Bản tin pháp luật số 9/2021

Đăng lúc: 00:00:00 12/10/2021 (GMT+7)

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của pháp luật, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa tổng hợp một số văn bản pháp luật mới ban hành có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như sau:

 MỘT SỐ VĂN BẢN PHÁP LUẬT MỚI BAN HÀNH, CÓ HIỆU LỰC LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG CỦA DOANH NGHIỆP

(Từ 11/9/2021 đến 12/10/2021)

 

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của pháp luật, Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa tổng hợp một số văn bản pháp luật mới ban hành có liên quan đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp như sau:

1.     Ngày 08/9/2021, Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 14/2021/TT-BXD hướng dẫn xác định chi phí bảo trì công trình xây dựng.

Theo đó, chi phí quản lý bảo trì thuộc trách nhiệm chủ sở hữu (CSH) hoặc người quản lý, sử dụng công trình xác định như sau:

- Đối với sửa chữa công trình có chi phí thực hiện dưới 500 triệu đồng bằng:

+ 3,5% tổng chi phí thực hiện các công việc bảo trì định kỳ hàng năm, chi phí sửa chữa công trình, chi phí tư vấn phục vụ bảo trì công trình.

+ Và chi phí khác quy định tại khoản 1, 2, 6 và 7 Điều 3 Thông tư 14.

- Đối với sửa chữa công trình có chi phí thực hiện từ 500 triệu đồng trở lên có yêu cầu lập báo cáo kinh tế kỹ thuật hoặc dự án đầu tư sửa chữa công trình bằng:

+ 3,5% tổng chi phí thực hiện các công việc bảo trì định kỳ hàng năm, chi phí tư vấn phục vụ bảo trì công trình.

+ Và chi phí khác quy định tương ứng tại khoản 1, 6 và 7 Điều 3 Thông tư 14.

Thông tư 14/2021/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 01/11/2021 và thay thế Thông tư 03/2017/TT-BXD ngày 16/3/2017.

2.     Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 107/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2021.

Theo đó, Chính phủ giao Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và cơ quan, địa phương liên quan thực hiện công việc sau: Tiến hành xây dựng, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, cung cấp, tiếp nhận, xử lý dịch vụ công hỗ trợ giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho người lao động trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia trong tháng 10/2021.

Như vậy, nếu theo đúng lộ trình Chính phủ đề ra thì sắp tới đây, NLĐ sẽ được làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp qua mạng. Cùng với đó, tại Nghị quyết 107/NQ-CP ngày 11/9/2021, Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, Ngành thực hiện đồng bộ những nhiệm vụ giải pháp mà phiên họp đã đề ra như:

- Bộ GTVT cần yêu cầu các cơ quan, địa phương bãi bỏ, dừng thực hiện các quy định không phù hợp, gây cản trở trong lưu thông hàng hóa.

- Đề nghị các đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Thành uỷ, yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố chú trọng thực hiện các nội dung:

+ Quyết liệt thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia; có sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo và phù hợp thực tế của địa phương;

+ Thực hiện nghiêm ngặt, thực chất hơn giãn cách xã hội với tinh thần “ai ở đâu ở đó”; giữ vững “vùng xanh”, “xanh hóa vùng vàng, thu hẹp vùng đỏ”; cách ly, phong tỏa triệt để…

3.     Ngày 16/9/2021, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư 13/2021/TT-BYT quy định về cấp số lưu hành, nhập khẩu trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong trường hợp cấp bách.

Theo đó, quy định danh mục trang thiết bị y tế phòng chống dịch được cấp nhanh số lưu hành gồm:

- Máy tách chiết;

- Máy PCR;

- Hóa chất (sinh phẩm) chạy máy PCR xét nghiệm SARS-CoV-2;

- Test kít xét nghiệm nhanh kháng nguyên/ kháng thể kháng SARS-CoV-2;

- Máy thở chức năng cao, máy thở xâm nhập và không xâm nhập, máy thở không xâm nhập, máy oxy dòng cao, máy thở xách tay;

- Máy lọc máu liên tục;

- Máy X-Quang di động;

-  Máy siêu âm Doppler màu ≥ 3 đầu dò;

- Máy đo khí máu (đo được điện giải, lactat, hematocrite);

-  Máy theo dõi bệnh nhân ≥ 5 thông số;

- Bơm tiêm điện;

-  Máy truyền dịch;

- Máy phá rung tim có tạo nhịp;

- Máy điện tim ≥ 6 kênh;- Máy siêu âm xách tay;

- Máy đo thời gian đông máu;

- Máy đo huyết động.

