTP hướng dẫn thi hành Luật Công chứng, ban hành ngày 03/2/2021. Theo đó, thời gian tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ tối thiểu là 02 ngày làm việc/năm (16 giờ/năm). (Hiện hành, tại Thông tư 06/2015/TT-BTP quy định thời gian tham gia là 03 ngày làm việc/năm (24 giờ/năm).

Đồng thời, bổ sung thêm các trường hợp được miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ trong năm:

+ Công chứng viên nữ đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi;

+ Công chứng viên phải điều trị dài ngày tại cơ sở KCB đối với những bệnh thuộc danh mục bệnh chữa trị dài ngày theo quy định của Bộ Y tế từ 03 tháng trở lên, có giấy chứng nhận của cơ quan y tế cấp huyện hoặc tương đương trở lên.

Thông tư 01/2021/TT-BTP có hiệu lực thi hành ngày 26/3/2021.

5.     Quy định về quản lý dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe ô tô

Theo Thông tư 02/2021/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 12/2020/TT-BGTVT thì đơn vị kinh doanh vận tải phải lắp đặt camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải theo quy định tại khoản 2 Điều 13, khoản 2 Điều 14 của Nghị định 10/2020/NĐ-CP và đáp ứng các yêu cầu tối thiểu sau:

- Dữ liệu lưu trữ tại camera lắp trên xe dưới định dạng video theo chuẩn (MP4 hoặc H.264 hoặc H.265) và kèm theo các thông tin tối thiểu gồm:

+ Biển số đăng ký xe (biển kiểm soát xe), vị trí (tọa độ), thời gian; video lưu trữ tại thẻ nhớ hoặc ổ cứng của camera với khung hình tối thiểu 10 hình/giây và có độ phân giải tối thiểu là 720p;

+ Hình ảnh tại camera phải đảm bảo nhìn rõ trong mọi điều kiện ánh sáng (bao gồm cả vào ban đêm).

- Dữ liệu từ camera truyền về máy chủ của đơn vị kinh doanh vận tải, máy chủ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam dưới định dạng ảnh theo chuẩn JPG và phải có độ phân giải tối thiểu là 640x480 pixel. Trường hợp mất tín hiệu truyền dẫn, dữ liệu từ camera phải được gửi lại đầy đủ, chính xác theo quy định về máy chủ ngay sau khi đường truyền hoạt động trở lại.

- Các dữ liệu được ghi và lưu trữ tại camera lắp trên xe và tại máy chủ của đơn vị kinh doanh vận tải phải đảm bảo không bị xóa, không bị thay đổi trong suốt thời gian lưu trữ theo quy định.Thông tư 02/2021/TT-BGTVT có hiệu lực từ 25/3/2021.

6. Trường hợp thu hồi khu vực biển giao cho tổ chức, cá nhân

Chính phủ ban hành Nghị định 11/2021/NĐ-CP về giao khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tài nguyên biển. Theo đó, tổ chức, cá nhân đã được giao khu vực biển (KVB) để khai thác sử dụng tài nguyên biển sẽ bị thu hồi nếu thuộc các trường hợp sau:

- Tổ chức, cá nhân được giao KVB lợi dụng việc sử dụng KVB gây ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trên biển …;

- Tổ chức, cá nhân sử dụng KVB trái mục đích sử dụng quy định trong Quyết định giao KVB;

- Văn bản cho phép khai thác, sử dụng tài nguyên biển của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân bị thu hồi;

- Sau 24 tháng liên tục kể từ ngày Quyết định giao KVB có hiệu lực mà tổ chức, cá nhân không sử dụng một phần hoặc; (hiện hành quy định sau 12 tháng). Toàn bộ khu vực biển để khai thác, sử dụng tài nguyên biển trừ trường hợp bất khả kháng hoặc có lý do chính đáng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản theo quy định của pháp luật;

- Tổ chức, cá nhân sử dụng KVB để nuôi trồng thủy sản thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a, b, d, đ, e và g khoản 1 Điều 45 Luật Thủy sản (quy định mới);

- KVB đã giao được sử dụng để phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định của pháp luật.Nghị định 11/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ 30/3/2021.

7.  Ngày 16/03/2021, Thủ tướng ban hành Quyết định 10/2021/QĐ-TTg về tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao.