Thông tư 13/2021/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 16/9/2021 đến hết ngày 31/12/2022.

4.     Ngày 14/9/2021, Cục Hàng không Việt Nam ban hành Quyết định 1541/QĐ-CHK về Danh mục vật phẩm nguy hiểm cấm, hạn chế mang vào khu vực hạn chế, mang lên tàu bay.

Theo đó, 08 nhóm vật phẩm nguy hiểm cấm mang lên khoang hàng tàu bay bao gồm:

(1) Đạn, trừ trường hợp được người khai thác tàu bay chấp nhận vận chuyển trong hành lý ký gửi theo các điều kiện cụ thể theo quy định;

(2) Các loại kíp nổ;

(3) Các loại ngòi nổ, dây cháy chậm;

(4) Mìn, lựu đạn, thiết bị nổ quân dụng khác;

(5) Các loại pháo như pháo nổ, pháo hoa nổ, pháo hoa, pháo bông, pháo sáng, pháo hiệu và thuốc pháo;

(6) Đạn khói, quả tạo khói;

(7) Các loại thuốc nổ, thuốc súng, chất nổ dẻo;

(8) Xăng, dầu, nhiên liệu nạp cho bật lửa, diêm không an toàn (quẹt đâu cũng cháy), ôxy lỏng. (Đây là nội dung mới được bổ sung so với quy định trước đây tại Quyết định 959/QĐ-CHK ngày 07/5/2021).

Quyết định 1541/QĐ-CHK có hiệu lực từ ngày 14/9/2021.

5.     Nghiêm cấm ban hành các quy định gây cản trở lưu thông hàng hóa

Đây là nội dung tại Nghị quyết 107/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2021. Theo đó, Chính phủ yêu cầu các đồng chí Chủ tịch UBND cấp tỉnh tập trung chỉ đạo tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra và chú trọng những nội dung đơn cử như:

- Phải tổ chức thực hiện nghiêm ngặt, thực chất hơn giãn cách xã hội với tinh thần “ai ở đâu ở đó”; giữ vững “vùng xanh”, “xanh hóa vùng vàng, thu hẹp vùng đỏ”;

- Khuyến khích, hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn theo nguyên tắc sản xuất phải an toàn, an toàn thì mới sản xuất;

- Nghiêm cấm việc ban hành các quy định không phù hợp, không đúng thẩm quyền gây cản trở, ách tắc giao thông, lưu thông hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu;

6. Sẽ có thêm trường hợp ô tô bị cảnh báo đăng kiểm theo quy định tại Thông tư 16/2021/TT-BGTVT ngày 12/8/2021.

Cụ thể, bên cạnh trường hợp cảnh báo với xe vi phạm hành chính đã trễ hạn giải quyết tại Điều 80 Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì bổ sung thêm 3 trường hợp sau:

- Xe có hạng mục khiếm khuyết, hư hỏng:

+ Đơn vị đăng kiểm in và gửi Thông báo hạng mục khiếm khuyết, hư hỏng theo mẫu cho chủ xe để sửa chữa.

+ Trường hợp kiểm định không đạt và không được cấp Giấy chứng nhận kiểm định thì sẽ bị cảnh báo phương tiện không đạt trên cổng thông tin điện tử của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

- Xe cơ giới thanh lý không có thông tin trong cơ sở dữ liệu sản xuất lắp ráp, nhập khẩu, kiểm định đến đơn vị đăng kiểm để kiểm định, sau đó đơn vị xác minh hồ sơ phương tiện không phù hợp với xe thực tế.

- Xe của các tổ chức được phép tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu: sau khi lập Hồ sơ phương tiện, các đơn vị đăng kiểm gửi thông tin phương tiện về Cục Đăng kiểm Việt Nam để thực hiện cảnh báo trên Chương trình quản lý kiểm định.Thông tư 16/2021/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/10/2021.

7. Ngày 31/8/2021, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư 15/2021/TT-BTNMT quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Theo đó, công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có đủ tiêu chuẩn sau đây được lựa chọn làm người giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường:

- Có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt;

- Có trình độ đại học trở lên và đã qua thực tế hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo thuộc lĩnh vực giám định từ đủ 05 năm trở lên tính từ ngày bổ nhiệm ngạch công chức, viên chức.

(So với hiện hành, bổ sung mốc thời gian là ngày bổ nhiệm ngạch công chức, viên chức để tính thời gian thực tế hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo thuộc lĩnh vực giám định).  Trường hợp người không có trình độ đại học nhưng có kiến thức chuyên sâu và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn về lĩnh vực giám định thì có thể được lựa chọn làm người giám định tư pháp theo vụ việc.

Thông tư 15/2021/TT-BTNMT có hiệu lực từ ngày 15/10/2021, thay thế Thông tư 44/2014/TT-BTNMT và Thông tư 45/2014/TT-BTNMT ngày 01/8/2014.

8. Ngày 21/9/2021, Tổng cục Hải quan ban hành Công văn 4539/TCHQ-TXNK về thực hiện quản lý việc hoàn thuế GTGT.

Theo đó, yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh, thành phố triển khai thực hiện một số giải pháp để tăng cường công tác quản lý, kiểm soát kê khai, ngăn tình trạng gian lận nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT. Đơn cử như việc thực hiện các biện pháp nghiệp vụ hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu:

- Lập danh sách, quản lý doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu hoàn thuế GTGT theo tiêu chí quản lý rủi ro. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ hàng hóa xuất khẩu đã làm thủ tục xuất khẩu.

- Tăng cường kiểm tra hồ sơ, thực tế trong quá trình làm thủ tục hải quan hàng hóa xuất khẩu để phát hiện và xử lý theo quy định các trường hợp có dấu hiệu nghi vấn:

+ Khai khống, khai tăng số lượng hàng hóa xuất khẩu; khai sai tên, chủng loại hàng hóa, khai tăng bất thường trị giá hải quan đối với một số mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao trên tờ khai xuất khẩu;

+ Sử dụng các chứng từ không hợp lệ để làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa.

- Tăng cường kiểm tra trị giá hải quan hàng hóa nhập khẩu của các dự án đầu tư miễn thuế nhập khẩu, có dấu hiệu khai tăng trị giá hải quan để chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT đầu vào tại cơ quan thuế nội địa…

9. Ngày 17/9/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 77/2021/TT-BTC sửa đổi Thông tư 200/2015/TT-BTC về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp. 

Theo đó, sửa đổi quy định về phân loại doanh nghiệp (DN) để thực hiện đánh giá xếp loại DN như sau: Cơ quan đại diện chủ sở hữu căn cứ vào danh mục sản phẩm, dịch vụ công sử dụng NSNN từ nguồn kinh phí chi thường xuyên theo quy định của Chính phủ về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng NSNN từ nguồn kinh phí chi thường xuyên để phân loại DN.(So với hiện hành, cụm từ “sản phẩm, dịch vụ công sử dụng NSNN từ nguồn kinh phí chi thường xuyên” được sử dụng để thay cho cụm từ “sản phẩm, dịch vụ công ích”).Đối với DN an ninh quốc phòng, Cơ quan đại diện chủ sở hữu (Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) quyết định phân loại DN cụ thể đối với từng DN.Việc phân loại DN để thực hiện đánh giá xếp loại DN được Cơ quan đại diện chủ sở hữu nêu cụ thể trong quyết định giao kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm cho từng DN. Trường hợp là DN hoạt động kinh doanh thì xếp loại DN theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 30 Nghị định 87/2015/NĐ-CP. Trường hợp là DN thực hiện cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng NSNN từ nguồn kinh phí chi thường xuyên thì xếp loại DN theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 30 Nghị định 87/2015/NĐ-CP.

Thông tư 77/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 03/11/2021.

10. Ngày 22/9/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 84/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 06/2019/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước CITES.