Theo đó, doanh nghiệp công nghệ cao là doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí tại Điều 75 Luật Đầu tư 2014 và các tiêu chí sau:

- Doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao phải đạt ít nhất 70% trong tổng doanh thu thuần hằng năm của doanh nghiệp.

- Tỷ lệ tổng chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp trên giá trị của tổng doanh thu thuần trừ đi giá trị đầu vào hằng năm:

+ Doanh nghiệp có tổng nguồn vốn từ 6.000 tỷ đồng và tổng lao động từ 3.000 người trở lên phải đạt ít nhất 0,5%;

+ Doanh nghiệp không thuộc trường hợp trên, có tổng nguồn vốn từ 100 tỷ đồng và tổng số lao động từ 200 người trở lên phải đạt ít nhất 1%;

+ Doanh nghiệp còn lại phải đạt ít nhất 2%.

- Tỷ lệ lao động trực tiếp thực hiện nghiên cứu và phát triển có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên của doanh nghiệp trên tổng số lao động:

+ Doanh nghiệp có tổng nguồn vốn từ 6.000 tỷ đồng và tổng số lao động từ 3.000 người trở lên phải đạt ít nhất 1%;

+ Doanh nghiệp không thuộc trường trên, có tổng nguồn vốn từ 100 tỷ đồng và tổng số lao động từ 200 người trở lên phải đạt ít nhất 2,5%;

+ Đối với doanh nghiệp còn lại phải đạt ít nhất 5%.Như vậy, so với Quyết định 19/2015/QĐ-TTg thì Quyết định 10/2021/QĐ-TTg (có hiệu lực ngày 30/04/2021) đã chia doanh nghiệp làm 03 nhóm thay vì 2 nhóm để quy định về các tiêu chí cụ thể.

8. Hướng dẫn quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2020

Ngày 12/3/2021, Tổng cục Thuế ban hành Công văn 636/TCT-DNNCN hướng dẫn quyết toán thuế thu nhập cá nhân. Theo đó, hướng dẫn nhiều trường hợp cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công không phải khai quyết toán thuế TNCN (áp dụng đối với cá nhân trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan Thuế), đơn cử như:

- Cá nhân có số thuế TNCN phải nộp thêm sau quyết toán thuế của từng năm từ 50.000 đồng trở xuống.

- Cá nhân có số thuế TNCN phải nộp nhỏ hơn số thuế đã tạm nộp mà không có yêu cầu hoàn thuế hoặc bù trừ vào kỳ khai thuế tiếp theo.

- Cá nhân ký HĐLĐ từ 03 tháng trở lên tại một đơn vị, có thu nhập vãng lai ở các nơi khác và đã được khấu trừ thuế TNCN theo tỷ lệ 10% nếu không có yêu cầu quyết toán thì không phải quyết toán với phần thu nhập này…

9. Ngày 19/11/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 23/2021/NĐ-CP quy định chi tiết khoản 3 Điều 37 và Điều 39 của Luật Việc làm về trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm.

Theo đó, điều kiện thành lập trung tâm dịch vụ việc làm cụ thể như sau:

- Có mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công về việc làm.

- Phù hợp với quy hoạch mạng lưới trung tâm dịch vụ việc làm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Có trụ sở làm việc hoặc đề án cấp đất xây dựng trụ sở làm việc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (trường hợp xây dựng trụ sở mới).

- Có trang thiết bị để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại Điều 7 Nghị định này phù hợp với tiêu chuẩn, định mức máy móc, thiết bị chuyên dùng do cấp có thẩm quyền ban hành.

-  Có ít nhất 15 người làm việc là viên.

-  Cơ quan có thẩm quyền thành lập đảm bảo kinh phí cho các hoạt động dịch vụ sự nghiệp công về việc làm theo quy định của pháp luật.

Trình tự, thủ tục, hồ sơ thành lập trung tâm dịch vụ việc làm thực hiện theo quy định của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

Nghị định 23/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/6/2021.

10. Một số biểu mẫu mới trong thủ tục đăng ký kinh doanhThông tư 01/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp.