Theo đó, sửa đổi điều kiện nuôi, trồng các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ l ục CITES vì mục đích thương mại. Cụ thể, các loài động vật hoang dã thuộc Phụ lục CITES thuộc các lớp thú, chim, bò sát lần đầu tiên đăng ký nuôi tại cơ sở phải được Cơ quan khoa học CITES Việt Nam xác nhận bằng văn bản về việc nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng không làm ảnh hưởng đến sự tồn tại của loài nuôi và các loài khác có liên quan trong tự nhiên theo trình tự như sau:

- Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký mã số cơ sở:

Cơ quan cấp mã số theo quy định tại Nghị định 06/2019/NĐ-CP có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị xác nhận đến Cơ quan khoa học CITES Việt Nam.

- Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của Cơ quan cấp mã số: Cơ quan khoa học CITES Việt Nam có trách nhiệm trả lời bằng văn bản đối với nội dung xác nhận ảnh hưởng hoặc không ảnh hưởng của việc nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng đến sự tồn tại của loài nuôi và các loài khác có liên quan trong tự nhiên. (So với hiện hành, bổ sung trình tự lần đầu đăng ký nuôi tại cơ sở nuôi).

Nghị định 84/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 30/11/2021.

11. Ngày 22/9/2021, Bộ trưởng Bộ GTVT có Thông tư 20/2021/TT-BGTVT ban hành Quy chế phối hợp giữa doanh nghiệp được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng hàng không với cơ quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước chuyên ngành hàng không.

Theo đó, nguyên tắc phối hợp giữa doanh nghiệp được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng hàng không với cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không như sau:

- Đảm bảo sự thống nhất trong công tác quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không;

- Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ trong công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không;

- Trao đổi, cung cấp kịp thời chính xác các thông tin trong quá trình quản lý, sử dụng, khai thác tải sản kết cấu hạ tầng hàng không;

- Phân định rõ ràng trách nhiệm của các bên đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng chủ thể được điều tiết trong Quy chế phối hợp.

- Thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ, bảo đảm hoạt động hàng không thông suốt, an toàn và đảm bảo quản lý, khai thác, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng hàng không theo đúng quy định của pháp luật.

Thông tư 20/2021/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 10/11/2021.

12. Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Theo đó, hỗ trợ bằng tiền cho các đối tượng sau:

- Người lao động đang tham gia BHTN tại thời điểm ngày 30/9/2021;(Không bao gồm NLĐ đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do NSNN bảo đảm chi thường xuyên).  

- NLĐ đã dừng tham gia BHTN do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian ngày 01/01/2020 đến hết ngày 30/9/2021 có thời gian đóng BHTN được bảo lưu (không bao gồm người hưởng lương hưu hàng tháng).  Mức hỗ trợ dựa trên thời gian đóng BHTN nhưng chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau:

- Thời gian đóng BHTN dưới 12 tháng: hỗ trợ 1.800.000 đồng/người.

- Thời gian đóng BHTN từ đủ 12 tháng đến dưới 60 tháng: hỗ trợ 2.100.000 đồng/người.

- Thời gian đóng BHTN từ đủ 60 tháng đến dưới 84 tháng: hỗ trợ 2.400.000 đồng/người.  

- Thời gian đóng BHTN từ đủ 84 tháng đến dưới 108 tháng: hỗ trợ 2.650.000 đồng/người.  - Thời gian đóng BHTN từ đủ 108 tháng đến dưới 132 tháng: hỗ trợ 2.900.000 đồng/người.  

- Thời gian đóng BHTN từ đủ 132 tháng trở lên: hỗ trợ 3.300.000 đồng/người.  Thời gian thực hiện việc hỗ trợ NLĐ từ ngày 01/10/2021 và hoàn thành chậm nhất vào ngày 31/12/2021.

Trình tự thủ tục được thực hiện theo Quyết định 28/2021/QĐ-TTg. Theo đó, trình tự, thủ tục thực hiện đối với NLĐ đang tham gia BHTN như sau:

- Cơ quan BHXH lập danh sách NLĐ đang tham gia BHTN theo Mẫu số 01 gửi NSDLĐ. Chậm nhất đến hết ngày 20/10/2021, cơ quan BHXH hoàn thành việc gửi danh sách đến tất cả NSDLĐ và công khai thông tin danh sách NLĐ thuộc đối tượng hỗ trợ trên trang thông tin điện tử của BHXH cấp tỉnh.