Theo đó: Ban hành 99 biểu mẫu dùng trong đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh được sử dụng thống nhất trên toàn quốc, đơn cử như:

- Danh sách người đại diện theo pháp luật/người đại diện theo uỷ quyền (Phụ lục I-10);

- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp (Phụ lục II-1);

- Thông báo thay đổi người đại diện theo pháp luật (Phụ lục II-2);

- Thông báo về việc thay đổi nội dung đăng ký hoạt động chi nhánh/văn phòng đại diện/địa điểm kinh doanh (Phụ lục II-9);

- Thông báo về việc tạm ngừng kinh doanh/tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo của doanh nghiệp/chi nhánh/văn phòng đại diện/địa điểm kinh doanh (Phụ lục II-19);

- Thông báo về việc chấm dứt hoạt động chi nhánh/văn phòng đại diện/địa điểm kinh doanh (Phụ lục II-20);

- Thông báo về việc giải thể doanh nghiệp (Phụ lục II-22);

- Giấy đề nghị công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp (Phụ lục II-24);…Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT có hiệu lực từ ngày 01/5/2021 và thay thế Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT ngày 01/12/2015, Thông tư 02/2019/TT-BKHĐT ngày 08/01/2019.

11. Ngày 23/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 24/2021/NĐ-CP quy định việc quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông công lập (cơ sở giáo dục).

Theo đó, cơ sở giáo dục có trách nhiệm giải trình với xã hội, học sinh, cơ quan quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động trong cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật các nội dung sau:

- Mục tiêu chất lượng giáo dục, kế hoạch tuyển sinh, kế hoạch giáo dục của nhà trường, điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, kết quả đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục.

- Hoạt động tuyển sinh, hoạt động giáo dục, quản lý tài chính, tài sản, tổ chức bộ máy và nhân sự của cơ sở giáo dục; bảo đảm sự tham gia của gia đình học sinh, tổ chức, cá nhân trong hoạt động giáo dục.

- Quản lý, sử dụng các nguồn lực xã hội hóa để tổ chức các hoạt động giáo dục và tổ chức cho học sinh tham gia hoạt động xã hội, phục vụ cộng đồng.

- Thực hiện trách nhiệm giải trình đối với các nội dung khác theo quy định của pháp luật về trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.Nghị định 24/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/5/2021.

12. Ngày 26/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 30/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật nhà ở.

Theo đó, đơn cử một số nội dung tại Nghị định 99 được sửa đổi, bổ sung như:

- Bổ sung quy định về việc điều chỉnh chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương tại Khoản 2 Điều 4.

- Sửa quy định về:

+ Lấy ý kiến thẩm định của cơ quan nhà nước về nhà ở đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở tại Điều 9.

+ Các trường hợp lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, dự án khu đô thi có nhà tại Điều 18.

+ Bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu…

13. Thông tư 10/2020/TT-BKHCN hướng dẫn Nghị định 132/2008/NĐ-CP và Nghị định 74/2018/NĐ-CP về sử dụng mã số, mã vạch.

Theo đó, hồ sơ đăng ký cấp mới Giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng mã số, mã vạch cho tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công của Bộ KH&CN bao gồm:

+ Biểu mẫu điện tử kê khai thông tin đăng ký có chữ ký số; Các nội dung trong biểu mẫu điện tử thực hiện theo quy định tại Mẫu số 12 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 74/2018/NĐ-CP.

+ Bản sao điện tử GCN đăng ký doanh nghiệp hoặc GCN đăng ký đầu tư hoặc Quyết định thành lập hoặc tài liệu có giá trị tương đương.

Đối với GCN quyền sử dụng mã số, mã vạch được cấp trước ngày 01/7/2018, tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ và đăng ký cấp lại GCN quyền sử dụng mã số, mã vạch theo Thông tư 10 trước ngày 01/4/2024. Từ ngày 01/4/2024, nếu tổ chức, cá nhân không thực hiện đăng ký và được cấp lại GCN quyền sử dụng mã số, mã vạch theo Thông tư 10 thì GCN quyền sử dụng mã số, mã vạch đã được cấp sẽ hết thời hạn hiệu lực.

Thông tư 10/2020/TT-BKHCN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/4/2021.

14. Thời hạn kiểm tra trực tiếp định kỳ hoạt động dịch vụ kế toán

Ngày 25/01/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 09/2021/TT-BTC về việc hướng dẫn kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán.Theo đó, thời hạn kiểm tra trực tiếp định kỳ được quy định như sau:

- 3 năm/lần đối với đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán mà trong 3 năm trước liền kề tính đến thời điểm kiểm tra có:

+ Doanh thu dịch vụ kế toán từng năm trên báo cáo tài chính từ 20 tỷ đồng trở lên.

+ Mỗi năm có từ 100 khách hàng dịch vụ kế toán trở lên.