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được danh sách do cơ quan BHXH gửi, NSDLĐ công khai danh sách NLĐ thuộc đối tượng được hỗ trợ để NLĐ biết, đối chiếu, bổ sung thông tin (nếu có); Sau đó, NSDLĐ lập và gửi danh sách NLĐ có thông tin đúng, đủ và NLĐ tự nguyện không nhận hỗ trợ theo Mẫu số 02 đến cơ quan BHXH.

- Trường hợp có thông tin NLĐ cần điều chỉnh thì NSDLĐ lập theo Mẫu số 03, kèm theo hồ sơ chứng minh thông tin điều chỉnh theo quy định đến cơ quan BHXH chậm nhất đến hết ngày 10/11/2021.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được danh sách NLĐ đúng, đủ thông tin và trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được danh sách NLĐ điều chỉnh thông tin do NSDLĐ gửi, cơ quan BHXH chi trả tiền hỗ trợ, khuyến khích chi trả qua tài khoản ngân hàng của NLĐ. Trường hợp không chi trả hỗ trợ, cơ quan BHXH thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

13. Ngày 26/9/2021, Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành Thông tư 21/2021/TT-BGTVT quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam.

Theo đó, mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay đối với các chuyến bay nội địa được thực hiện như sau:

- Từ ngày 01/01/2021 đến hết ngày 31/12/2021: Áp dụng bằng 50% mức giá cất cánh, hạ cánh tàu bay đối với chuyến bay nội địa quy định tại Thông tư 53/2019/TT-BGTVT ngày 31/12/2019. Đơn cử, mức giá dịch vụ đối với chuyến bay nội địa hạ cánh tại cảng hàng không nhóm A và nhóm B, có trọng tải cất cánh tối đa (MTOW) dưới 20 tấn như sau:

+ Trong khung giờ bình thường: Mức giá ở mức ban đầu là 382.500 NVĐ/lần.

+ Trong khung giờ cao điểm: Mức giá ở mức ban đầu là 439.875 NVĐ/lần.

+ Trong khung giờ thấp điểm: Mức giá ở mức ban đầu là 315.125 NVĐ/lần.

- Từ ngày 01/01/2022 trở đi: tiếp tục thực hiện theo mức giá quy định tại Thông tư 53/2019/TT-BGTVT ngày 31/12/2019.

Lưu ý: Đơn vị cung ứng dịch vụ và các đơn vị sử dụng dịch vụ chủ động thương thảo xử lý các khoản thu đã thực hiện thanh toán từ ngày 01/01/2021 đến ngày 26/9/2021 theo đúng quy định của pháp luật.

Thông tư 21/2021/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 26/9/2021.

14. Thủ tướng ban hành Quyết định 27/2021/QĐ-TTg ngày 25/9/2021 về việc giảm tiền thuê đất của năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo đó, đối tượng được giảm tiền thuê đất của năm 2021 là: Tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định hoặc Hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm.Về mức giảm tiền thuê đất:

- Giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2021, không thực hiện giảm trên số tiền thuê đất còn nợ của các năm trước năm 2021 và tiền chậm nộp (nếu có).

- Mức giảm tiền thuê đất này được tính trên số tiền thuê đất phải nộp của năm 2021 theo quy định của pháp luật. Trường hợp người thuê đất đang được giảm tiền thuê đất theo quy định thì mức giảm 30% tiền thuê đất được tính trên số tiền thuê đất phải nộp sau khi đã được giảm theo quy định của pháp luật.

Quyết định 27/2021/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày ký ban hành.

15. Thông tư 78/2021/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế, Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ.

Theo đó, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) kể từ ngày 01/7/2022 gồm các trường hợp sau:

- Nộp thuế theo phương pháp kê khai phải sử dụng HĐĐT;

- Nộp thuế theo phương pháp khoán nếu có yêu cầu sử dụng hóa đơn thì cơ quan thuế cấp lẻ HĐĐT theo từng lần phát sinh;

- Khai thuế theo từng lần phát sinh nếu có yêu cầu sử dụng hóa đơn thì cơ quan thuế cấp lẻ HĐĐT theo từng lần phát sinh.

Riêng trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định 123/2020/NĐ-CP thì sử dụng hóa đơn giấy của cơ quan thuế trong thời gian tối đa 12 tháng khi: Không thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử, không có hạ tầng công nghệ thông tin, không có hệ thống phần mềm kế toán, không có phần mềm lập HĐĐT để sử dụng HĐĐT và để truyền dữ liệu điện tử đến người mua và đến cơ quan thuế. Thời gian tối đa 12 tháng được tính một lần kể từ:

- Ngày 01/7/2022 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đang hoạt động từ trước 01/7/2022;

- Hoặc kể từ thời điểm đăng ký bắt đầu sử dụng hóa đơn đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh mới thành lập từ ngày 01/7/2022.

Thông tư 78/2021/TT-BTC có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2022. 

16. Quyết định 1740/QĐ-BGTVT hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải hành khách của 5 lĩnh vực (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không).

Theo đó, yêu cầu tuân thủ 5K, khai báo y tế nhưng không yêu cầu xét nghiệm đối với hành khách tham gia giao thông bằng phương tiện vận tải hàng không, đường sắt, hàng hải (trừ tuyến từ bờ ra đảo) nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Đã tiêm 01 liều vắc xin sau 03 tuần;

+ Đã tiêm đủ liều vắc xin.+ Đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 06 tháng.

Đối với các trường hợp khác phải có xét nghiệm SARS-CoV-2 có kết quả âm tính trong vòng 72 giờ (kể từ khi nhận kết quả) bằng RT-PCR hoặc test kháng nguyên nhanh và đảm bảo “Thông điệp 5K”; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế.

Đối với hành khách tham gia giao thông bằng phương tiện vận tải đường bộ, đường thủy nội địa, tuyến từ bờ ra đảo phải tuân thủ “Thông điệp 5K”; khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế;

Quyết định 1740/QĐ-BGTVT có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2021.

17. Ngày 30/9/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 82/2021/TT-BTC về giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu (NK) chuyển cửa khẩu trong trường hợp hàng hóa NK ùn tắc hoặc có nguy cơ ùn tắc tại cảng biển nơi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng.

Theo đó, cơ sở xác định hàng hóa NK ùn tắc hoặc có nguy cơ ùn tắc tại cảng biển bao gồm:

(1) Hoạt động khai thác cảng đang chịu ảnh hưởng bởi dịch covid-19 nằm ngoài khả năng khắc phục của cảng.

(2) Hàng NK tồn bãi đạt trên 90% dung lượng quy hoạch chất xếp hàng nhập khẩu của cảng biển.

(3) Được Cảng vụ Hàng hải xác nhận về tình trạng ùn tắc hoặc nguy cơ ùn tắc do tác động bởi đồng thời các yếu tố tại khoản (1), (2) nêu trên.

(4) Doanh nghiệp kinh doanh cảng biển có văn bản thông báo cho Chi cục Hải quan quản lý cảng biển nơi lưu giữ hàng hóa về tình trạng ùn tắc hoặc nguy cơ ùn tắc kèm xác nhận của Cảng vụ Hàng hải nêu tại khoản (3).

Thông tư 82/2021/TT-BTC có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

18. Ngày 01/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 88/2021/NĐ-CP về thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phê duyệt Phương án tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần và tổ chức đấu giá. Phương án tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần gồm các nội dung sau:

- Điều kiện tham gia đấu giá;

- Thông tin về băng tần đấu giá và các khối băng tần đấu giá;

- Giá khởi điểm, bước giá và tiền đặt trước;

- Hình thức, phương thức tổ chức đấu giá;

- Xử lý tình huống đấu giá (nếu có);

- Các nội dung khác có liên quan. Phương án tổ chức đấu giá phải được thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông không muộn hơn 5 ngày làm việc kể từ ngày phê duyệt.

Nghị định 88/2021/NĐ-CP có hiệu lực ngày 01/10/2021 và thay thế Quyết định 16/2012/QĐ-TTg ngày 08/3/2012.

19. Ngày 30/9/2021, Bộ Tài chính ban hành Quyết định 1921/QĐ-BTC bổ sung mặt hàng được miễn thuế nhập khẩu phục vu phòng, chống dịch COVID-19 kèm theo Quyết định 155/QĐ-BTC ngày 07/02/2020.

Theo đó, bổ sung các mặt hàng được miễn thuế nhập khẩu phục vụ việc phòng, chống dịch như sau:

- Túi nhôm (dùng để đựng kit test);

- Vỏ dưới que kiểm tra (dùng để lắp ráp tạo que kiểm tra);

- Vỏ trên que kiểm tra (dùng để lắp ráp tạo que kiểm tra);

- Ống chứa mẫu kiểm tra (dùng để đựng mẫu kiểm tra);

- Giá đỡ ống nghiệm (dùng để cố định các ống chứa);

- Que lấy mẫu dịch tỵ hầu (dùng lấy mẫu cần kiểm tra);

- Que lấy mẫu dịch ngoáy mũi (dùng lấy mẫu cần kiểm tra).

Quyết định 1921/QĐ-BTC có hiệu lực kể từ ngày ký đến ngày có văn bản công bố hết dịch của cấp có thẩm quyền.

20. Ngày 30/9/2021, Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành Thông tư 22/2021/TT-BGTVT quy định về phương pháp và tiêu chuẩn lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nạo vét vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa kết hợp thu hồi sản phẩm.

Trong đó có quy định việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thực hiện dự án nạo vét vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa kết hợp thu hồi sản phẩm. Đơn cử, trường hợp có từ hai nhà đầu tư trở lên đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm, việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư được thực hiện theo hình thức đấu thầu rộng rãi, bao gồm:

- Chuẩn bị lựa chọn nhà đầu tư;- Tổ chức lựa chọn nhà đầu tư;

- Đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật; thẩm định, phê duyệt danh sách nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật;

- Mở và đánh giá hồ sơ đề xuất về tài chính - thương mại;

- Trình, thẩm định, phê duyệt và công khai kết quả lựa chọn nhà đầu tư;

- Đàm phán, hoàn thiện và ký kết hợp đồng.

Thông tư 22/2021/TT-BGTVT có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2021.

21. Bộ KH&ĐT ban hành Thông tư 06/2021/TT-BKHĐT ngày 30/9/2021 về việc thu, nộp, quản lý và sử dụng các chi phí về đăng ký, đăng tải thông tin, lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Theo đó, bổ sung 02 chi phí mới khi lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia gồm:

- Chi phí nhà thầu trúng thầu:

+ Được tính bằng 0,022% giá trị trúng thầu, tối đa là 2,2 triệu đồng (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng).

+ Với gói thầu chia thành nhiều phần hoặc lô riêng biệt thì chi phí nhà thầu trúng thầu được tính theo giá trị trúng thầu của mỗi phần hoặc lô riêng biệt.

- Chi phí sử dụng Hợp đồng điện tử:Được tính bằng 0,022% giá trị hợp đồng, tối đa là 2,2 triệu đồng (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng).

Việc áp dụng mức thu các chi phí trên được thực hiện từ ngày 01/01/2023.

Thông tư 06/2021/TT-BKHĐT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/03/2022.

22. Ngày 06/10/2021, Thủ tướng ban hành Quyết định 29/2021/QĐ-TTg quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt.

Trong đó, có quy định về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với dự án đầu tư đặc biệt. Đơn cử, thuế suất ưu đãi 7% trong thời gian 33 năm áp dụng đối với thu nhập từ dự án đầu tư thuộc một trong các trường hợp sau:

- Dự án đầu tư thành lập mới (bao gồm cả việc mở rộng dự án thành lập mới đó) các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển:Có tổng vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư.

- Dự án đầu tư thuộc đối tượng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 20 Luật Đầu tư và đáp ứng một trong bốn tiêu chí sau:

+ Là dự án công nghệ cao mức 1;

+ Có doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi mức 1;

+ Giá trị gia tăng chiếm từ trên 30% đến 40% trong giá thành toàn bộ của sản phẩm đầu ra cuối cùng do tổ chức kinh tế cung cấp;

+ Đáp ứng tiêu chí chuyển giao công nghệ mức 1.

Quyết định 29/2021/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 06/10/2021. 

VCCI Thanh Hóa tổng hợp

 Bản tin pháp luật số 09.doc