- Ít nhất 5 năm/lần đối với các đơn vị kinh doanh dịch vụ kế toán không thuộc đối tượng nêu trên. (Hiện nay, Điều 5 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 32/2007/QĐ-BTC quy định: “Các doanh nghiệp kế toán, kiểm toán phải được kiểm tra chất lượng định kỳ 3 năm một lần”).

15. Thời gian làm việc của hệ thống thanh toán liên ngân hàng

NHNN ban hành Thông tư 21/2020/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 37/2016/TT-NHNN về quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia (Hệ thống TTLNH). Theo đó, các thời điểm áp dụng trong Hệ thống TTLNH được quy định như sau:

- Thời điểm Hệ thống TTLNH bắt đầu nhận Lệnh thanh toán giá trị cao, Lệnh thanh toán giá trị thấp và kết quả quyết toán ròng từ các hệ thống khác: 8 giờ 00 phút của ngày làm việc;

- Thời điểm Hệ thống TTLNH bắt đầu nhận Lệnh thanh toán ngoại tệ: 9 giờ 00 phút của ngày làm việc;

- Thời điểm ngừng nhận Lệnh thanh toán giá trị thấp, thời điểm ngừng nhận yêu cầu xử lý kết quả quyết toán ròng từ các hệ thống khác: 16 giờ 30 phút đối với ngày làm việc bình thường, 17 giờ 00 phút đối với 02 ngày làm việc cuối tháng;

- Thời điểm ngừng nhận Lệnh thanh toán giá trị cao, Lệnh thanh toán bằng ngoại tệ: 17 giờ 00 phút đối với ngày làm việc bình thường, 17 giờ 45 phút đối với 02 ngày làm việc cuối tháng;

- Thời điểm hoàn thành thực hiện xử lý các Lệnh thanh toán đã nhận trong hàng đợi quyết toán (nếu có): tối đa 30 phút kể từ thời điểm Hệ thống TTLNH ngừng nhận Lệnh thanh toán;

- Thời điểm thực hiện các công việc cuối ngày (kiểm tra các điều kiện đối chiếu, thực hiện đối chiếu, xác nhận số liệu với Trung tâm Xử lý Quốc gia): ngay sau thời điểm hoàn thành thực hiện xử lý các Lệnh thanh toán đã nhận trong hàng đợi quyết toán.

16. Chính phủ vừa ban hành Nghị định 35/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Theo đó, quy mô tổng mức đầu tư đối với các dự án PPP trong các lĩnh vực được quy định cụ thể như sau:

- Từ 1.500 tỷ đồng trở lên đối với dự án lĩnh vực giao thông vận tải (gồm đường bộ; đường sắt; đường thủy nội địa; hàng hải; hàng không).

- Từ 1.500 tỷ đồng trở lên đối với dự án lĩnh vực lưới điện, nhà máy điện; riêng dự án thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo có tổng mức đầu tư từ 500 tỷ đồng trở lên.

- Từ 200 tỷ đồng trở lên đối với dự án lĩnh vực thủy lợi; cung cấp nước sạch, thoát nước và xử lý nước thải; xử lý chất thải.

- Từ 100 tỷ đồng trở lên đối với dự án lĩnh vực y tế (gồm có cơ sở khám chữa bệnh; y tế dự phòng; kiểm nghiệm).

- Từ 100 tỷ đồng trở lên đối với dự án lĩnh vực giáo dục – đào tạo (gồm cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động giáo dục – đào tạo và giáo dục nghề nghiệp).

- Từ 200 tỷ đồng trở lên đối với dự án lĩnh vực hạ tầng công nghệ thông tin (gồm có như hạ tầng thông tin số, hiện đại hóa công nghệ thông tin trong các cơ quan Đảng và nhà nước; …).

Nghị định 35/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 29/3/2021 (riêng quy định tại Điều 90 có hiệu lực từ 01/10/2019) và bãi bỏ Nghị định 63/2018/NĐ-CP ngày 04/5/2018.

17. Chính phủ vừa ban hành Nghị định 44/2021/NĐ-CP về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của DN, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, tổ chức, doanh nghiệp được:

- Tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ bằng tiền, hiện vật cho hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại VN thông qua các đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ.

- Đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ bao gồm:

+ Ủy ban MTTQVN các cấp;

+ Cơ sở y tế; đơn vị lực lượng vũ trang;

+ Cơ sở giáo dục; cơ quan báo chí; quỹ phòng, chống dịch Covid-19 các cấp; quỹ từ thiện, nhân đạo;…

- Hồ sơ xác định chi phí ủng hộ, tài trợ được trừ gồm: Biên bản xác nhận ủng hộ, tài trợ hoặc văn bản, tài liệu (giấy/điện tử) xác nhận khoản chi có chữ ký, đóng dấu của người đại diện doanh nghiệp là bên ủng hộ, tài trợ và đại diện của đơn vị nhận; kèm hóa đơn, chứng từ hợp pháp của khoản chi.

Nghị định 44/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/3/2021 và áp dụng cho kỳ tính thuế TNDN năm 2020 và năm 2021.

18. Chính phủ ban hành Nghị định 50/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 37/2015/NĐ-CP về hợp đồng xây dựng.

Theo đó, so với Nghị định 37/2015 đã quy định mới một số nội dung sau:

- Quy định rõ việc việc điều chỉnh hợp đồng xây dựng được áp dụng trong cả thời gian hợp đồng được gia hạn.

- Đối với hợp đồng theo đơn giá cố định, đơn giá hợp đồng được điều chỉnh trong trường hợp sau:

+ Khi Nhà nước thay đổi các chính sách làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp các bên hợp đồng có thỏa thuận khác;

+ Khi dự án được điều chỉnh có ảnh hưởng đến hợp đồng, trừ trường hợp các bên hợp đồng có thỏa thuận khác;

+ Các trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật.

- Đối với hợp đồng trọn gói, bổ sung thêm 2 trường hợp được điều chỉnh hợp đồng sau:

+ Khi Nhà nước thay đổi các chính sách làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp các bên hợp đồng có thỏa thuận khác;

+ Khi dự án được điều chỉnh có ảnh hưởng đến hợp đồng, trừ trường hợp các bên hợp đồng có thỏa thuận khác.

Nghị định 50/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/4/2021. 

19. Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư 2020.

Cụ thể, ban hành kèm theo Nghị định là Danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư tại Phụ lục II, trong đó, bổ sung thêm 1 số ngành nghề, đơn cử với lĩnh vực Nông nghiệp thuộc nhóm ưu đãi đầu tư, bổ sung:

- Đầu tư sản xuất các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học;

- Sản xuất phân bón hữu cơ; Hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ để phát triển phân bố hữu cơ;

- Nuôi trồng, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản dưới hình thức liên kết theo chuỗi sản phẩm hoặc dưới hình thức sản xuất nông nghiệp hữu cơ;

- Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát;

- Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học công nghệ;

- Nuôi giữ giống gốc vật nuôi, bảo tồn nguồn gen giống vật nuôi quý, hiếm và giống vật nuôi bản địa.

Nghị định 31/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 26/3/2021.

20. Ngày 01/4/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 49/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 100/2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Theo đó, nguyên tắc xét duyệt đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội đầu tư xây dựng theo dự án quy định như sau:

- Nếu tổng số hồ sơ đăng ký mua, thuê, thuê mua (hợp lệ) bằng hoặc ít hơn tổng số căn hộ do chủ đầu tư (CĐT) công bố cho từngloại sản phẩm thì việc lựa chọn căn hộ theo thỏa thuận giữa CĐT và khách hàng;

- Nếu tổng số hồ sơ đăng ký mua, thuê, thuê mua (hợp lệ) nhiều hơn tổng số căn hộ do CĐT công bố cho từng loại sản phẩm thì việc xét duyệt, lựa chọn theo hình thức bốc thăm do CĐT tổ chức; (Nghị định 49/2021 đã bỏ quy định về việc xét duyệt, lựa chọn đối tượng thực hiện theo hình thức chấm điểm quy định tại Nghị định 100).

+ Nếu dự án có đối tượng đảm bảo đủ điều kiện hồ sơ theo Điều 22 Nghị định 100/2015 là người có công với cách mạng hoặc người khuyết tật thì được ưu tiên mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội mà không phải bốc thăm.

+ Danh sách nhóm đối tượng trên được sắp xếp theo thứ tự theo thời điểm nộp hồ sơ và các căn hộ dành cho các đối tượng này bố trí theo thứ tự của danh sách ưu tiên cho đến khi hết, đối tượng còn lại thì bốc thăm.

Nghị định 49/2021/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

VCCI Thanh Hóa tổng hợp

Bản tin pháp luật số 03.doc

Từ khóa bài viết: